Vàm Lũng là bến cuối cùng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, đã bảo vệ an toàn cho chiến sĩ và những con tàu không số trong những năm chống Mỹ. Nay vùng đất này đã nhiều đổi thay, phát triển.

Giữa năm 1966, Tàu 69 chở theo 62 tấn vũ khí cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công. Do địch phong tỏa gắt gao nên Tàu 69 phải nằm lại bến, chờ thời cơ ra Bắc. Đêm 31-12-1967, lợi dụng thời điểm địch đón Tết Dương lịch, tàu nhận lệnh về Bắc, nhưng khi vừa rời bến thì gặp địch. Cuộc chiến không cân sức khiến Tàu 69 phải trở lại bến, mang trên mình hàng trăm vết đạn, một thủy thủ hy sinh và nhiều người khác bị thương.

< Tượng đài Bến Vàm Lũng.

Chiếc tàu gỗ mang mật hiệu Phương Đông 1 chở theo hơn 30 tấn vũ khí, sau 5 ngày đêm vượt biển đã cập bến Vàm Lũng an toàn, mở ra con đường huyền thoại của Đoàn tàu không số.
Dulichgo
Trong số các chuyến tàu chi viện cho chiến trường miền Nam, chỉ tính riêng tại bến Vàm Lũng, trong vòng 10 năm (từ năm 1962-1971) Đoàn 962 (sau này là Trung đoàn 962) đã trực tiếp tiếp nhận hơn 70 chuyến tàu với hơn 4.200 tấn vũ khí các loại.

“Vàm Lũng ngày trước còn hoang sơ, bao quanh có sông ngòi, kênh rạch, giữa là rừng, sau lưng là biển cả. Hay tin bộ đội chọn Vàm Lũng làm nơi tiếp nhận và cất giấu vũ khí, 680 gia đình sống bên bờ sông Tân Ân bỏ nhà, vào các bìa rừng, cặp sông rạch để che chòi sinh sống, một mặt vừa canh chừng người lạ, bọn bán nước len lỏi vào rừng sâu; mặt khác tiện bề tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ cách mạng”

Rạch Gốc có cửa biển sâu, rộng, thuận lợi để phát triển các ngành nghề khai thác, đánh bắt. Phát huy lợi thế ấy, thời gian qua, nhân dân Rạch Gốc-Tân Ân phát triển nhiều ngành nghề mang lại hiệu quả cao, như: Đáy hàng khơi, câu mực, đánh bắt tôm sú bố mẹ và các nghề thu mua, dịch vụ khai thác thủy sản.
Dulichgo
Góp phần cùng sự thay da đổi thịt của Rạch Gốc là những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vùng này giờ đây đã có điện thắp sáng, không còn cảnh đèn dầu. Số nhà cây lá tạm bợ dần được thay thế bằng nhà cơ bản, bán cơ bản; đường giao thông bằng đất đen từng bước được bê tông hóa, nhân dân đi lại dễ dàng. Mọi nhà đều có nước hợp vệ sinh để sử dụng, trẻ em được đến trường…

Từ một xã khó khăn do phải hứng chịu sự tàn phá ác liệt của chiến tranh, Rạch Gốc ngày nay đã trở thành thị trấn, xứng đáng là trung tâm đầu não kinh tế-xã hội của huyện Ngọc Hiển.

Theo Nguyễn Mạnh (Du lịch Cà Mau)
Du lịch, GO!