Ven bến Hàm Tử (Quy Nhơn, Bình Định) được biết đến nhiều với nghề hấp cá nục, cá cơm. Cao điểm, mỗi ngày nơi đây có thể xuất đi hàng chục tấn cá khắp các vùng trong và ngoài tỉnh.

Vừa đến chợ cá ven bến Hàm Tử đã ngửi thấy mùi cá hấp thơm nồng tỏa ra từ cả chục lò hấp cá lớn nhỏ. Hàng chục tấn cá nục, cá cơm tươi xanh vừa cập bến đã được sơ chế và đưa ngay vào lò hấp để giữ trọn độ tươi ngon, vẹn nguyên vị béo nồng của hải sản.
Nghề hấp cá ra đời từ cách đây hơn nửa thế kỷ tại chợ cá nằm ven bến Hàm Tử. Các thuyền chở cá tươi từ biển về sẽ được các lò hấp thu mua, thường là các loại như: cá mực, cá nục, cá cơm, cá sọc dưa, cá ngừ…

< Sau khi mua về, những nhân công ở đây làm sạch cá qua các công đoạn như: đánh vảy, mổ ruột, cắt lát và xếp ngăn nắp vào các rổ tre để chờ cho vào lò hấp. Vì phải làm thật nhanh với số lượng lớn nên người thợ chỉ sơ sểnh một chút là có thể bị đứt tay.
Dulichgo
Nhanh tay đưa ròng rọc mắc theo các vỉ cá cho vào nồi hấp, anh Lê Nghĩa cho biết: “Các vỉ cá được xếp đều lên vỉ rồi chồng lên nhau sao cho khớp, cuối cùng là cho vào nồi hấp đã có sẵn muối..

< Cá đã qua sơ chế sẽ được đưa lần lượt vào lò hấp với nước đang sôi sùng sục trên bếp.

... Nhiệm vụ của người hấp cá phải theo dõi thường xuyên nồi hấp, cho lượng muối vừa đạt, đủ chuẩn đảm bảo sao cho cá sau khi phơi xong thơm ngon, để được lâu dài. Nhiều lúc khói phả lên khá nóng, nhưng mình vẫn phải vững tay mới giữ được chắc vỉ hấp”.


< Nước hấp được pha theo công thức riêng để đảm bảo vị đậm đà của cá biển. Thời gian hấp cá của mỗi loại cũng được căn hợp lý để cá chín tới, đảm bảo thịt dai và giữ nguyên vị ngon. Thợ chính của lò hấp đòi hỏi sức khỏe và sự dẻo dai. Rất ít ai như người phụ nữ này làm công việc thợ chính của lò hấp.

Ngay trước cơ sở hấp cá là những chiếc thùng nhựa lớn được xếp thành dãy chứa đầy nước đá. Cá mực, cá nục, cá cơm, cá sọc dưa, cá ngừ tươi xanh được kéo từ thuyền về đem ngâm ngay vào những thùng nước đá, sau đó vớt ra để ráo, ra vỉ và đưa vào lò hấp.

< Người thợ hấp cá nhấc bổng sọt cá tầm 10 kg lên cao hơn 1,2 m để cho vào nồi nước sôi, rồi lắc sọt cá sao cho ngập đều nước, đợi đến khi chín vớt ra mang đến đến nơi tập trung. Các công đoạn này được người thợ thao tác liên tục cả ngày.
Dulichgo
Gắn bó với nghề gần 30 năm , ông Sang (59 tuổi ) cho biết: “Tôi gắn bó với nghề này từ rất lâu, giờ tuy có tuổi nhưng nếu không làm nữa thì rất buồn. Mỗi ngày thu nhập cũng được 100-200 ngàn đồng. Nhờ vào nghề cá hấp này mà tôi có thể nuôi 2 con học đại học”.

< Các lò hấp rực lửa từ khoảng 5h sáng. Vào những ngày nóng bức, nhiệt độ của không gian quanh bếp lên tới 50-60 độ C. Ngọn lửa hắt ra nhiệt lượng bỏng rát chân tay, mặt khiến những người không quen cảm thấy khó thở, tức ngực. Thu nhập từ công việc này khoảng 100.000 - 200.000 đồng một ngày giúp họ trang trải cuộc sống. Đây cũng là động lực để họ vượt qua cái nóng hầm hập của lò hấp hàng ngày.

< Sau một ngày làm việc, người ta thường vệ sinh sạch sẽ không gian chế biến. Mùi đặc trưng của lò hấp cá sẽ ám vào quần áo, tóc nặng đến mức khó có thể tẩy sạch hết được.
Dulichgo
Cũng có thâm niên trong nghề như ông Sang, bà Hoa (50 tuổi)chia sẻ: “Trước kia cuộc sống của tôi khá bấp bênh, chồng thì suốt ngày gắn bó với biển, mình chỉ quanh quẩn việc nhà, đan lưới, nuôi con nhưng từ khi gắn bó với nghề cá hấp này, cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên, tôi có thể phụ chồng nuôi con ăn học, gia đình đủ ăn, con cái học hành đến nơi đến chốn, vợ chồng tôi phấn khởi lắm”.

Nếu đầu ngày, vừa đến bến Hàm đã ngửi thấy mùi thơm nức của cá hấp thì trưa và chiều là thời điểm cá “ăn nắng” dần khô và dai dòn. Với tỉ lệ 4/1, cứ 4 tấn cá tươi thì cho ra 1 tấn cá khô, mỗi ngày, bến Hàm Tử xuất hàng tấn cá khô đi khắp các tỉnh thành, cả miền ngược lẫn miền xuôi.

Sống và phát triển tốt với nghề, đó là lý do người dân ven bến Hàm Tử vẫn cố gắng bám trụ, đưa sản phẩm truyền thống quê hương vươn xa, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Theo Phương Liên (Báo Tin Nhanh)
Du lịch, GO!