Quảng Ngãi từ xưa đã nổi tiếng là miền đất có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp quyến rũ, mê say lòng người như: Thiên Ấn niêm hà, Thiên Bút phê vân ... và đặc biệt là thắng cảnh thiên nhiên La Hà thạch trận, đây là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp núi liền ruộng, làng quê, tạo nên một bức tranh “họa đồ” sinh động, trước hết là cái đẹp của một quần thể đá Granit màu trắng xanh với những khối đá khổng lồ xen lẫn những khối đá nhỏ lúp xúp trải dài sang Núi Hùm, Núi Đá Chẻ, Núi Voi.

Di tích thắng cảnh La Hà thạch trận nằm về phía Đông thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 5 km về hướng Nam gồm 4 điểm di tích...

- Núi Cao Cổ (La Hà thạch trận) nằm cạnh Cụm công nghiệp La Hà, thuộc tổ dân phố 4, thị trấn La Hà.
- Núi Đá Chẻ là phần tiếp nối của La Hà thạch trận, nằm sau lưng Trường Đại học Tài Chính, thuộc tổ dân phố 3, thị trấn La Hà.
- Núi Đá Voi là một quần thể đá của La Hà thạch trận, nằm ở phía Đông đường quốc lộ IA, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn La Hà.
- Núi Hùm là quần thể đá của La Hà thạch trận, phía Đông giáp quốc lộ IA, phía Tây giáp Trường THCS thị trấn La Hà, phía Nam giáp Trường THPT số 1 Tư Nghĩa, phía Bắc giáp đường liên xã La Hà - Nghĩa Thuận.

< Di tích Đá Voi.

Ba điểm di tích: Núi Cao Cổ, Núi Đá Chẻ, Núi Voi cách nhau khoảng trên 300m, chạy từ trung tâm thị trấn La Hà đến cầu Bàu Giang. Riêng Núi Hùm nằm ngay trung tâm thị trấn La Hà sát quốc lộ 1A.
Dulichgo
Núi chính của La Hà thạch trận là núi Cao Cổ, đây là một hòn núi nhỏ, chiều cao khoảng 40m, rộng khoảng 4 ha. Nếu đứng trên đỉnh núi nhìn xuống phía Nam với con mắt tưởng tượng, du khách sẽ thấy đá trải dài khoảng 100m lúp xúp trông như một đoàn quân ra trận nên được nhân dân ta từ khi xây dựng làm ấp đến nay gọi là “Trận đá La Hà” hay La Hà thạch trận (thạch là đá, trận là đánh giặc).

Trên đỉnh núi có 04 khối đá to trông giống như hình người khổng lồ nhưng cỏ thì lại rất cao nên người ta gọi là hòn đá Cao Cổ và đặt tên luôn cho hòn núi này. Cách hòn đá Cao Cổ khoảng 15m về phía Nam có hòn đá cao 3m mặt bằng phẳng, trông giống như một cái bàn chỉ huy đánh trận. Xưa kia núi chính là của La Hà thạch trận không có cây cối um tùm như bây giờ, nên đứng từ trên đỉnh núi nhìn xuống phía nam thấy rõ đá trải dài như những người lính ra trận. Ngày nay toàn bộ núi đã được phủ xanh bằng những thảm thực vật và bạch đàn ngút ngàn, nên không thể thấy được cảnh đẹp vốn có của nó. Trận đá La Hà trải dài qua bao phong trần nắng mưa, nhưng du khách đến tham quan vẫn có thể thấy được cảnh đẹp mà trước kia bao nhiêu thi sĩ không hết lời ca ngợi.

< Núi Đá Chẻ.

Cảnh đẹp La Hà thạch trận còn được bổ sung bởi núi Đá Chẻ với những tảng đá Granit màu trắng xanh cao vút, đứng chông chênh trên ngọn núi thấp,  rộng chừng 6 ha, núi chủ yếu tập trung về phía Đông, những khối đá cao vút tách đôi tạo một khe hở không lớn, nếu chúng ta gõ vào những tảng đá bị tách đôi chúng sẽ tạo nên một âm thanh ngân nga kỳ diệu, làm rung động lòng người. Núi Đá Chẻ không có đá trải dài lúp xúp như những đoàn quân ra trận, đá ở đây chỉ là những khối đá khổng lồ bị tách đôi, làm chúng ta liên tưởng như có một ông khổng lồ nào đó đã dùng một chiếc rìu phi thường chẻ những tảng đá ra, để đến bây giờ đá mòn nhưng cảnh đẹp vẫn còn đây, tạo cho vùng quê thanh bình một vẻ đẹp hài hòa giữa núi đá và đồng ruộng xanh tốt.
Dulichgo
Tiếp theo là đến núi Đá Voi, cao khoảng 50m, đây là một hòn núi chủ yếu là đá và những thảm thực vật dày xen lẫn gai góc bên cạnh là những khối đá to, cao trông giống như một bầy thú sinh động. Về phía Bắc một khối đá cao chừng 6m trông như một con voi ra trận hùng dũng, hiên ngang, lưng quay về phía đồng ruộng, đầu hướng về phía Nam như cùng tham gia trận đá La Hà. Trên đỉnh núi còn có một khối đá to nằm trên một khối đá khác, người ta gọi là Hòn Chồng, Hòn Chồng giống như bao Hòn Chồng ở các nơi khác nhưng ở đây Hòn Chồng không cao to bằng Hòn Chồng ở Nha Trang hoặc Sầm Sơn, song có một điều kỳ lạ là cảnh đẹp tạo cho con người thưởng thức thấy bầy thú ở đây chưa đầy đủ, có một con lạc bầy dầm mình xuống đồng ruộng nghỉ ngơi sau những ngày ra trận mệt nhọc, vất vả.

< Núi Hùm, 1 trong 4 ngọn núi của La Hà thạch trận.

Về phía Nam còn có một khối đá mỏng trông giống như mặt con cọp, khối đá cũng quay ra đồng ruộng như muốn thoát khỏi bầy voi đang gầm ghè vì đã có một con khác chủng loại. Đến với thắng cảnh này du khách như lạc vào một giấc mơ kỳ diệu là được chứng kiến những khối đá khổng lồ trông giống như bầy thú sinh động bị hóa đá hàng nghìn năm trước, dẫn du khách như quay về một thuở hoang sơ nào đó của trái đất.

Bên cạnh cảnh đẹp của La Hà thạch trận, Núi Hùm cũng là một trong những phần trải dài của quần thể đá, bổ sung cho La Hà thạch trận thêm đẹp và sống động. Núi Hùm nằm ở trung tâm thị trấn ở độ cao 30 mét có duy nhất một khối đá đồ sộ,  cao chừng 6 mét người ta gọi là Ông Hùm, mặt quay về phía Bắc. Cảnh trí ở đây tuyệt đẹp đứng trên núi nhìn xuống thấy toàn bộ khung cảnh của thị trấn, bên cạnh đó là những cánh đồng ruộng xanh tốt và những bãi mía đang trổ đòng đang chờ ngày thu hoạch.

Du khách khi đi qua những vùng đất này không những được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của núi Hùm mà còn nhìn thấy được toàn cảnh đẹp của La Hà thạch trận; chỉ có điều tiếc rằng hiện nay nhà cửa cao tầng  mọc lên, che lấp không gian,  không thấy từ núi Cao Cổ sang đến núi Voi và núi Hùm; cảnh đẹp còn đó nhưng theo năm tháng đá mòn, cây cối mọc lên um tùm che lấp mất cảnh đẹp, bên cạnh đó là sự tàn phá của con người đã làm mất đi vẻ mỹ quan vốn có của cảnh đẹp này.
Dulichgo
Khách đến tham quan thắng cảnh La Hà thạch trận, trước hết là tham quan cảnh đẹp của quần thể đá, những hòn đá chẻ cao vút, những con voi trận hùng dũng và những ông Hùm (Hổ) dữ tợn như đứng canh mãi ngày, đêm, năm, tháng không cho một kẻ thù hoặc con người tàn phá đi cảnh đẹp đó; sau là nghỉ ngơi, dạo chơi sau những ngày lao động mệt nhọc.

Tương lai một ngày không xa, nơi đây sẽ trở thành nơi du lịch cho khách tham quan bốn phương đến tận hưởng vẻ đẹp vốn có của nó mà từ trước đến nay chỉ nghe mà chưa được tận mắt nhìn thấy.

Phạm Viết Trí (CTTĐT huyện Tư Nghĩa)
Du lịch, GO!