Làng Trịnh Xá, xã Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên) vốn nổi tiếng với nghề làm bún. Những mẻ bún nóng hổi, dẻo thơm hằng ngày được chuyển đến tay khách hàng, mang theo ước mong về cuộc sống no ấm của người dân làng nghề.

Những sợi bún tạo thương hiệu

Từ sáng sớm, người làng bún Trịnh Xá tất bật chuyển từng rổ bún giao các quán ăn, điểm bán lẻ ở các chợ lớn, nhỏ trong huyện và thành phố. Cả làng có tới một nửa số hộ duy trì nghề làm bún, trong đó phải kể đến những nhà làm bún nổi tiếng như cô Lã, ông Miền,…
Để hoàn thành mẻ bún dẻo thơm, kịp giao cho khách, người dân trong làng mất 3-5 ngày chuẩn bị. Kể về quá trình làm bún, cô Phạm Thị Lã, chủ một cơ sở làm bún chỉ ra từng công đoạn, từ chọn gạo, vo sạch, để ráo nước, ủ gạo, lặp lại quá trình vo gạo, rồi mới xay bột, đánh bột và cuối cùng là công đoạn ép tạo sợi.

Theo cô Lã, muốn để sợi bún trắng, thơm ngon đúng với thương hiệu gia truyền thì khâu chọn gạo là quan trọng nhất, quyết định 90% chất lượng bún. Gạo làm bún là gạo vê, hạt gạo trắng, đều, khô. Công đoạn ngâm, ủ gạo phải cẩn trọng, tỉ mỉ. Ủ gạo đủ 24 giờ. Trung bình, 1 kg gạo làm ra 2 kg bún. Tùy mục đích sử dụng mà người thợ điều chỉnh khâu vớt, rửa. Không đơn giản như bún rối, bún lá nhỏ dùng cho các món cuốn, bún đậu mắm tôm, nên yêu cầu người thợ phải khéo léo chụm bún nhỏ vừa miếng, bún lá to cuộn tròn để ăn cùng riêu cua. Trước khi giao cho khách, để bớt nóng, bún được đặt gọn gàng trên những kệ, người làm bún dùng tay khéo léo đảo lá bún để sợi bún không bị dính vào nhau, tơi và nhanh khô hơn.
Dulichgo
Khoảng 4-5 giờ chiều, sân nhà cô Lã tấp nập khách đến lấy bún. Từng mẻ bún được chất lên xe, đến với từng bữa ăn gia đình. Cô Lã theo nghề hơn 20 năm, gia đình cô 3 đời làm bún, là một trong những cơ sở làm bún ngon và làm với số lượng nhiều nhất làng Trịnh Xá. Hiện, cơ sở của cô chỉ sản xuất bún vào buổi chiều, mỗi ngày xuất ra thị trường 6-8 tạ bún. Chưa kể những ngày lễ, Tết, lượng bún được khách đặt hàng nhiều nên cơ sở có khi làm 1-1,2 tấn bún/ngày. Khác với xưởng làm bún của cô Lã, gia đình ông Đồng Văn Miền và nhiều nhà làm bún trong xã dậy từ 1-2 giờ sáng để làm mẻ bún đầu tiên. Ông Miền cho biết: “Muộn nhất là 5 giờ sáng, phải làm xong bún để giao các mối hàng trong xã, huyện và khu vực nội thành. Như thế, bún khi chuyển đến tay khách hàng vẫn còn nóng hổi. Để đỡ vất vả, bảo đảm chất lượng bún, tôi đầu tư gần 100 triệu đồng mua máy xay, nhào bột, ép bún”.

Tảo tần nghề làm bún
Dulichgo
Nghề làm bún đòi hỏi sự cẩn thận ngay từ những khâu đầu. Mỗi mẻ bún ra lò nhất thiết phải đạt được độ trắng, dẻo, chín đúng lúc mà chỉ những người gắn bó với công việc này mới có thể hiểu rõ. Thoạt nhìn những sợi bún được ép từ máy ra, người làm chỉ cần tạo thành con bún. Công việc tưởng chừng nhẹ nhàng, nhưng bắt tay vào làm mới thấu hiểu được sự vất vả.

Người làm bún thường xuyên phải tiếp xúc với máy xay, nước nóng, khói bụi từ than, ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian nghỉ ngơi ngắn, những giấc ngủ của người thợ không trọn vẹn do nửa đêm phải dậy ép bún, vớt bún đến sáng. Đầu giờ chiều, người làm nghề phải vo gạo, để ráo nước, cho vào ủ, lại lấy gạo ủ ra vo, xay,… cho công đoạn tiếp theo.

Giữa năm 2013 vừa qua, thông tin bún chứa chất tẩy trắng tinopal gây ung thư khiến người làm nghề ở làng Trịnh Xá gặp khó khăn lớn. Thông tin lan truyền nhanh chóng, kéo theo sức mua giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến các hộ sản xuất. Ông Miền cho biết: “Mỗi ngày, gia đình tôi làm khoảng 5-6 tạ bún, nhưng khi có thông tin bún chứa chất độc hại, lượng hàng sụt xuống 3-4 tạ”. Nhưng với thương hiệu được tạo dựng từ lâu, chất lượng sản phẩm bảo đảm, cùng với tâm huyết người làm nghề, bún Trịnh Xá vẫn giữ được lòng tin với khách hàng.

Đến làng Trịnh Xá hôm nay, diện mạo làng quê đang thay đổi từng ngày nhờ nghề làm bún truyền thống. Nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên, đời sống người dân nâng lên. Cũng nhờ làm bún, nhiều người dân trong xã có việc làm và thu nhập ổn định. Như cơ sở làm bún của cô Lã, ngày thường cô phải thuê 2-3 người, còn ngày tết thuê 5 người mới làm hết việc. Làm 3-4 giờ, cô trả lương cho người làm 100.000 đồng/ngày. Đến Thủy Nguyên, nhiều người ấn tượng với món cuốn, một món ăn được làm từ nhiều loại thực phẩm, nhưng không thể thiếu món bún do chính người dân Trịnh Xá làm ra.
Dulichgo
Nghề làm bún không có ngày nghỉ, thậm chí cả mồng 1 Tết. Những ngày này, nhiều nhà chuẩn bị nhập gạo để chuẩn bị làm bún phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán. “Tiếng lành đồn xa”, nhờ đó mà bún Trịnh Xá vẫn giữ được chỗ đứng trên thị trường. Tuy vậy, do công việc vất vả nên nhiều gia đình không còn tiếp tục làm nghề. Dù có nhiều thiết bị hỗ trợ, nhưng lá bún làm bằng tay vẫn được người dùng khen ngợi. Hy vọng những gia đình như cô Lã, ông Miền… tiếp nối và lưu giữ nghề truyền thống, để bún phố Trịnh còn mãi thương hiệu.

Theo Dung Huế – Báo Hải Phòng
Du lịch, GO!