(DNSG) - Nằm yên bình bên bờ sông Hậu, thật dễ dàng để vào các làng Chăm ở An Giang. Dưới bóng những thánh đường, đằng sau những khung cửa sổ, giữa sặc sỡ những gam màu thổ cẩm, đôi mắt những cô gái Chăm vời vợi. Vùng đất linh thiêng này chứa đựng vô vàn điều lý thú.

Không phải là những cánh đồng mênh mang mùa nước nổi, hay cảm giác chông chênh trên chuyến phà ở đầu nguồn sông Hậu, Châu Giang trong tôi chỉ đơn giản là cảm giác linh thiêng khi ngồi dưới những thánh đường cao vút hình củ tỏi cùng những người đàn ông Chăm mặc váy, có nước da đen, luôn hồn hậu với khách.

Tôi không nhớ mình đã đến các làng Chăm ấy bao nhiêu lần, chỉ biết rằng, cứ mỗi mùa mưa, khi nghe tin nước nổi đang về, mình lại mê mải muốn trở lại Châu Giang, trở lại vùng đất linh thiêng chỉ để loanh quanh tìm kiếm những điều mơ hồ, kiểu như bàn tay thon dài người con gái Chăm chậm rãi kéo chiếc khăn trùm che kín đôi má hồng...

Nhớ cách đây mấy năm, có đận nước về nhiều, dâng cao chừng ba mét, nghe đài với tivi cứ ra rả suốt ngày mùa lũ năm nay bất thường, rằng có thể do biến đổi khí hậu toàn cầu, rằng dòng sông mẹ Mê Kông đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Dulichgo
Lúc ấy, ngồi cùng tôi bên bến phà Châu Giang bờ phải sông Hậu, trong căn nhà sàn gỗ bóng màu thời gian, ông Cả (người lớn tuổi, uy tín nhất ở làng Chăm) cười hề hề, bảo, chỉ có những ai chưa từng đến Châu Giang, chưa đặt chân tới đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu mới gọi nước nổi là nước lũ.

Cùng là nước mưa phía thượng nguồn đổ về hạ lưu sông nước ở các dòng sông khác có thể là những cơn lũ cuốn trôi tất cả, từ tài sản đến sinh mạng con người nếu bất cẩn, nhưng nước đổ về vùng đồng bằng Nam bộ lại hiền hòa, mang lại nguồn sống cho cư dân, như một đặc ân riêng biệt mà thiên nhiên dành cho vùng đất thấp này.

Vì thế, người dân mong chờ mùa nước nổi - một trong những mùa mưu sinh chính của người nghèo nơi đây với rất nhiều sản vật đặc trưng. Ngày nay, cuộc sống không còn phụ thuộc vào tự nhiên một cách thuần túy như xưa, nhưng đối với người Chăm nói riêng và cư dân châu thổ nói chung, mùa nước nổi vẫn là mùa được mong chờ, dù có thể ruộng vườn, nhà cửa đều chìm trong mênh mông nước là nước.

Theo dân Châu Giang, xóm người Chăm ở đây hiện có 10 nhà sàn bằng gỗ có tuổi vài trăm năm, có căn cách đây khoảng ba trăm năm, khi những người Chăm đầu tiên định cư ở vùng đất sơ khai này từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm 1699.

Ở những nơi cao ráo, nhiều căn nhà bằng gỗ quý không hư hỏng vài trăm năm là bình thường, nhưng ở vùng đất mà mỗi năm có tới 4 - 5 tháng chìm trong nước như Châu Giang thì việc chúng tồn tại lại là điều đặc biệt.
Dulichgo
Theo ông Cả, do nguyên liệu làm nhà là gỗ tràm cừ cổ thụ - loài cây mọc trong nước, chịu nước bao lâu cũng không mục - nên tuổi thọ nhà sàn của người Chăm mới cao như vậy. Bây giờ thì những cây tràm cả người ôm không còn nên làm nhà vài ba năm là phải thay cột kèo.

Có điều trái ngược là hầu hết nhà gỗ tràm của người Chăm đều cấu trúc đơn giản, ít họa tiết trang trí thì những thánh đường Hồi giáo (Masjid) - những kiến trúc công cộng độc đáo của người Chăm lại hoàn toàn ngược lại, vừa hoành tráng, vừa tỉ mỉ trong từng chi tiết trang trí.

An Giang có 9 xóm Chăm với hơn 2.000 gia đinh, trên 13 ngàn người sống tập trung thành những ấp hay liên ấp và có đến 26 thánh đường và tiểu thánh đường Hồi giáo cổ kính, đẹp lộng lẫy, nóc bằng vòm cao và cửa luôn quay về hướng Đông. Nổi tiếng nhất là thánh đường Mubarak ở xã Phú Hiệp, Phú Tân, được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Trong lịch sử mấy trăm năm, người Chăm luôn gìn giữ được những nét văn hóa độc đáo, trong đó có phong tục thủy táng, tức là mai táng người đã khuất ở dưới nước. Bây giờ, phong tục này tất nhiên không còn nữa, kể cả những người theo đạo Hồi ở dòng sông Hằng bên Ấn Độ linh thiêng.

Tuy nhiên, theo những người cao tuổi ở làng Chăm, tục thủy táng từng tồn tại hàng trăm năm trước ở vùng thượng nguồn này, đặc biệt là mỗi khi mùa nước nổi tràn về. Khi ấy, do cả vùng đất này ngập chìm trong mênh mang nước là nước. Vùng rốn nước có khi cách bờ cả chục cây số, ai qua đời trong những thời điểm ấy có thể được an táng bằng cách chôn trong nước, chìm vào dòng chảy mát lành của phù sa.
Dulichgo
Ngày nay, hầu hết những người theo đạo Hồi chỉ coi thủy táng là nghi lễ chứ không còn trong thực tế, vì ô nhiễm môi trường hay nhiều lý do khác.

Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả những gì lạ lùng tôi thấy ở các cộng đồng làng Chăm. Anh Mohamed từng có thời gian theo bạn lên Sài Gòn làm công nhân cho một chành (vựa) hành tỏi chuyến Châu Đốc - Sài Gòn ở Chợ Lớn mấy năm kể, dù xa nhà nhưng vẫn luôn nhớ những giới luật mình đã được dạy từ bé.

Nghĩa là mỗi ngày anh cũng hành lễ đến 5 lần. Vì không có thánh đường nên anh dùng mảnh vải thổ cẩm nhiều màu làm bàn lễ. Cứ hướng theo hướng Mặt trời trải thảm, rồi hành lễ. Ban đầu, chủ chành và các công nhân khác lấy làm lạ nhưng dần dà mọi người đều quen. "Người Chăm chúng tôi là vậy, dù ở đâu, làm gì thì cội nguồn vẫn là điều linh thiêng nhất", anh nhấn mạnh.

Ở một vùng đất có nhiều tín ngưỡng, nhiều dân tộc như vùng Châu Giang này nhưng thật lạ, văn hóa người Chăm ít bị mai một nhất. Nghĩa là sau mấy trăm năm, cộng đồng người Chăm - một cộng đồng vừa khép kín, vừa cởi mở với những quy định khắt khe của giới luật - luôn giữ được gần như nguyên vẹn những gì cha ông để lại, bất kể cuộc sống gia đình họ có thể giàu lên hay nghèo đi, có thể ở đây hay đã tìm tới một vùng đất khác...

Theo Đoàn Đại Trí (Doanh Nhân Sàigòn)
Du lịch, GO!

Làng Chăm ở búng Bình Thiên
Trở lại Châu Giang
Về Châu Giang thăm thánh đường Mubarak