(DVO) - Don là loài đặc sản chỉ có ở Quảng Ngãi. Món don làm cho nhiều người khi nghe đến tên cũng phát thèm. Thế nhưng, ít ai được tận mắt chứng kiến con don sinh sống thế nào.

Mời bạn đọc cùng Ngon Sạch Lạ khám phá quy trình bắt và chế biến don - đặc sản Quảng Ngãi.

Don sống ở môi trường nước lợ, dọc sông Trà Khúc và sông Vệ (tỉnh Quảng Ngãi). Loài don thường sống rải rác khắp nơi, lòng sông, bờ sông... và đông đúc nhất là ở khu vực gần các cửa sông. Điểm tập trung sinh sống ưa thích của don là môi trường đất cát. Hầu hết các tháng trong năm đều có don nhưng nhiều nhất là vào mùa hè.

Don nằm vùi trong lòng đất, thường cách mặt đất khoảng 3cm. Khi đào bắt, người dân sẽ phải dùng tay để bới đất tìm don hoặc dùng nhủi tre (loại làm bằng tre, có lưỡi bằng sắt) để nhủi don. Việc đào thủ công bằng tay được thực hiện trên cạn nên không mấy khó khăn với người dân bản địa, nhưng không hề đơn giản cho du khách bởi việc các đầu ngón tay bới liên tục vào lòng đất làm tay bị tê buốt.
Dulichgo
Don thường sống tập trung và di chuyển rất chậm nên người bắt có thể đào từ từ. Phần lớn con don thường có sắc màu vàng nhạt, óng ánh. Một số ít có màu đen như màu con trai.

Để đào được nhanh, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, du khách phải dùng tay khoét vào lòng đất một vũng nước dài khoảng 5cm, rộng 3cm. Độ sâu thì tùy thuộc vào chỗ đào so với mép của mực nước thủy triều hiện tại. Sau đó dùng hai tay khoét liên tục về khoảng đất phía trước.
Dulichgo
Don đào xong có thể để ngay trên nền đất cát, nhưng khi thu hoạch vào rổ phải cẩn thận, vì một số con sẽ chui vào lớp đất ngay dưới chỗ vừa đặt. Vỏ don rất mỏng, vì vậy khi đào, người khai thác cần chú ý phải thật nhẹ tay, nếu không don sẽ bị vỡ vỏ và chết.

Khi du khách không thế đào bằng tay thì đừng lo vì đã có dụng cụ ngành xây dựng trợ giúp.

Don đào xong được đem về rửa sạch và ngâm nước cẩn thận trong nhiều giờ liền. Để đẩy nhanh quá trình chế biến, người dân địa phương thường cho vào chậu đựng don sống một vài trái ớt cắt nhỏ, hoặc một ít nước vo gạo nhằm làm cho don nhả cặn bẩn trong miệng .
Dulichgo
Sau khi ngâm xong, người chế biến sẽ đun nước sôi, cho don sống vào. Tiếp đến, người nấu sẽ đợi don mở vỏ rồi tiến hành lọc nước cốt. Sau đó, người làm chuẩn bị một chậu nước lạnh, đổ don vào rồi tiến hành quá trình tách vỏ và ruột ra làm hai phần khác nhau.

Nước don lại được bắc lên bếp đun sôi, rồi nêm nếm tùy theo khẩu vị người ăn. Ruột don sau đó được bỏ chung vào tô don. Hành tây, hành lá, bánh tráng, ớt tương, ớt hiểm là những thứ không thể thiếu khi ăn don. Don chỉ ngon khi còn nóng.

Theo Kỳ Phương (Dân Việt)
Du lịch, GO!