Kế Môn (Điền Môn, TP. Huế) được gọi là “Thành phố của nhà nông” vì nó được thiết kế như một thành phố hiện đại với những điểm vui chơi, khu nghỉ mát, siêu thị, thư viện...

Phúc ấm của tổ tiên lan tỏa qua bề dày văn hóa, giúp con cháu giữ được nếp nhà, đạo hiếu, cùng tạo nên một làng quê yên bình và trù phú.

Nằm ở khu vực Ngũ Điền, làng Kế Môn (thuộc xã Điền Môn) được xem là vùng sâu, vùng xa của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ TP. Huế, chúng tôi vượt hơn 70km tìm về làng Kế Môn nằm sát quốc lộ 49B để tìm về ngôi làng nổi tiếng này.

Những ngôi làng chạy dài bên phá Tam Giang, nằm ẩn khuất sau những dãy dừa tạo nên cho vùng quê nơi đây một vẻ yên bình. Nhưng đến Kế Môn thì một thành phố “hiện lên” giữa làng quê vừa cổ kính vừa hiện đại, tạo nên một nét khác biệt cho ngôi làng hàng trăm năm tuổi này.

< Chùa một cột nằm giữa hồ sen bát ngát tạo nên vẻ đẹp hiếm nơi nào có được.

Ngôi làng được bao quanh bởi cánh đồng lúa, đường dẫn vào làng được đổ bê tông cốt thép, chắc chắn, sạch sẽ hai bên tràn ngập những cây hoa giấy, cây bằng lăng nở hoa tím ngắt tỏa bóng mát cho những lầu nghỉ mát.
Dulichgo
Trên khắp các con đường vào thôn là những dãy ghế đá dài, tạo nên một thiên đường nghỉ ngơi cho người dân nơi đây. Buổi sáng, công viên là nơi lý tưởng cho người dân trong làng tập thể dục và cũng để hít hà không khí trong lành thổi từ đồng nội.

Buổi trưa, công viên trở thành nơi nghỉ ngơi cho người già, cho đám trẻ nhỏ chơi đùa. Buổi tối, với hệ thống điện lưới tỏa sáng khắp cả làng, ghế đá công viên trở thành nơi giao lưu trao đổi kinh nghiệm sản xuất của những người lớn tuổi, các đôi trai gái ngồi tâm sự, những đam trẻ con chơi đùa, làm náo nhiệt cả làng quê...

< Thư viện làng.

Đến đây, du khách cũng có cơ hội ngắm phiên bản của chùa Một cột, được xây dựng năm 1998 giữa lòng hồ sen bát ngát, ban đêm những ánh đèn phát ra từ trong chùa làm cả một vùng quê rực rỡ.

Nhưng điều đặc biệt nhất là gần 10 năm nay, ngôi nhà rường gần trăm năm tuổi ở làng Kế Môn đã trở thành trung tâm thư viện của làng với nguồn tư liệu phong phú, với khoảng hơn 2.000 đầu sách báo các loại.
Dulichgo
Thư viện này được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu của người dân và các em học sinh trong làng và các vùng lân cận. Người góp công không nhỏ trong việc thành lập địa chỉ tin cậy này cho học sinh và nông dân làng Kế Môn chính là ông Hồ Huệ, một người dân của làng, hiện đang sinh sống tại TP.HCM.

< Nhà thờ từ đường tộc Trần Văn.

Hơn 10 năm trước, ông Hồ Huệ đã tặng khu đất rộng hơn 400m2 và ngôi nhà rường cổ kính của gia đình mình để xây dựng thư viện làng, nhằm nâng cao văn hóa đọc cho bà con nông dân. Trước việc làm ý nghĩa của ông Huệ, thư viện Quốc gia đã hỗ trợ thêm nguồn sách.

Tổ chức LEAF cũng có dự án hỗ trợ thư viện làng bằng việc hằng tuần cung cấp 3 đầu báo: văn hóa, nông nghiệp và sức khỏe đời sống để phục vụ người dân.

Ngoài nguồn sách báo khá dồi dào, thư viện làng Kế Môn còn có phòng trưng bày về nông cụ, mô tả những công việc đồng án của người nông dân. Nhiều người dân nhờ thư viện mà học được kinh nghiệm chăn nuôi gà, vịt không bị dịch bệnh, tìm ra phương thuốc phòng ngừa sâu bệnh cho lúa...

< Thư viện với hàng ngàn đầu sách các loại là nơi để người dân tham khảo, cập nhật thông tin.

Ông Nguyễn Thế, Phó phòng Văn hóa Thông tin huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế cho biết: “Tôi thấy duy trì thư viện làng là một việc làm cần thiết để phát triển nông thôn Việt Nam, đặc biệt trong công cuộc xây dựng làng văn hóa hiện nay”.
Dulichgo
Kế Môn có nghề làm kim hoàn nổi tiếng trên 300 năm nay. Thợ làm vàng Kế Môn từng được vua Quang Trung rồi triều đình Nguyễn trọng dụng. Chính họ đã chế tác “Cành vàng lá ngọc” cho vua Minh Mạng. Làng tựa lưng vào dãy cát trắng phía sau, ngăn cơn gió độc của gió Lào thổi về, chặn ngọn sóng dữ biển Đông. Trước mặt làng là cánh đồng chua mặn trải dài ra phá Tam Giang.

Theo phong thủy, làng dựng nhà, lập vườn, dựng từ đường, văn chỉ, miếu mạo, đình chùa. Tất cả đều phải hướng về phía Đông Nam, lấy Trường Sơn làm án. Về thăm ngôi làng khang trang này, ít ai tin rằng trước đây mỗi năm dân làng cấy cày rất cực nhọc một mùa lúa không đủ ăn.

< Nhà thờ tổ nghề kim hoàn tại làng Kế Môn.

“Nhờ sự giúp đỡ của những người con xa quê và sự đóng góp của người dân, nhiều công trình phục vụ đời sống tinh thần được xây dựng, toàn bộ ngôi làng hàng ngày được người dân thay nhau quét dọn sạch sẽ.

Để bảo vệ trùng tu các khu giải trí, thư viện... cũng như chi trả tiền điện, nước người dân ở đây thành lập một quỹ riêng để tạo thuận lợi cho mọi hoạt động của làng”, ông Hoàng Xuân Hòa người dân ở đây tự hào cho biết.

Mọi người ở đây từ già đến trẻ nhỏ ai cũng nêu cao ý thức bảo vệ môi trường chung của làng. Họ chia nhau thường xuyên tự giác quét dọn đường, lau chùi sạch sẽ những nơi vui chơi công cộng...

< Công viên, ghế đá là nơi nghỉ mát lý tưởng cho người dân nơi đây.

Cách ứng xử trong làng luôn được người dân coi trọng, kính trên nhường dưới, anh em hòa thuận, làng xóm gần gũi nhau tạo nên một nét đẹp truyền thống của người dân nơi đây.
Dulichgo
Trong làng không ai dám nói tục hoặc cư xử lỗ mãng. Nếu ai vi phạm sẽ phải mang một mâm trầu cau tới tận nhà người bị xúc phạm để xin lỗi. Ngoài ra, làng còn có quỹ riêng để xây dựng một số khu nghỉ mát dành cho nông dân, thăm hỏi bà con lối xóm và hỗ trợ những gia đình khó khăn...

“Phúc ấm của tổ tiên để lại một truyền thống văn hóa sâu sắc cho con cháu, hiếu thảo, đùm bọc lẫn nhau. Chính đó là yếu tố đã đem lại cuộc sống trù nơi làng quê thanh bình này. Người dân Kế Môn nâng cao đời sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế ổn định, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã, tăng tuổi thọ của người dân...”, ông Phạm Do, Chủ tịch xã Điền Môn cho biết.

Theo Văn Thông (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!