Người Huế sành ăn, sành nấu nên những món ăn Huế luôn mang những nét đặc trưng rất riêng. Mặc dù hiện nay không phải cứ đến Huế mới được ăn món Huế nhưng có những món đúng là không đến Huế thì không thưởng thức hết được hương, vị của nó.

1. Mắm sò Lăng Cô

Mắm sò Lăng Cô nổi tiếng không kèm sò huyết Lăng Cô. Chỉ cần ăn 1 lần cái vị cay nồng đầu lưỡi nhưng vị thơm lại rất dịu này sẽ nhớ cả đời. Mắm sò được làm từ sò huyết. Sò huyết ở Lăng Cô còn được gọi là con sặc, có quanh năm nhưng được ăn mắm làm từ sò huyết bắt vào các tháng 4, 5, 6, 7 là ngon hơn cả vì sò lúc này béo nhất.

Chế biến mắm sò không khó, cũng không kỳ công, chỉ cần tách lấy ruột sò, đem rửa sạch, để ráo nước rồi trộn đều với ớt bột, củ riềng xắt nhuyễn, đậu xanh rang giã mịn và muối hột; cho vào bình, đậy kín; sau khoảng 20 ngày là có thể ăn.

Ăn mắm sò cũng lắm công phu, không đúng điệu nghệ là phí lắm. Khi ăn, nên pha thêm đường cát, tỏi, ớt, bột ngọt; nhiều người cho ít đu đủ nạo sợi nhỏ hoặc vả thái mỏng, khế, chuối xanh, ăn cũng rất ngon. Ngon nhất là ăn mắm sò với cơm lúc còn nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, ăn với càng nhiều rau sống càng ngon. Người Lăng Cô ăn mắm sò hàng ngày thì chỉ có ăn kèm rau sống nhưng khi có khách, thế nào cũng phải mua thêm đĩa thịt ba chỉ luộc thái mỏng. Thịt ba chỉ ăn với mắm sò ngon đến lạ, nó không giống với mắm tôm chua, mắm ruốc hay mắm tôm của miền Bắc. Có người đi Huế về kể, vào Lăng Cô, được mời ăn cơm nguội với mắm sò chưng, ngon đến tận … mấy năm sau.
Dulichgo
Ở Lăng Cô có nhiều gia đình làm mắm sò ngon nức tiếng như gia đình Mệ Cặn, 20 năm nay nhà mệ làm loại mắm này, chỉ cần đến ngã ba đường vào chợ Lăng Cô hỏi là ai cũng biết. Muốn giữ cho mắm sò được lâu mà vẫn nguyên độ ngon không đơn giản, cần phải biết cách chọn sò và cho các loại gia vị ướp theo một tỷ lệ nhất định, không được ngâm ruột sò sau khi làm xong quá lâu (ngâm ruột sò lâu thì số lượng mắm sò sẽ nhiều nhưng nhanh hỏng và vị của mắm không đậm)  và quan trọng là người làm ra những chai, hũ mắm này phải có cái tâm với nghề và với cả khách hàng của mình.

Theo kinh nghiệm của người Lăng Cô thì nhận biết mắm sò ngon hay không rất đơn giản; cứ thấy còn nguyên ruột sò, nước đặc sánh và có màu đỏ au là ngon.

2. Bánh bột lọc làng Phú Lộc

Bánh bột lọc Huế giờ có mặt ở khắp nơi, từ miền Bắc đến miền Nam nhưng bánh bột lọc làng Phú Lộc ngon hơn cả, ngon khó tả, khó quên. Làng Phú Lộc thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế; nhiều người quen gọi là làng bánh bột lọc Phú Lộc.

Làng Phú Lộc gói bánh bột lọc bằng lá chuối, chỉ mới bóc miếng lá chuối ra đã thấy mùi bánh nức nở. Bánh ngon là luộc lên phải trong veo, trong đến độ nhìn thấy cả con tôm đỏ au, miếng thịt ba chỉ (đủ 3 tầng) bên trong nhân bánh, càng trong càng ngon; lá chuối vẫn còn phải xanh.

Bánh bột lọc làng Phú Lộc quyến rũ đến lạ; cũng dai, mềm nhưng miếng tôm, thịt được tẩm ướp theo công thức riêng sao cho bánh chín rồi mà tôm, thịt phải luôn giòn dù có luộc quá lửa một chút. Người làng này thường kho tôm, thịt cho săn lại rồi mới gói. Nhiều người nói chính công thức sơ chế, chế biến nhân tôm, thịt ba chỉ gia truyền đã làm nên hương vị đặc biệt cho những dây bánh bột lọc của làng Phú Lộc.
Dulichgo
Nếu không được người Huế, mà phải là người Huế sành ăn giới thiệu thì ít ai biết bánh bột lọc làng Phú Lộc ngon để mua.

Xưa, bánh bột lọc không phải có quanh năm như bây giờ, chỉ cuối mùa thu hoạch khoai mỳ (sắn) người Huế mới làm bánh bột lọc. Người ta lấy khoai mỳ tươi đem say, nhào thành bột, bày bán ngoài chợ, ai muốn làm bánh, mua bột này về làm. Nhà nào cũng phải làm vài mẻ bánh bột lọc để ăn mừng vừa thu hoạch khoai mỳ xong. Bây giờ, bột làm bánh bột lọc chủ yếu là bột khoai mỳ khô.

Nhân bánh muốn ngon phải pha thêm ít nấm mèo. Khi luộc bánh, phải chờ nước thật sôi mới cho bánh vào, bánh nổi lên thì vớt nhanh tay, thả vào chảo hành với dầu ăn, xóc cho đều (cốt để bánh không dính vào nhau). Nước chấm bánh không cần kỳ công nhưng người không phải làng Phú Lộc pha đi pha lại cũng không thấy ngon, cố lắm thì gọi là ăn được vậy thôi.

Thường thì ăn bánh bột lọc ở TP Huế hoặc một số nơi khác có nhiều loại rau ăn kèm nhưng về Phú Lộc chỉ có rau xà lách. Rau xà lách ở đây tươi, ngọt và thơm; ăn bánh bột lọc kèm với loại rau này thì bao nhiêu cũng không ngán, không chán. Trong ký ức của nhiều người Phú Lộc, loại bánh này gắn liền với những ngày đói, nó là món ăn cứu đói khi mùa màng thất bát hay nhà quá nhiều miệng ăn mà mùa thu hoạch thì chưa tới; thế là cứ làm hẳn một thau bánh bột lọc, cả nhà ăn trừ cơm.

Người Huế “nghiền” bánh bột lọc cũng thường về làng Phú Lộc ăn bánh, rồi mua bánh về để tủ lạnh ăn dần, chứ hiếm khi ra tạm một hàng nào đó ngoài phố, ngồi ăn cho xong.

3. Bánh ướt làng Truồi

Làng Truồi thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế nổi tiếng với món bánh ướt, thịt quay. Làng Truồi có nhiều quán bánh ướt nên ít khi phải chen chúc dù khách đông đến mấy.

Bánh ướt làng Truồi khác với món bánh ướt ở vùng khác có lẽ là ở đĩa rau sống và đĩa thịt quay còn công thức làm bánh thì không có gì đặc biệt. Không đâu đĩa rau sống đầy đặn, tươi ngon như ở đây; tất nhiên là nó không thể thiếu rau quế trắng, búp chuối, xà lách, giá, rau thơm. Người làng Truồi đi hái rau sống từ sáng sớm, khi còn sương nên rau giòn, thơm, đượm rất đặc trưng.
Dulichgo
Món rau muối ở làng Truồi cũng cầu kỳ và hấp dẫn lạ thường. Đây vốn là món ăn chống ngán, xưa thì người ta cứ có rau gì thì đem muối rau đó nhưng giờ thì phải chọn, chọn loại nào vừa đẹp, vừa giàu dinh dưỡng đem muối. Trong bát rau muối này, giờ thường có: giá, hẹ, hành, cà rốt, ớt; giá là rau chính, phải mập, tròn và giòn sận.

Ăn kèm bánh ướt không thể không có chén mắm chấm chua, ngọt, mặn, cay đầy đủ; bên cạnh là chén tỏi, chén ớt để thiếu thì cho thêm. Riêng đĩa thịt quay thì đúng là chỉ người làng Truồi mới làm ra được hương vị này, mới ngửi thôi đã thấy độ ngọt của thịt, những khúc da giòn tan; nhưng chờ món này khá lâu vì chỉ khi có khách người ta mới bắt đầu sơ chế, quay thịt. Có người vào quán bánh ướt ở đây chỉ để ăn thịt quay với rau sống, rau muối và nước chấm.

Miếng bánh ướt ngon bao giờ cũng phải đầy đủ cả bánh ướt, thịt quay, rau sống, rau muối, sau cùng là rưới nước mắm chấm lên. Tùy khẩu vị từng người mà ăn nửa cái hay 1 cái bánh ướt mỗi lần.

Theo KPNET.VN, ảnh internet
Du lịch, GO!