(VHĐS) - Vùng biển Thanh Hóa gồm có ba hòn đảo lớn đó là đảo Hòn Nẹ nằm ở phía Bắc thuộc xã Hải Tiến huyện Hoằng Hóa, về phía Nam là đảo Mê nằm tại xã Hải Bình và hòn đảo Biện Sơn thuộc xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia.

<Ngắm Hòn Nẹ bằng dù lượn xuất phát từ biển Hải Tiến.

Và đảo Hòn Nẹ được đánh giá là hòn đảo đẹp nhất tại Thanh Hóa, hòn đảo nằm ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, Biển Đông cách bờ biển Hoằng Hóa khoảng 5 km về phía Đông Bắc.

Về Hòn Nẹ hôm nay, chúng ta lại nhớ đến bài thơ Mẹ Tơm của nhà thơ Tố Hữu với những câu:
“Hòn Nẹ ta ơi, mảng về chưa đó,
Có nhiều không con nục, con thu?
……
Bãi cát vàng thau in bóng mẹ Chiều về,
Hòn Nẹ… biển reo quanh…”.

Đảo Nẹ cách bờ biển xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc 6 km về phía Đông, đây là một cù lao đồi dài gần 900m, bề ngang nơi rộng nhất 400m, hướng Tây Nam - Đông Bắc, cao nhất về góc Tây Nam (có đỉnh 70,8m), thấp dần về bờ đảo Đông Bắc. Trung tâm đảo là điểm gặp nhau của kinh tuyến 106000’12’’ Đông và vĩ tuyến 19054’50’’ Bắc. Đảo Nẹ vừa là vị trí quân sự tiền tiêu mặt Đông của huyện Hậu Lộc, vừa là cột mốc chỉ đường cho tàu thuyền đánh cá ngoài khơi xa tìm về đúng bến, vừa là nơi trú ẩn an toàn cho thuyền bè khi có sóng to gió lớn.
Dulichgo
Đảo Nẹ cùng với các đảo nhỏ (hòn Bò, hòn Sụp) và núi Linh Trường (huyện Hoằng Hóa) tạo thành một cánh cung án ngữ sóng gió mặt Nam và mặt Đông. Nhờ địa thế này, từ những ngày đầu lịch sử, con người đã tụ tập khá đông đúc tại nơi đây sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh cá. Khoảng thế kỷ  I, II trước Công nguyên, thành lũy huyện Dư Phát thuộc quận Cửu Chân đã xây dựng ở đây.

Thời Lý - Trần, Duy Tinh là nơi trấn trị thủ phủ Ái Châu. Vào những thế kỷ trước và sau Công nguyên vùng biển này đã từng là thương cảng quan trọng trên đường hàng hải từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Trong không gian địa – văn hóa, địa – chính trị, văn hóa Lạch Trường đã ra đời ở đây, nơi giao thoa, hội nhập đầy đủ sống động đã được các học giả người Pháp như: Bêgiaxiê đặc biệt chú trọng. Dưới các triều đại phong kiến độc lập, lần nào hành quân vào phương Nam trừng trị bọn phong kiến láng giềng đe dọa bờ cõi nước ta, thủy quân Đại Việt đều lấy cửa biển Lạch Trường làm vị trí xuất quân. Trong chống Pháp và chống Mỹ vùng biển này cũng là một trong những đầu mối giao thông lớn vào Nam ra Bắc và là điểm tựa chiến đấu của tàu hải quân ta chống lại những cuộc tấn công của kẻ  thù.

Ngoài vị trí chiến lược, vùng đảo Nẹ còn là danh thắng hữu tình. Theo “Đại Nam nhất thống chí” vào năm Hồng Đức thứ 7 vua Lê Thánh Tông có lần qua đây đã cảm tác bài thơ vịnh cảnh “Linh sơn hải khẩu”  vịnh về non nước, nơi đây và bài tựa nói: “Bên cạnh nước biển, núi xanh cao chót vót, hình núi dị kỳ đứng sững cửa biển, chân núi có động sâu thẳm không cùng ….”
Dulichgo
Nhân dân vùng Quang Lộc lưu truyền hai huyền thoại về “Gia đình nhà Núi” với khá nhiều chi tiết độc đáo, hấp dẫn, theo đó hòn Nẹ được coi là con của núi Sỏi và núi Chúa và là mẹ của núi Bần..

Để trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, người dân đi biển phải dựa vào lực lượng siêu nhiên nào đó để nhân lên sức mạnh tinh thần, chính điều đó đã hình thành và mang đến cho người dân nơi đây tín ngưỡng và tục thờ thủy thần để cầu ngư, cầu sóng yên biển lặng, không bão tố lụt lội, mong thần linh che chở, bảo hộ trên sông biển mỗi khi ra khơi vào lộng, giúp những thương thuyền buôn bán ngược xuôi và cả những người trồng lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Tục thờ cá voi (ông Nam Hải) gắn với một hiện tượng có thật về cá voi hay cứu người, cứu thuyền lúc bão tố ngoài khơi và lễ hội cầu ngư được tổ chức ở đây với những nghi thức trang trọng, thành kính. Cùng với các làng trong đất liền, tại Đảo Nẹ người ta cũng cho xây dựng một ngôi đền thờ thủy thần.

Cứ ba năm lễ hội lớn ở làng Diêm Phố được tổ chức định kỳ vào mùa xuân, trong ba ngày, từ 22 đến ngày 24 tháng 2 âm lịch. Tín ngưỡng này gắn liền với lễ hội Cầu Ngư (xưa còn gọi là Cầu Mát) thờ các vị thần biển và đám rước Hội đồng thần linh của làng, đó là một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân không chỉ ở Hậu Lộc mà còn có sức thu hút cả những ngư dân miền biển tỉnh Thanh về dự.

Lễ hội kéo dài trong ba ngày liền. Ngày đầu tiên (ngày 22) tùy theo con nước lớn ròng để thuyền cập vào đảo, dân làng tổ chức rước kiệu từ đền thờ cá  Ông lên thuyền ra đảo Nẹ. Sau khi đám rước từ đảo Nẹ về thì yên vị tại khu thờ tự của làng để sáng hôm sau (ngày 23) rước về đàn tế. Xưa, trong lễ hội còn tổ chức hát bội (hát tuồng) tại đền thờ cá Ông.

Sáng ngày 24, dân làng rước cỗ từ nhà trọ tới đàn tế. Tại đàn tế, dân làng tề tựu đông đủ để tế lễ Đức Ông Nam Hải và các vị thủy thần, sau đó rước Long Châu đến cửa biển chỗ giao nhau của thủy triều nơi nước sông gặp nước biển để tiễn Long Châu về với biển khơi.
Dulichgo
Với những nghi lễ như vậy dân làng tin rằng cá Voi và các vị thần linh sẽ phù hộ độ trì cho thuyền bè của họ được "xuôi chèo mát mái", cuộc sống no đủ, bình yên, hạnh phúc. Trong lễ hội cầu ngư dân làng thường tổ chức bơi thuyền làm đẹp lòng các vị thần biển và cá Voi vừa để rèn luyện sức khỏe dẻo dai, sự lanh lợi của ngư dân làm nghề chài lưới trên sông biển.

Ở vào khu vực có nhiều cửa lạch châu tuần. Vùng biển nơi đây thuộc diện  nông, yếu tố nhiệt độ trong nước ít diễn biến phức tạp, là nơi tụ họp của nhiều loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá thu, cá nụ, cá nhám, cá rưa..., tôm hùm, tôm he, mực ống, mực ván, ốc hương... nơi đây thực sự tiềm tàng nhiều khả năng phát triển kinh tế phồn thịnh.

Nhà thơ Tố Hữu có những câu thơ hay về vùng biển đảo này: “Hòn Nẹ ta ơi, mảng về chưa đó/Có nhiều không con nục, con thu/Chào những buồm nâu, thuyền câu Diêm Phố/Nhớ nhau chăng hỡi Hanh Cát, Hanh Cù”.
Dulichgo
Thiên nhiên và lịch sử đã đem lại cho nơi đây một vùng thắng cảnh  sơn thủy hữu tình, có biển cả giàu đẹp, gắn với một vùng quê đầy ắp những huyền thoại và cổ tích, với những ngày hội làng náo nức của những người dân, hiền hòa, nhân hậu và mến khách. Du khách đến nơi  đây sẽ được thưởng thức nhiều món ăn dân dã đậm đà hương vị của xứ Thanh, với các loại đặc sản: Cá trích ăn với bánh đa/Vợ ăn, chồng bảo về nhà đỡ cơm/Chợ Hôm rất lắm ốc hương/Ăn dăm ba chục vấn vương nơi này.

Với vị trí địa lý tự nhiên hiếm có, trong điều kiện phát triển của một nền kinh tế mở, khu vực biển đảo này còn tiềm ẩn một tiềm năng dồi dào về du lịch nghỉ dưỡng, về du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên. Một ngành công nghiệp có giá trị cao và phát triển bền vững.

Được sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, với ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, quân dân Đảo Nẹ đang đóng những con tàu vỏ sắt và trang bị mạng lưới thông tin cao để vượt sóng ra khơi bám biển dài ngày. Đánh bắt thủy sản nâng cao phát triển đời sống kinh tế và cùng với đảo Nẹ  bảo vệ biển trời, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Theo Đồng Văn Luân (Văn Hóa & Đời Sống)
Du lịch, GO!

Một chuyến ra đảo Hòn Nẹ