Sau nhiều lần hò hẹn chúng tôi mới có dịp tới Cần Thơ, thủ phủ của miền châu thổ sông Cửu Long. Từ Hà Nội, chưa đầy 2 giờ bay, Cần Thơ đã hiển hiện trước mắt, cảnh sắc và con người nơi đây thật đồng điệu với những câu hát vô cùng mùi mẫn và đặc sệt hương vị Nam Bộ.

Về Cần Thơ, nơi mà chúng tôi muốn đến đầu tiên chính là bến Ninh Kiều, cũng là bởi cứ bị ám ảnh từ lời ca “...về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu” trong một bài hát cũ mà đã nghe đến thuộc lòng từ bao giờ chẳng biết. Hóa ra cái tên “Bến Ninh Kiều” là mãi đến năm 1958 mới được đặt cho bến sông sầm uất này.

Trước đó, bến có tên là Hàng Dương. Thế mà cái tên Ninh Kiều nghe cứ như có từ thuở nào rồi. Nằm bên hữu ngạn sông Hậu, nhìn ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, bến sông này là nơi hình thành sự giao lưu, thương mại sầm uất đầu tiên của Cần Thơ.

Trong ký ức của người dân ở đây, bến đã từng rất thơ mộng với những hàng liễu rủ, nhưng đồng thời cũng vô cùng nhộn nhịp bởi hàng trăm ghe tàu từ Gia Định và khắp xứ “Lục tỉnh” tụ về, chạy lên Sài Gòn và ngược tận Nam Vang mỗi ngày. Cái sầm uất ấy vẫn tiếp tục gia tăng cho đến tận bây giờ và du khách vẫn nườm nượp đến đây để ngắm một địa danh còn chất chứa không ít dư âm của những ngày tháng cũ.

Để khám phá Cần Thơ, chúng tôi thuê một chiếc ghe máy nho nhỏ, vừa đủ chở 3 người đi chợ nổi Cái Răng. Khu chợ độc đáo này mới được Bộ VH-TT&DL chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Bởi thế mà du khách dường như đến đây cũng đông đúc hơn.

Cả nhóm không chọn đi ghe du lịch lớn vì nó đầm quá, không còn cảm giác dập dềnh trên sông nước. Từ trên sông nhìn lại về phía thành phố mới thấy, những căn nhà ven sông cũng coi như hai mặt tiền, một phía đường bộ, một phía là đường sông. 
Dulichgo
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ, tên Cái Răng vốn xuất phát từ ngôn ngữ Khmer có nghĩa là “cà ràng” (bếp bằng đất nung) do từ đầu thế kỷ 20, ven con sông này có nhiều hộ người Khmer sản xuất cà ràng. Khoảng những năm 1915, khi các con kênh ở miền Tây được người Pháp cho đào, việc thông thương bằng xuồng bè bắt đầu xuất hiện, khu vực này trở nên nhộn nhịp.

Cùng với chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp ở Hậu Giang, chợ nổi Cái Răng dần được hình thành với hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán hàng hóa rất tấp nập. Ghe hàng của người Việt bán rau củ quả, còn ghe buồm của người Khmer chở bán cà ràng, người Hoa thì bán tạp hóa.

Nay không còn nhiều ghe bán cà ràng của những người Khmer.  Hiện người kinh doanh trên chợ nổi Cái Răng chủ yếu là người Việt, cứ mùa nào thức ấy, hoa củ quả trên chợ nổi có đủ quanh năm, người bán chuyên chở đầy ghe thuyền. Cũng có những chiếc ghe lớn như ngôi nhà di động trên sông và người dân sinh sống ngay trên sông nước.

Điều đặc biệt ở chợ nổi Cái Răng là nét văn hóa hiền hòa trong giao thương. Người mua kẻ bán ở đây tương trợ lẫn nhau và mỗi chiếc ghe như là một thế giới riêng biệt. Có một điểm thật độc đáo là cây bẹo ở chợ nổi, có lẽ đó là hình thức quảng cáo đầu tiên trên sông nước.
Dulichgo
Nó chào hàng bằng tín hiệu hình ảnh trực quan sinh động mà không cần phải viết chữ hay cất tiếng rao. Từ cách xa cỡ 300 thước, người ta đã nhìn thấy cây bẹo. Từ bẹo được giải nghĩa là khêu gợi, kích thích sự tò mò. “Bẹo gì bán nấy” là câu cửa miệng của người ở chợ nổi.

Một cây sào cắm trước đầu ghe, treo trên nó khi thì chùm củ sắn, khi thì chùm khoai lang, khi thì quả dưa hấu, trái xoài, trái thơm… Cũng có khi cây sào ấy treo lủ khủ nào cà rốt, nào khoai tây, hành tây, bắp cải, củ dền… Những người ở chợ gọi cây bẹo treo nhiều loại hàng đó là bán la-ghim, tức thập cẩm nhiều hàng, đó thường là hàng từ Đà Lạt xuống.

Ở chợ nổi Cái Răng xưa nay người ta bán theo chục, thiên, giạ… như tính cách hào phóng của người miền Tây. Nói là chục nhưng có nơi chục 12, có nơi chục 14-16, thậm chí chục 18. Còn bán theo giạ thì cứ 2 thúng bằng 1 giạ, tương đương 18-20 kg.

Hoặc là mua mão, bán mão, tức là khỏi cần cân đong gì, nhìn nguyên ghe hàng đó rồi trả giá để mua, bán. Cái hay của thương hồ kinh nghiệm là tự cảm nhận để mua bán kiểu này vẫn có lời.

Chúng tôi cùng các du khách khác hứng khởi mua đủ loại trái cây: người trái ổi, người chục xoài, người mua ly cà phê đá... trong không khí nhộn nhịp. Thấy du khách giơ máy ảnh, điện thoại lên chụp, những người bán hàng cười thật tươi, thật tự nhiên. Người bán hàng nơi đây thật hồn nhiên, dung dị, không nói thách giá.

Họ phần lớn là dân miệt vườn sông nước miền Tây ở Phụng Hiệp, Ngã Bảy (Hậu Giang), Phong Điền và những địa phương lân cận với Cần Thơ đến bán các loại trái cây, nông sản, đặc sản của vùng. Từ dáng vẻ, khuôn mặt đến giọng nói của họ đều toát lên sự chân chất, dễ dãi chứ không mang vẻ chua ngoa của thị thành.
Dulichgo
Khi chúng tôi đến gần chiếc thuyền bán xoài, một anh bạn trong nhóm liền bước sang đó và hỏi: “Xoài bán thế nào cô? Bán ký hay bán chục”. Cô gái bán hàng trả lời: “Trên thuyền khó cân lắm anh ạ. Em bán chục”. Chục mà cô gái nói là 16 quả. Thực tế, người mua muốn thêm 1, 2 quả cũng chẳng sao. Thấy tôi ngạc nhiên, cô gái mỉm cười: “Trái cây trong vườn mình... bán sao cũng được”. Văn hóa chợ nổi, văn hóa sông nước miền Tây có lẽ là đây chăng?

Và khi cuộc mua bán khép lại, chờ con nước lên để ra về hoặc những ghe còn hàng phải ở lại bán tiếp vào hôm sau, người ta tụ tập nói chuyện, rồi thêm cây đờn, thêm ly rượu. Người này hát một câu, người kia xin hát một câu, dần dà thành ra một cuộc chơi đờn ca tài tử bất tận.

... Những ngày ở Cần Thơ, thú vị nhất là trong trưa nắng, ngồi dưới bóng mát gốc xoài và so đũa, thưởng thức những món đặc sản miền Tây. Nào là  món cá lóc tứ bửu gồm cá lóc, tôm hấp, thịt heo luộc và mắm cá lóc, tất cả quấn bánh tráng rau sống và chấm với nước mắm me chua ngọt, nào là món lẩu bần, nào là canh so đũa...
Dulichgo
Từ đâu đó vọng lại những bài vọng cổ mùi mẫn hay những bài hát mang làn điệu dân ca “em gái miền quê, ngọt ngào trong trắng, dầm mưa dãi nắng mà em vẫn yêu trăng đẹp ngày rằm...” .   

Theo Hồng Đậu (Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!