(TBKTSG) - Khu rừng quý này là điểm đến hàng đầu ở Việt Nam dành cho những người có đam mê “xem chim” trên thế giới.

Dõi theo chim rừng

Một con chim gõ kiến đang bám vào cành cây cách chúng tôi 50 mét. Nó bám hai bàn chân chắc chắn theo dọc thân cây và mổ đều đều lớp vỏ tìm thức ăn. Sau vài nhát mổ nó nhảy lùi xuống dưới thấp hơn, cứ thế con chim vừa mổ vừa nhảy lùi say mê khoảng 1,5 mét dọc thân cây. Đầu nó đeo cái mũ đỏ tươi bằng những sợi lông dài chuốt lên như cái mũ có nhiều tua rua trong lễ hội. Lưng phủ lớp lông vàng pha mấy chấm cam, phần ngực và bụng màu đen pha sọc trắng. Những chiếc lông đuôi dài xòe ra như chiếc quạt làm con chim bám vào thân cây một góc 25 độ.

“Đây là con common flameback, tên tiếng Việt là gõ kiến vàng nhỏ. Em để ý vạch lông đen trắng ở cổ vì khác một chút kẻ đen trên mặt và cổ đã là con chim khác rồi, flameback có nhiều loại”, Lương Hà, một người xem chim nhiều năm ở Việt Nam giải thích. Chúng tôi thay nhau cầm ống nhòm ngắm con gõ kiến xinh đẹp. Trên cành cây đẫm sương buổi sớm, nó tự do múa vũ điệu của mình với cái mỏ đen nhọn, dày và chắc. Nó bắt được con côn trùng gì đó, húc hắc cái mỏ nuốt nạn nhân xong, khoan khoái ngó nghiêng xung quanh. Con chim không hề biết nó đã đem lại món quà tuyệt diệu cho mấy kẻ ngẩn ngơ đứng dưới đất đang chăm chú theo dõi mình.

Trên đường mòn của rừng xanh mướt, tưởng như mọi vật đều vừa mới được sinh ra trong lớp sương mỏng ban mai như rắc ngọc, chúng tôi thấy một con chim thon thả, đuôi dài, lí lắc phía cây cột sau gốc cây bằng lăng. Con chim có đôi mắt tròn xoe ngơ ngác, cả mảng lông ngực và bụng của nó màu gụ đỏ, đầu và thân trên màu xanh lam tím. Đôi chân mảnh và dài màu hồng. Chiếc đuôi với sợi lông dài bằng cả phần thân thanh nhã màu đen xen trắng làm cho nó thật quý phái. “Chích chòe lửa là con này, nó thường tha thẩn ở bìa rừng, gần mặt đất”, Hà nói.

Chích chòe lửa được ví như ca sĩ opera. Giọng chích chòe lửa thường ngân dài, du dương, tha thiết, xen lẫn những đoạn rung lưỡi, ngắt nghỉ một quãng rồi khẽ khàng thầm thì làm người nghe bị cuốn theo. Chúng còn có khả năng “mix” giọng, tức có thể bắt chước giọng hót của các loài chim khác hay các âm thanh mà nó nghe được vào giọng của riêng mình như tiếng mưa, tiếng suối chảy, tiếng mèo kêu... Giọng hót đặc biệt và bộ mã đẹp đã làm cho chúng trở thành loài chim bị nuôi nhốt và buôn bán phổ biến ở Việt Nam và một số nước châu Á.

Sáng nay chúng tôi sẽ đi tắc ráng khoảng hơn 20 ki lô mét dọc sông Đồng Nai. Đây là dòng sông hộ mệnh có đoạn dài khoảng 90 ki lô mét bao quanh Nam Cát Tiên, cũng có vai trò đắc lực cho việc bảo vệ khu rừng nguyên sinh quý hiếm này của Việt Nam.
Dulichgo
Người điều khiển đò của chúng tôi là một nhân viên Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn quốc gia Cát Tiên, anh cũng rất yêu rừng và các sinh vật. Chiếc tắc ráng đi chầm chậm giữa dòng sông Đồng Nai đỏ nồng phù sa và hùng vĩ. Một cành cây rung rinh trong lùm phía bên bờ, chiếc tắc ráng chậm lại. “Bụi cây kia có hai con cao cát, mọi người muốn chụp hình không tôi xáp vô?”, anh hỏi. Đến gần chúng tôi nhận ra ba con cao cát bụng trắng với chiếc mỏ sừng trắng to cồ cộ đặc trưng đang nhảy múa dưới nắng mai. Cao cát bụng trắng (oriental pied hornbill) là một loài trong họ hồng hoàng (hornbill). Loài chim này khá lớn, có thể nặng tới 1 ký, cặp mắt đen có viền trắng xung quanh, lưng và ngực xanh đen, phần dưới bụng và mặt dưới đuôi màu trắng. Mỏ của chúng dày và lớn, có thêm một miếng đắp thêm phía trên, chim càng lớn tuổi mỏ càng dày. Một lúc lâu cặp chim to hơn bay đi, để lại chú cao cát nhỏ hơn nhảy múa trên mấy cành tre.

“Ngọn tre kia có hai con bìm bịp lớn đang tắm nắng”, anh chỉ tay, giảm tiếng máy chạy. Chúng tôi tiến gần đến bụi tre, nơi hai chú bìm bịp say mê xòa đôi cánh màu nâu đỏ rộng mở như đang múa và nghiêng cái đầu với đôi mắt long lanh đen tuyền ngó nghiêng mấy kẻ lạ lùng dưới kia. Bìm bịp hiền hậu và tiếng kêu rất êm đềm, gắn với tâm hồn bao người từng sống ở thôn quê. Tôi thấy xót ruột khi nghĩ đến cảnh mới đây thôi, ở một chợ huyện, người ta lấy kéo cắt phăng bộ đuôi dài của nó và vặt lông nó bán chỉ với giá vài chục ngàn.

Trong nửa ngày chúng tôi đã xem được khá nhiều loài chim, gồm cu rốc bụng nâu, trảu lớn, bói cá nhỏ, bìm bịp lớn, đuôi cụt cánh xanh, mỏ rộng đỏ, chèo bẻo cộ đuôi bằng, chim khách, vàng anh Trung Quốc và một số loài chim cành cạch, hút mật, đớp ruồi và cu gáy phổ biến của khu rừng.

Ở rừng, mình phải lắng nghe, phải dõi tìm, phải tập trung quan sát để xác định xem con chim đang ở đâu, có chim không để ngắm, rồi phải tranh thủ mà ngắm hay giữ lại các khoảnh khoắc đó qua máy chụp hình, ghi âm tiếng hót vì con chim có thể bay đi bất kỳ lúc nào. Luôn phải thật kiên nhẫn và yên lặng, không cử động bất chợt hay gây tiếng ồn. Nên việc xem chim, theo chị Hà, cũng giúp ta rèn luyện tính kiên nhẫn.

Xem chim còn phải tìm hiểu nhiều, thuộc nhận dạng, ghi nhớ tên và đặc điểm của các loài, phải tìm hiểu tập quán chim, tìm hiểu môi trường chim sống. Nhiều loài chim con trống và mái có hình dạng, màu lông khác nhau, mùa sinh sản thì lông có màu khác với mùa còn lại... nên chỉ cần nhìn nhầm một chút về màu lông thì con chim đã có tên khác. Xem được một loài chim mới, cảm giác rất khó tả nhưng thỏa mãn và rất sung sướng.
Dulichgo
Những viên kim cương đang mất

Trên đường đi dạo lúc nhập nhoạng tối, chúng tôi gặp Tằng A Pẩu, tác giả của nhiều bức hình đẹp về thiên nhiên Việt Nam. Anh đang đứng ngắm hai con cú trên cành cây thấp ngay gần đường đi, chỉ cách mắt người 20 mét. “Hai con này dạn quá, chúng tự nhiên nô giỡn với nhau một lúc lâu mà không sợ người”, anh nói và cho chúng tôi xem bộ máy ảnh đặc dụng chụp chim hơn 5 chiếc lúc nào cũng sẵn sàng, tùy cảnh huống mà sử dụng. Anh coi Nam Cát Tiên như ngôi nhà thứ hai của mình.

Ngoài nổi tiếng về các loài chim quý, Cát Tiên còn nổi tiếng về hệ động vật với 113 loài thú, 159 loài cá nước ngọt, 109 loài bò sát, 41 loài lưỡng cư và 450 loài bướm. Trong đó có tới 43 loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu với 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Lắng nghe tiếng rừng

Ở Cát Tiên nếu có nhiều thời gian, đi vào rừng, bạn còn có cơ hội gặp thêm nhiều loài chim quý hiếm của thế giới và Việt Nam, như gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, gà lôi hồng tía, hạc cổ trắng, cò quắm cánh xanh, ngan cánh trắng, niệc mỏ vằn, công, già đẫy Java, chích chạch má xám...

Với dân xem chim không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, Vườn quốc gia Cát Tiên là điểm nhất định phải đến vì đây là thế giới của 350 loài chim hoang dã, chiếm hơn một phần ba số lượng các loài chim của Việt Nam. Trong đó có 3/10 loài đặc hữu của Đông Nam Á, nhiều loài chim có tên trong Sách đỏ.

Quanh năm trong khu bảo tồn này, người ta đều bắt gặp các nhóm xem chim người nước ngoài và hướng dẫn viên người Việt với ống nhòm, kính thiên văn, sách hướng dẫn và máy ảnh tối tân đi bộ “lang thang” và lặng lẽ quan sát. Lương Hà cũng như nhiều người trẻ đam mê môn bird watching tại Việt Nam cũng có nhiều chuyến đi trong và ngoài nước với khao khát thấy được nhiều loài chim như vậy. “Ngắm con chim trong rừng, cảm giác thật bình yên, hạnh phúc, tự do, chỉ muốn đi mãi”, chị nói.
Dulichgo
Vì sao dân xem chim lại có thể ngẩn ngơ đeo đuổi mấy sinh vật nhỏ bé, thoắt ẩn thoắt hiện đến mệt nhoài?
Nếu ai chưa từng xem chim ngoài thiên nhiên, khi thấy con chim trong lồng vẫn có thể thấy đẹp và thích. Còn khi đi xem ngoài thiên nhiên, cảm giác nói chung khó tả, đó là sự vui sướng, là sự thỏa mãn về cái đẹp, thích thú, hiểu biết được mở rộng, biết tôn trọng sự sống của mọi loài khác mình... và còn là sự chinh phục.

Vì sao lại phải chinh phục khi xem chim? Xem chim trong thiên nhiên rất khác với việc nhìn thấy chúng trong vườn thú, lúc nào cũng ở đó, mất bản năng sinh tồn và ca hát, thậm chí chúng còn ủ rũ thiếu sinh khí. Sinh vật hoang dã bị cầm tù thì coi như chỉ còn tồn tại chứ không còn sống theo đúng nghĩa.

Đây là khu rừng nhiệt đới ẩm duy nhất còn sót lại tại miền Nam Việt Nam, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết khí hậu cho vùng Tây Nguyên và Nam bộ. Vườn quốc gia Cát tiên là “báu vật” thiên nhiên của Việt Nam, đặc biệt khi còn là ngôi nhà của con tê giác Java một sừng cuối cùng của Việt Nam.

Tháng 10-2011, loài tê giác Java đã chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam. Người ta tìm thấy nó khi xác đã bắt đầu phân hủy và bị cắt sừng, nay chỉ còn bộ xương trưng bày trong bảo tàng của khu bảo tồn. Anh nhân viên khu bảo tồn ngậm ngùi: “Chưa ai nhìn thấy nó ngoài hình ảnh chụp từ bẫy chụp hình của chuyên gia thế giới đặt trong rừng sâu, thế mà kẻ trộm cũng tìm ra nó và bắn chết được. Giống như khi anh chị đeo trên cổ viên kim cương hơn 1 tỉ đồng, số phận nguy hiểm khó lường”.
Dulichgo
Những viên kim cương ít ỏi của rừng cũng đang bị dọa đánh cắp. Không chỉ tê giác, voi, hổ, tê tê và gấu, cu li, voọc... của Việt Nam cũng đang trong danh sách bị đe dọa tuyệt chủng. “Loài vật cần được sống ngoài thiên nhiên hoang dã nơi chúng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và điều tiết sức khỏe của rừng. Nhưng kẻ thù lớn nhất của con vật là gì?” - anh Sơn, nhân viên ở đây hỏi đám trẻ đoàn chúng tôi - “Chính là con người”, chúng trả lời. Trên đường về, chúng bảo nhau: “Giá mà các con vật trong rừng đều giỏi võ để đánh lại thợ săn thì hay biết mấy!”.

Theo Hồng Phúc (The Saigon Times)
Du lịch, GO!