Từ thành phố Bắc Giang theo đường tỉnh 398 đến thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) theo hướng Tây chỉ đi ngót 5 km là đến làng Chúc, nơi có di tích quán Chúc tọa lạc. Là loại hình di tích đặc biệt trong không gian văn hóa làng quê ở Tân Yên, quán Chúc có lẽ là di tích đầu tiên ở Bắc Giang được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa.

Dấu xưa Kinh Bắc

Cái nắng chang chang của mùa hè hắt trên mặt đường nhựa khiến cho tôi cảm thấy ong ong trong đầu. Cảm giác đó chợt tan biến khi trước mắt tôi hiện ra một khoảng không gian xanh ngắt của cánh đồng lúa đang thì con gái trải dài đến tận đầu làng Chúc, thuộc xã Đại Hóa.

Từ xa, tôi đã nghe tiếng xôn xao của nhiều người ở điểm dừng chân của làng – quán Chúc. Có hàng chục người từ trẻ đến già, cả nam cả nữ đang ngồi thư thái trên sạp chuyện trò vui vẻ.

Dừng xe kèm theo vài câu chào hỏi xã giao, tôi ngồi ghé lên sạp gỗ của quán. Ông Chúc Văn Hồng sôi nổi kể với tôi bằng giọng đầy tự hào:
Dulichgo
“Ăn cơm ba bát
Tắm mát ao xuềnh xoàng
Ngồi hàng quán Chúc...
Đó là câu phương ngôn rất đỗi quen thuộc đối với nhiều người dân làng Chúc.

Ở xã Đại Hóa này, ngoài chùa Thanh Cao thì đây là di tích thứ hai được tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Chúng tôi thấy thật vinh dự!”

Ông Hồng vốn là người làng Chúc, đã có một thời gian dài đi bộ đội, làm công tác ở xã. Hiện giờ ông là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Chúc. Đã ngoài 70 tuổi nên ông biết khá rõ những chuyện về ngôi quán này.

Ông nghe kể lại quán Chúc đã khoảng 400 năm tuổi. Quán được xây dựng ở ngay ngã ba đầu làng, nơi mà ai tới làng Chúc cũng được chiêm ngưỡng và nghỉ mát.

Thời phong kiến, quan lại đi vi hành không muốn phiền đến dân chúng thường chọn nơi này làm chốn nghỉ chân. Mọi người dân cũng hay ghé qua nên nhiều chuyện trong dân gian đều được bàn tán, chia sẻ. Việc nắm thông tin cũng trở nên nhanh nhạy, đầy đủ.
Dulichgo
Ngay từ đầu, tôi đã thấy ấn tượng với kiểu kiến trúc khác lạ của quán. Quán Chúc hiện nay còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ có sự đan xen của hai thời đại,  thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Bình đồ kiến trúc hình chữ nhất gồm ba gian hai chái, bốn mái đao cong, để thông thoáng. Các cấu kiện kiến trúc tuy không chạm khắc nhưng vẫn còn đượm màu thời gian cổ kính có giá trị nghiên cứu văn hóa mỹ thuật và kiến trúc cổ. Bộ khung gỗ của quán Chúc làm bằng gỗ lim bào trơn đóng bén. Bốn mặt quán để trống thông thoáng, trong có sàn gỗ lim chia làm ba cấp, mặt gỗ giờ cũng đã nhẵn lỳ.

Ông Hồng giải thích: “Thời phong kiến, bậc cao nhất dành cho người có chức tước cao ngồi, tiếp đến bậc thứ hai dành cho những người chức vị thấp hơn, bậc thứ ba thấp nhất mới là chỗ của bình dân”.

Anh bạn công tác ở Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang đi cùng tôi chia sẻ: “Cũng như nhiều loại hình di tích khác, quán Chúc có lịch sử xây dựng từ lâu đời và được thiết kế theo lối kiến trúc cổ truyền thống. Loại hình công quán được manh nha hình thành và phát triển mạnh từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII. Bích Câu Đạo quán gắn với câu chuyện về Trần Tú Uyên và Giáng Kiều là một điển hình cho sự phát triển về loại hình di tích này ở thế kỷ XV. Di tích quán Chúc ở Tân Yên cũng nằm trong khung niên đại đó, xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII”.

Cũng theo anh, với đặc thù riêng của loại hình công quán, quán Chúc không phải là nơi tôn thờ thần, Phật nhưng lại gắn liền với Đạo Lão và Đạo Giáo ở buổi ban đầu. Nơi đây là điểm dừng chân cho các bậc tao nhân mặc khách, sau là nơi nghỉ chân cho khách qua đường, bà con nhân dân địa phương.
Dulichgo
Là nơi sinh hoạt tổ chức các trò chơi dân gian trong ngày hội đình và ngày sự lệ làng. Lễ hội đình hằng năm được tổ chức vào ngày 12 tháng 9 âm lịch, với nhiều nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc như: nghi lễ tế thánh, đấu vật, đấu cờ, chọi gà, đánh đu, bắt vịt trên ao, đi cầu kiều…Những trò chơi dân gian thể hiện khát vọng tự do và ước mong no đủ của nhân dân địa phương.

Tô điểm tạo nên vẻ đẹp đặc biệt của di tích chính là những cây sanh cổ thụ có đến vài trăm năm tuổi, chắc cũng bằng tuổi của di tích ở xung quanh quán. Đặc biệt có cây sanh và cây duối quấn quýt với nhau như cùng một gốc. Ông Nguyễn Đăng Ngưu, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã đang cùng các cụ bàn chuyện tổ chức giải thể dục dưỡng sinh của xã kể: “Có người qua đây đã trả giá một tỷ rưỡi để mua cây này nhưng xã không cho phép bán, ban quản lý thôn Chúc và người dân cũng không đồng ý”.

Ngồi ở quán có thể nhìn ngắm bốn phía của làng Chúc. Đây là ngôi làng cổ với diện tích và dân số đông nhất xã Đại Hóa hiện nay. Trước đây, làng Chúc có ba cổng làng rất đẹp, tiếc là nay đã không còn.

Trong không gian của di tích, ngoài những cây sanh, duối, còn có cây gạo già đứng đơn độc bên con đường dẫn vào làng. Mỗi độ tháng 3 âm lịch, hoa gạo đỏ rực như bó đuốc thắp sáng đón khách thập phương về làng. Khi qua đây, tiếng chim chào mào lao xao khiến làng quê trở nên rộn ràng hơn.

Nơi gắn kết tình cảm cộng đồng

Ông Nguyễn Xuân Mai ở ngay gần quán Chúc cho biết: Quán là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với văn hóa làng Chúc. Tuy có chức năng khác với đình, chùa, đền nhưng quán Chúc vẫn mang nét văn hóa chung trong không gian văn hóa làng quê. Nó gắn liền với các công trình văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng trong làng như nghè, đền Chúc, cùng được xếp vào loại hình kiến trúc cổ.

Quán Chúc là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng làng xã. Các nghi lễ và trò chơi dân gian trong ngày lễ hội của làng không chỉ diễn ra trong phạm vi ở chốn đình chung mà còn diễn ra ở khu di tích quán Chúc.
Dulichgo
Có thể thấy rằng người xưa dựng lên ngôi quán Chúc cho mọi người có chỗ dừng chân nghỉ ngơi đã thể hiện rõ quan niệm hướng thiện và cách ứng xử quan tâm giữa con người với con người trong cộng đồng làng xã. Loại hình di tích như quán Chúc ở Tân Yên không có nhiều. Có thể nói, quán Chúc là một dấu ấn, nét văn hóa đặc sắc, mang đậm tính nhân văn, thể hiện rõ phong cách ứng xử của người Việt và có tính giáo dục rất lớn. Sự hiện diện của ngôi quán Chúc ở Tân Yên là niềm tự hào và là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển về nghệ thuật kiến trúc cổ cũng như sự phát triển của Đạo Lão và Đạo Giáo trên vùng quê Tân Yên thuộc đất Kinh Bắc xưa.

Giờ đây, quán Chúc vẫn luôn đông đúc bà con nghỉ chân. Những câu chuyện trong làng, ngoài xã, từ việc gia đình đến việc xã hội, rồi tin tức trong nước, quốc tế đều được chia sẻ, bàn góp ở đây. Sợi dây tình cảm cấu kết giữa những cá nhân cũng trở nên gần gũi, thân mật hơn.

Ngay bên quán là nhà văn hóa thôn Chúc. Vậy nên, trong không gian khá rộng của di tích thường xuyên diễn ra những hoạt động tập thể như văn nghệ, thể dục thể thao, những cuộc họp của thôn…
Dulichgo
Ngồi ở quán Chúc, đón những làn gió mát từ cánh đồng rộng trước mặt, phóng tầm mắt ra xa quả thật là dễ chịu, thoải mái. Nấn ná mãi tôi mới đứng dậy xin phép ra về. Chia tay những người dân bình dị của làng Chúc khi đã chiều tà, ngẫm lại câu chuyện kể về quán Chúc, tôi thấy quãng đường gần 30 km từ đây về thành phố Bắc Giang không còn xa nữa.

Theo Đăng Lâm (Du lịch Bắc Giang)
Du lịch, GO!