(BQN) - Mấy ngày đầu hè, bỏ lại cái nắng trải dài trên các con phố, chúng tôi háo hức về thăm vườn quốc gia Cúc Phương. Nếu đi bằng ô tô, xuôi theo quốc lộ 1A đến Gián Khẩu (huyện Gia Viễn, Ninh Bình), tiếp tục đi theo quốc lộ 12 chừng 35km là đến cửa rừng. Nhưng thú vui du ngoạn bằng xe máy đã mang tới cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị hơn nhiều...

Từ Gián Khẩu, chúng tôi theo đường về Nho Quan - Cúc Phương. Con đường giờ đây đã được lát bê tông, rộng rãi và thoáng đãng. Nhưng hai bên đường nhà cửa vẫn thưa thớt với những cánh đồng mênh mông, xa xa là dãy núi đá sừng sững tạo cho không gian ở đây thật thơ mộng và yên bình. Từ Nho Quan đi khoảng 15km là đến cửa rừng, song muốn tới được các điểm tham quan, khách du lịch cần đi thêm 20km nữa.

Con đường nhỏ quanh co trong rừng rợp bóng mát tạo cảm giác mát mẻ, dễ chịu, trong lành đón chào chúng tôi đầy mê hoặc. Bất chợt, những đàn bướm đầy màu sắc xuất hiện tạo nên những đốm sáng lấp lánh giữa màu xanh của rừng.
Dulichgo
Ý tưởng chụp hình đám bướm vây quanh mình lập tức được chúng tôi thực hiện. Sau khi đã tạo dáng, đứng yên một lúc, đàn bướm vây quanh, lúc đó bạn sẽ có được những bức hình đẹp đầy ấn tượng. Chỉ khi những chiếc ô tô lao vụt qua, xào xạc tiếng lá rơi khuấy động không gian yên tĩnh của rừng già, đàn bướm mới tản ra rồi lại tụ về bay lượn tự do...

Rừng quốc gia Cúc Phương có diện tích 22.200ha, bao gồm 11.350ha thuộc địa giới tỉnh Ninh Bình, 5.850ha thuộc địa giới tỉnh Thanh Hoá và 5.000ha thuộc địa giới tỉnh Hoà Bình. 3/4 diện tích vườn là núi đá vôi bao quanh vườn quốc gia có chiều dài khoảng 25km và rộng đến 10km, ở giữa có một thung lũng chạy dọc gần hết chiều dài của dãy núi, với hệ động vật phong phú, đa dạng, với nhiều loại chim, thú quý hiếm như: Hổ, báo, lợn lòi, các loài khỉ châu Á...

Đặc biệt là các loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như voọc quần đùi trắng, cầy vằn bắc, báo hoa mai...

Thảm thực vật Cúc Phương hình thành nhiều tầng tán, các loại cây gỗ lớn như chò, đăng tới dây leo thân gỗ, phong lan...

Đây là nơi lưu trú lý tưởng của hàng trăm loại chim về làm tổ và sinh sống. Không chỉ là khu bảo tàng sinh thái phong phú, rừng quốc gia Cúc Phương còn là điểm du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền... trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực này từ 7.000 đến 12.000 năm trước như: Động Người xưa, hang Con moong, động Phò mã...
Dulichgo
Từ khu nhà sàn, chúng tôi bắt đầu leo bộ khám phá cây chò ngàn năm và cây sấu cổ thụ nằm sâu trong rừng rậm. Do nằm ở hai vị trí khác nhau nên phải mất chừng 2-3 tiếng đồng hồ leo bộ mới tới được cả hai nơi. Nếu như lần đầu tiên đến Cúc Phương, các bạn sẽ không khỏi sững sờ trước dáng vẻ to lớn, cổ kính của cây chò ngàn năm tuổi ở đây. Dễ phải đến vòng tay lớn của chục người mới có thể ôm hết thân cây cổ thụ sừng sững vươn cao mạnh mẽ lên trời xanh.

Sau mấy tiếng leo bộ, bạn có thể tạm nghỉ trưa tại những ngôi nhà sàn mát mẻ và hít thở không khí trong lành ngay trong khu rừng già. Trạm dừng chân luôn được đặt khéo léo giữa chặng đường lên rừng với những biển báo ngộ nghĩnh nhưng ý nghĩa như: “Hãy thử chích vào chính mình”; “Bạn đừng để lại gì, ngoài những dấu chân”; những bức vẽ sinh động kêu gọi không săn bắn động vật hoang dã với phép toán ngộ nghĩnh: “2-1=0” cho đến cả những biển báo nghiêm túc gửi thông điệp bảo vệ rừng, giữ gìn môi trường cảnh quan. Có lẽ không ở đâu ý thức bảo vệ môi trường được coi trọng như ở Cúc Phương. Dọc đường đi bộ trong rừng là những hố rác hình thân cây hài hoà với cảnh quan được Ban quản lý rừng bố trí hợp lý.

Một điểm dừng chân nữa mà bạn nên đến khi đặt chân vào Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi cây đăng cổ thụ cao 45m án ngữ với bộ rễ nổi trên mặt đất dài tầm 20m. Đi qua động Người xưa khoảng 2km du khách sẽ thấy đường lên cây đăng.

Phía ngoài bìa rừng, bạn có thể lựa chọn những tuyến điểm khám phá khác như vườn thực vật, trung tâm cứu hộ thú linh trưởng... và lựa chọn một món đồ lưu niệm xinh xinh làm quà cho chuyến đi về rừng xanh.

Du khách đến thăm và khám phá rừng già Cúc Phương như quên mất thời gian. Một ngày trôi qua với chúng tôi thật nhanh. Một ngày trải nghiệm ở rừng, chúng tôi nghỉ chân tại một khu nhà sàn rồi “đi chợ” cho bữa tối. Nhà nghỉ ở Cúc Phương nhỏ nhắn không phải kiểu nhà cao tầng với các thiết bị công nghệ hiện đại mà không gian rất gần gũi với môi trường và đặc biệt sạch sẽ.

Đến vườn quốc gia, bạn nhất định phải thưởng thức món dê núi đặc sản của Ninh Bình và món ốc núi chỉ có ở Cúc Phương. Món này ăn phải chấm với mẻ chưng, ăn mới đúng kiểu và mới thấy hết được sự đậm đà, khác lạ của món ăn.

Màn đêm buông xuống nhanh chóng giữa rừng núi hoang sơ này. Vẻ tĩnh mịch thi thoảng lại văng vẳng bên tai tiếng chim chóc, tiếng dế kêu và đôi lúc lại nghe tiếng động bước chân ăn đêm của thú rừng. Cảm giác thật khác lạ so với bộn bề cuộc sống ngoài kia.
Dulichgo
Trong màn đêm, “tiệc rừng” sẽ mang đến cho bạn những kỷ niệm khó quên với màn trình diễn của những chú đom đóm lập loè, ẩn hiện, vừa thú vị lại pha chút “rờn rợn” khi bạn đang trong rừng sâu. Đi Cúc Phương một lần, rồi bạn sẽ thấy sự tuyệt diệu của tạo hoá, thiên nhiên nơi núi rừng xanh thẳm này...

Theo Minh Hà (Báo Quảng Ninh)
Du lịch, GO!