Nhờ sự nhạy bén và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, người dân đất “bách nghệ” Chàng Sơn (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã phát triển nghề làm quạt giấy truyền thống theo hướng đi mới, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng, mang lại một nguồn thu nhập ổn định và đáng kể cho người dân nơi đây.

< Một góc xưởng sản xuất quạt vải của gia đình chị Dương Thị Nhung ở Chàng Sơn.

Là một làng nghề nổi tiếng nhất nhì của tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội), nhắc đến Chàng Sơn người ta nghĩ ngay đến một vùng đất “bách nghệ” với những nghề như: nón, mộc, tạc tượng, làm nhà cổ, nghề nề, nghề sơn... nhưng nghề làm quạt giấy là một trong những nghề làm lên tên tuổi của đất Chàng Sơn.

< Người làm quạt ở Chàng Sơn tự tay đi mua từng cây tre về ngâm hàng tháng trời mới đủ tiêu chuẩn để làm nan quạt. Những thanh tre sử dụng làm nan quạt được xếp khắp các ngõ ngách trong làng.
Dulichgo
Nghề làm quạt của người Chàng Sơn đã có từ hàng trăm năm nay. Người Chàng Sơn từ đứa trẻ 5 tuổi cho đến cụ già 80 tuổi, ai cũng biết làm quạt. Những năm gần đây, người dân Chàng Sơn đã phát triển nghề làm quạt giấy theo những hướng đi mới vô cùng độc đáo.

< Mỗi gia đình ở Chàng Sơn đảm nhận chuyên một công đoạn làm quạt.

Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp khi đặt chân đến Chàng Sơn là những chiếc quạt giấy được phơi ở khắp các đường làng, ngõ xóm. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một khu xưởng sản xuất lớn nhất nhì của xã đó là xưởng làm quạt của gia đình anh chị Huyền - Khải.

< Trước khi dán, quạt được tách đều từng nan theo hình bán nguyệt. 

Trao đổi với chúng tôi chị Nguyễn Thị Huyền cho biết, ngoài việc thuê nhân công trực tiếp làm việc trong xưởng, gia đình còn là đầu mối bao tiêu quạt cho hầu khắp các hộ gia đình trong xã. Trung bình cứ 1 đến 2 ngày, xưởng lại xuất một chuyến hàng vài tấn quạt đến các đại lý tiêu thụ.

< Khắp đường làng, ngõ xóm ở Chàng Sơn đều dễ bắt gặp hình ảnh người dân phơi quạt giấy.

Ở Chàng Sơn, quạt được sản xuất rất chuyên biệt. Toàn xã có 5 xưởng sản xuất, bao tiêu lớn như gia đình anh chị Huyền Khải, chuyên về quạt trang trí (quạt có họa tiết phong cảnh) và quạt giấy bình dân, thường được dùng ở những điểm du lịch, những đình chùa miếu mạo. Nếu tính số người làm thuê cả trực tiếp và gián tiếp, thì số lao động làm thuê của gia đình chị Huyền lên đến hàng trăm người.

< Với những người thợ làm quạt lâu năm ở Chàng Sơn, mỗi ngày họ có thể dán được từ 1200 – 1300 chiếc.
Dulichgo
Hiện nay, quạt giấy của Chàng Sơn đã phong phú và đa dạng hơn rất nhiều, các hộ sản xuất ở đây còn làm cả những loại quạt vải, quạt múa cao cấp dùng trong các dịp lễ hội hay làm đạo cụ cho ngành nghệ thuật.

< Quạt thành phẩm sau khi sản xuất được xếp thành từng tá, với đủ các màu sắc khác nhau.

Để tìm hiểu rõ về điều nay, chính tôi đã tìm đến xưởng sản xuất quạt của gia đình chị Dương Thị Nhung. Xưởng quạt của gia đình chị Nhung chuyên sản xuất quạt múa, quạt vải cao cấp theo các đơn đặt hàng.

< Quạt vải được in chữ đủ các màu khác nhau và hiện đang là loại quạt được khách hàng ưa chuộng ở Chàng Sơn.

Chị Nhung cho biết, quạt của gia đình được trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long nên đã nhận được nhiều đơn hàng từ khắp nơi. Trung bình mỗi tháng, xưởng nhà chị xuất đi bán hàng vài trăm nghìn chiếc quạt vải các loại, đủ màu sắc và kích cỡ.

< Một chiếc quạt được khắc các họa tiết chìm theo kiểu quạt truyền thống.

Trước sự phát triển của công nghệ làm lạnh, làm mát hiện đại tưởng chừng nghề làm quạt giấy sẽ không còn thị trường nhưng nghề làm quạt ở Chàng Sơn vẫn luôn phát triển. Đó chính là một tín hiệu vui, một minh chứng cho sự trường tồn của các làng nghề truyền thống mang đậm nét văn hóa Việt nếu người dân nơi đó biết bắt kịp xu hướng thị trường.

Theo Thảo Vy, Việt Cường (Báo Ảnh VN)
Du lịch, GO!