(NLĐ) – Nghe dân săn ảnh đẹp rỉ tai về Nam Du cách đây 5 năm nhưng mãi gần đây thấy mạng xã hội lại ầm ầm thổi đảo lên tận trời xanh, tôi nôn nao, quyết xách dép lên đường cho biết với người ta.

< Bến tàu đi Nam Du đông đúc khách (không như ngày xưa).

Muốn là làm, tôi quyết định đi Nam Du trong vòng 1 tuần. Rủ rê thêm được 1 người bạn, “Tháng 3 bà già đi biển”, hợp quá rồi còn gì. Thế là 2 “bà già” quyết lên đường dịp cuối tuần.

< Nghe đồn thổi, khách du lịch khắp nơi kéo đến Nam Du.

Đi rồi mới tiếc là sao mình không đi từ 5 năm trước, dù khi ấy chắc tàu ghe còn khó khăn hơn bây giờ. Bến tàu ở Rạch Giá đông nghẹt người chờ qua đảo Nam Du.

< Các quán ăn đông nghẹt.
Dulichgo
Không chỉ là dân TP HCM háo hức, Tiền Giang nôn nao, mà cả Kiên Giang cũng tò mò vì mạng quá tung hê đảo nào là “Thiên đường du lịch”, “Thiên đường biển”, “Điểm đến cho người thích sự hoang sơ”.

Các quán ăn chật ních người, nhà nghỉ nườm nượp khách ra vào, còi xe bấm inh ỏi xin đường trên khúc gần cầu cảng cũng không ngăn cản được những bước chân dồn dập của khách phương xa chen chân vào đảo.

< Cá và mực phơi ở khắp nơi.
Dulichgo
Đã đi thì phải đến. Đã đến thì phải hiểu. Dù bực mình vì cái sự đông đúc nhưng tôi vẫn quyết lang thang trên đảo để tìm hiểu thêm về những gì mà mạng facebook chưa soi tới. Mới đi bộ được một lát chúng tôi bỏ ý định đi “xe hơi (tự sản xuất)” vì trời nắng nóng mà đường trên đảo thì lắm lúc đi bộ mà thắng chân không kịp với dốc.

< Bãi Mến nổi tiếng với bờ cát trắng, biển xanh và trong.

Đang ở bãi Ngự, loay hoay chẳng biết hỏi thuê xe ở đâu chúng tôi đánh bạo hỏi mấy thanh niên đang đánh bi da thì họ không ngần ngại: “Chị muốn thuê xe hả? Xe này cho thuê nè. Chị đang ở nhà nghỉ nào? Chừng nào chị muốn trả, ở đâu cũng được, chị chỉ cần điện thoại một tiếng là tụi này đến lấy xe liền”.

< Hòn Dầu nổi tiếng với bãi tắm yên ả, cát trắng, cùng hàng cây dầu cổ thụ bên trong đảo.
Dulichgo
Sau vài câu nói và không cần giấy tờ, chiếc xe đã là của chúng tôi, y như lúc đến nhà trọ, cũng chỉ vài câu hỏi thăm nhau là xong!

< Cây dừa "phim trường" được nhiều người 'check in" nhất tại hòn Dầu.

Xách xe chạy vòng vòng, đến bãi Mến để ngắm cảnh hoàng hôn xong tôi cứ thế mà chạy vòng vèo theo con đường quanh đảo để về. Do con đường khá hẹp lại do trời tối con nít đổ ra đường chơi tạt lon, rượt đuổi khá nhiều nên tôi chạy khá chậm.

< Hoàng hôn trên bãi Mến.
Dulichgo
Qua gần khu miếu bà Chúa Xứ tôi dừng xe để né một vài người đi ngược chiều. Bỗng tôi nhìn thẳng vào người đi ngược chiều bên đường, thấy một thiếu phụ khoảng 27 tuổi, đang chở con trên xe đạp mỉm cười, gật đầu chào mình.

< Đường lên hải đăng Nam Du với bờ cỏ lau tuyệt đẹp.

Cái cười rạng rỡ như gặp lại người quen của cô ấy khiến tôi ngẩn ngơ. Vẻ dịu dàng, đằm thắm và mặn mòi sau cái cười của cô gái ấy làm bừng sáng trong tôi cảnh tranh tối tranh sáng miền biển về tối.

Dù tôi đi nhiều, gặp nhiều người nhưng sao tôi bỗng yêu cái nụ cười ấy dù chỉ thoáng qua trong phút chốc và không dễ gặp. Đến giờ tôi vẫn chỉ bị nụ cười ấy quyến rũ mà không phải là của trai nào khác. Chết thật!

< Đi qua cổ thụ này vào ban ngày nhiều người thấy sợ, gai gai người.
Dulichgo
Dạo ở Nam Du tôi ước gì đảo biết làm du lịch hơn. Có những bãi biển mà nếu không có đám trẻ ào ào check in đến rồi biến mất sau 5 phút thì nó là hoàn toàn của bạn. Với một quyển sách hay, một món gì nhai chóp chép dưới bóng dừa, và biển. Đôi khi đời chỉ cần có thế. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước. Nằm dài ở mấy cái ghế tại bãi Đất Đỏ dưới bóng dừa, tôi hỏi chị chủ quản lý mấy ghế đó món gì nhâm nhi để giết thời gian, xem đám trẻ chụp hình quăng lên FB rồi kéo nhau đi, để 2 bà già “ta với ta”, chị bảo chỉ có nước ngọt.

< Không khí mát mẻ với chim ca, vượn hú sẽ làm cho bạn cảm thấy bõ công khi lội bộ cả giờ lên hải đăng.

Muốn ăn hải sản, chị sẽ chạy qua chợ ở bãi Chệt mua đồ về phục vụ; bánh xèo, bánh căn, chè, đồ ăn vặt, trái cây…trong xóm hoàn toàn không có bán. Ngoài hải sản là món đặc sản nhưng rẻ như ăn cơm 3 món trên đảo, còn thì các món ăn chơi khác thì chờ “về nhà mà ăn”. Tiếc thay!

Có một thử thách để bạn vượt lên chính mình tại đảo Nam Du ấy là đi bộ lên hải đăng Nam Du. Ngọn hải đăng cao 300 m so với mực nước biển này sẽ ngăn cản bước chân du khách lên vì có trạm của đồn biên phòng.

< Muốn lên được đến đây, bạn phải thở "hộc xì dầu" nếu đi bộ.
Dulichgo
Tuy nhiên, cứ vô tư vượt qua gác chắn, bạn sẽ được 2 chú chó hồn nhiên thân thiện ra đón và chơi đùa rồi tha hồ chụp ảnh, ngắm cảnh. Nhưng để được như vậy bạn sẽ phải thở bằng tai, leo dốc như bò kéo xe trong khoảng… 45 phút.

Leo lên được đỉnh hải đăng phần thưởng cho bạn chính là ngút tầm mắt cảnh biển xanh, tổng quan các hòn đảo lớn nhỏ ở Nam Du cùng rặng lau chập chùng trong cảnh trời xanh mây trắng mà không có ở đâu có được.

< Nhìn trên hải đăng Nam Du xuống các đảo.

Xem thêm:

Nam Du là một quần đảo nhỏ và xa nhất của huyện Kiên Hải (Kiên Giang), cách thành phố Rạch Giá 83km đường biển. Nam Du gồm 21 hòn đảo lớn nhỏ với đảo lớn nhất là hòn Lớn, thuộc xã An Sơn, nhưng xưa nay bà con quen gọi là hòn Củ Tron. Dăm năm trước, đảo Nam Du vẫn chưa phát triển nên mọi thứ còn khá hoang sơ và tự nhiên.
Tuy nhiên, sau khi được nhắc đến nhiều trong những năm vừa qua như là 'một thiên đường' thì Nam Du trở thành nơi mà dân phượt phía Nam nhất định phải ghé, sau đó là khách du lịch đổ nhau đến trong những kỳ nghỉ lễ (ĐGD).

Theo Song Ngọc (Người Lao Động)
Du lịch, GO!