(BGO) - Trong hơn ba mươi năm làm báo, tôi đã được đi qua hầu hết các con đèo trên những cung đường đất nước. Quả thật, tôi chưa thấy có đèo nào đẹp và hùng vĩ như đèo Mã Pì Lèng nằm trên “Con đường Hạnh phúc” xuyên Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc tỉnh Hà Giang.

“Con đường Hạnh phúc” (QL4C ) dài gần 200 km khởi đầu từ ngoại ô phía Tây Bắc TP Hà Giang, đi qua" cổng trời" Quản Bạ đến huyện lỵ Yên Minh, qua thị trấn Đồng Văn, về Mèo Vạc, dẫn du khách đến với những địa danh du lịch nổi tiếng: Cột cờ Lũng Cú, dinh thự Vua Mèo, chợ tình Khâu Vai, chợ phiên Đồng Văn, chợ bò Mèo Vạc... Nhưng vẫn không thể không nhắc đến Mã Pì Lèng -  con đèo huyền thoại trên cung đường Hạnh phúc!

Ra khỏi TP Hà Giang, ngược dốc vài cây số đã thấy sừng sững trên vách núi đá xanh đen phía bên trái dòng chữ màu trắng, khổ lớn: "CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT - CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN. "

Bắt đầu từ đây, con đường leo lên những dốc cao sừng sững, rồi lại bất ngờ ngoặt xuống luồn trong hẻm núi, bò ven vách đá dựng đứng với một bên là vực sâu thăm thẳm, rồi lại ngóc lên chóp núi lãng đãng mây mù bao quanh. Có cả những đoạn đường xuyên qua bãi đá lởm chởm, sắc nhọn bốc khói trong trời nắng nóng. Chỉ thấy trên đường ít ỏi chút bóng cây, nhưng phía trên các sườn núi, giữa các khe đá là bạt ngàn cây ngô xanh mướt. Hiếm có đoạn đường nào thẳng, độ dài đến hai ba trăm mét mà luôn uốn khúc như rắn bò. Mặt đường trải nhựa nhưng không rộng. Ấy vậy nhưng vẫn có khá nhiều xe ô tô vào ra.

Những ai đã từng đến thăm cột cờ Lũng Cú cao hơn 33m bằng bê tông cốt thép, đặt trên đỉnh núi cao 1.700m, đã đi qua những cây cầu bê tông vĩnh cửu hay đi trên những con đường thảm nhựa bê tông thênh thang trong thị trấn Đồng Văn, ngắm những khách sạn cỡ bốn năm sao ở đây, bắt gặp ở rất nhiều nơi trên cao nguyên đá những đoàn khách ngoại quốc, những đồng bào mình từ khắp mọi miền đất nước du lịch về đây... mới thấy “Con đường Hạnh phúc” thật sự đã mang hạnh phúc đến cho cao nguyên đá Đồng Văn như thế nào.
Dulichgo
Đỉnh đèo Mã Pì Lèng có độ cao khoảng 1.500 m, chỗ có khúc "cua" ngóc lên, giáp bên lề đường là bãi đá rộng, được tạo ra để xây ngôi nhà lưu niệm; bên ngoài đặt tấm bia ghi công những người đã mở con đường này vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng. Từ đây có thể nhìn thấy một đoạn đường dài chạy ngoằn ngoèo, treo chênh vênh trên sườn núi đá.

Mã Pì Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất, được ví như "Vua của các đèo Việt Nam", là điểm cao nhất của “Con đường Hạnh phúc”. Ban đầu đường chỉ mở đủ rộng cho người đi bộ và xe ngựa thồ, sau mở rộng dần cho ô tô đi lại. Năm 2002 toàn tuyến được trải nhựa.

Thăm thẳm phía dưới là dòng sông Nho Quế chỉ nhỏ nhoi như một sợi chỉ trắng cắt ngang hai dãy núi mờ xanh. Bên ấy là Săm Pun - nơi đặt cột mốc biên giới và cửa khẩu Sín Cái thông thương với Trung Quốc. Có lẽ không ở nơi nào khái niệm "non sông hùng vĩ" được thể hiện rõ ràng như ở nơi đây. Dù đã đọc nhiều tác phẩm viết về “Con đường Hạnh phúc” và đèo Mã Pì Lèng nhưng có lẽ chỉ khi được đặt chân đến đây, trên đỉnh Mã Pì Lèng lộng gió mới thấy hết vẻ đẹp, vẻ hùng vĩ của một công trình do con người tạo nên đã được nhiều thế hệ nhắc đến như một huyền thoại.

Sử sách kể lại rằng: Trước khi có “Con đường Hạnh phúc”, cuộc sống của tám vạn đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc bốn huyện phía sau "cổng Trời", trên cao nguyên đá Đồng Văn vô cùng hoang dã, tối tăm, lạc hậu dưới sự cai trị của "Vua Mèo " họ Vương. Dốc "Chín khoanh" leo lên đỉnh Mã Pì Lèng được gọi là "dốc của Giàng"(Trời). Muốn vượt Mã Pì Lèng chỉ có cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo lởm chởm đá, dài hun hút. Nhiều con ngựa khỏe leo đến đỉnh đèo vẫn gục xuống ngất lịm. Những ai không chịu thuần phục Vua Mèo đều bị đưa đến treo trên đỉnh Mã Pì Lèng cho đến chết. Nạn thổ phỉ hoành hành luôn tạo sự bất an cho cả một vùng cao nguyên rộng lớn...
Dulichgo
“Con đường Hạnh phúc” được khởi công ngày 10 - 9 - 1959, hoàn thành ngày 15 - 6 - 1965. Hàng vạn Thanh niên xung phong là người của 16 dân tộc anh em thuộc các tỉnh Thái - Tuyên - Hà (Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) Cao - Bắc - Lạng (Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn) và Hải Hưng (Hải Dương, Hưng Yên) Nam Định, chỉ bằng lao động thủ công với các công cụ thô sơ, họ đã đổ biết bao mồ hôi và máu trong sáu năm trời để làm nên con đường huyền thoại.

Chỉ riêng việc cung cấp nước cho công trường cũng đã là một kỳ công, cứ 100 người làm việc thì phải có 12 người gùi nước tiếp tế, một ngày công lao động chỉ mang về một, hai gùi nước! Gian khổ và hy sinh nhiều nhất là khi thi công đoạn vượt đèo Mã Pì Lèng dài hơn 20 km với đỉnh đèo là bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng. Mãi đến lúc này công trường mới được trang bị một máy khoan đá bốn mũi duy nhất.

17 thanh niên tình nguyện vào đội Cảm tử đã liên tục 11 tháng treo mình trên vách đá, bằng tay trần, đục từng xăng-ti-mét đá để tạo ra hình hài con đường. Họ đặt sẵn mười bộ quan tài trong lán, làm lễ truy điệu sống trước khi bắt đầu một ngày treo mình trên vách đá để mở đường! Bọn thổ phỉ coi các công nhân mở đường như những"bia sống" để chúng tập bắn...

Ở ngoại ô thị trấn Yên Minh, cách không xa con đường huyền thoại, có một nghĩa trang không lớn, nơi yên nghỉ của nhiều thanh niên xung phong đã tham gia làm nên “Con đường Hạnh phúc” - Con đường có thời gian thi công dài nhất, tốn nhiều công lao động nhất, nhiều gian khổ, hy sinh nhất trong lịch sử làm đường ở Việt Nam. Chắc chắn rằng những ai biết trân trọng, yêu quý những con đường của đất nước, biết kính yêu đất Mẹ Việt Nam, sẽ mãi ghi nhớ và biết ơn những người anh hùng đã làm nên “Con đường Hạnh phúc” trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Theo Thân Trường Đoàn (Báo Bắc Giang)
Du lịch, GO!