Du khách đến đất Tây Đô rất khó quên với ấn tượng chợ cổ Cần Thơ bất kể ngày hay đêm do sự thanh tịnh, nho nhã, uy nghi, trầm mặc, hoài cổ rất lạ thường.

Cư dân hàng trăm năm sinh sống tại đây quen gọi là chợ Hàng Dương hay "chợ lục tỉnh", nằm trên đường Hai Bà Trưng, cạnh bến Ninh Kiều. Chợ cổ Cần Thơ được xây dựng khoảng năm 1915 cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây (TP Hồ Chí Minh). Đây được xem là ngôi chợ có kiến trúc đẹp nhất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, là nơi tập kết, buôn bán hàng hóa của khu vực Nam Kỳ lục tỉnh, gắn liền với nếp sinh hoạt xưa của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Qua dòng thời gian, chợ đã xưống cấp nghiêm trọng. Năm 2005 chợ được đầu tư sửa chữa, nâng cấp hàng tỷ đồng vừa đáp ứng nhu cầu giao thương mua bán, vừa giữ được bản sắc văn hóa cổ đồng bằng gây ấn tượng đẹp, sâu sắc với du khách gần xa bởi nét kiến trúc hài hòa, vừa hiện đại, vừa cổ kính, nên thơ.
Dulichgo
Hiện nay Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ được trùng tu, khôi phục nguyên trạng như hàng trăm năm trước với trần cong xương cá, mái ngói lợp kiểu âm dương, không gian mở rộng, hài hòa, mang đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long.

Chợ có tổng diện tích 1.723m2 hình chữ nhật, hai mặt chính, một mặt hướng ra sông và một mặt hướng thẳng ra con đường thiên đạo ngày xưa, con đường có truyền thuyết những người khai phá thuở ban sơ đã đặt viên gạch đầu tiên trên đất Cần Thơ.

Không thú vị sao được khi được tha hồ mua sắm những sản vật, trang phục, vật dụng sinh hoạt cổ xưa trong không khí tĩnh lặng giữa ồn ào náo nhiệt của thành phố. Từ chiếc nón, chiếc giỏ đeo, đôi khoen tai, bộ vòng "dã chiến” đến những bộ trang phục lạ lẫm đầy màu sắc rực rỡ; từ các mặt hàng mỹ nghệ truyền thống đến hàng nông sản và thủy sản qua chế biến.

Trước đây nhà lồng chợ Cần Thơ có nhà hàng Sao Hôm, chuyên phục vụ các món ăn châu Á và châu Âu, các loại rượu Tây, bia và nước giải khát cho du khách. Đến đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn truyền thống của người Nam bộ và trái cây đặc sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.
Dulichgo
Nhà hàng còn có dịch vụ hướng dẫn khách du lịch bằng thuyền theo các tuyến tham quan chợ nổi Phong Điền, Vườn du lịch Mỹ Khánh, chợ nổi Cái Răng, chiêm ngưỡng cảnh đẹp bến Ninh Kiều trên sông nước hữu tình trong tiếng đàn réo rắt, giọng ca ngọt ngào các giai điệu đờn ca tài tử miền Tây sông nước.

Những năm trở lại đây, thành phố Cần Thơ triển khai đề án xây dựng tuyến phố đi bộ và khu ẩm thực tại khu vực bến Ninh Kiều, khu chợ Cổ đêm, khu vực bán đồ lưu niệm từ 18 giờ chiều ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Khi dừng chân du khách tha hồ nhìn ngắm dòng sông Hậu nên thơ uốn quanh sau lưng chợ. Có thời gian thì mời sang khu du lịch Phù Sa để được về với thiên nhiên hoang dã, hay đứng giữa Chợ Cổ Cần Thơ để ngắm nắng bến Ninh Kiều bên hàng liễu rũ nên thơ.

Đáng tiếc là hiện nay nhịp độ mua bán tại chợ cổ Cần Thơ đã trầm lắng. Theo nhiều hộ kinh doanh cho biết: giá thuê lô sạp, mức thuế còn khá cao dẫn đến việc đội giá hàng hóa nên khó bán.

Tuy mang tiếng là "chợ cổ” nhưng hàng hóa "cổ” vẫn còn hạn chế dẫn đến sự xuất hiện nhiều mặt hàng "hiện đại” đa dạng, phong phú mẫu mã nhưng giá khá đắt, chủ yếu đáp ứng sự hiếu kỳ của khách ngoài nước. Việc mua bán ban đêm còn thưa thớt hơn. Nhiều người đến đây cứ thầm tiếc cho một thời "oanh liệt” hoàng kim trên bến dưới thuyền nay không còn nữa.
Dulichgo
Theo nhiều nhà nghiên cứu, để nhà lồng chợ Cần Thơ thực sự là một điểm nhấn du lịch, trước mắt phải thay đổi không gian kinh doanh và thói quen sinh hoạt của những người dân xung quanh lẫn du khách, xây dựng nhiều sự kiện du lịch ẩm thực, khôi phục lại cảnh quan mang nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước Nam bộ, để chợ không chỉ là chợ, mà còn là một nơi để thưởng thức văn hóa, thả hồn mình vào chân thực cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Đại Đoàn Kết, ảnh Kiến Thức và nhiều nguồn khác
Du lịch, GO!