Từ thành phố Hà Giang ở thượng nguồn sông Lô: đi một vòng khép kín qua các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... ghé qua huyện Bảo Lâm của Cao Bằng một chút rồi về lại Bắc Mê của Hà Giang sẽ là một cảnh tượng “đèo dốc võng lên võng xuống như bờm sóng bể động”. Rồi “cái thế giới núi cao lồng lộng những nắng những gió những mây” mà Nguyễn Tuân đã ghi lại trong Nhật ký lên Mèo ở tập Ký Nguyễn Tuân.

Lại vẫn không ai mô tả chuẩn xác như cụ Nguyễn Tuân: “Cái chân giời của người Mèo cũng không hoàn toàn giống cái chân giời của người đồng bằng đồng bể có giời có mây nhưng lại có cả nước nữa. Nếu chân giời của người đồng bể là một ngấn nước thẳng tắp, thì chân giời của người Mèo là một cái gì cũng không kém lồng lộng nhưng lô xô nhấp nhổm, một cái gì mở ra lồng lộng ở sau một cái đỉnh đèo họ đang đi miết lên kia”.

Khởi từ điểm đầu cao nguyên đá Đồng Văn, ở Quản Bạ, rồi đi tiếp tiếp, sẽ thấy đúng là phía sau một cái lồng lộng là một cái khác còn lồng lộng hơn. Đứng ở bất kỳ mỗi mét nào trên con đường mang tên Hạnh Phúc này, giơ bất kỳ chiếc máy nào có chức năng chớp hình, bạn cũng yên trí là có tấm hình đáng nhớ. Dulichgo

Từ năm 1959 – 1965, hàng vạn thanh niên thuộc đủ sắc dân đã góp 3 triệu ngày công để đục khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng cuốc xẻng, xà beng, búa đục, không có máy móc gì hết... để thành hình con đường Hạnh phúc.

Gian khổ nhất của hạnh phúc chính tại Mã Pí Lèng mà cụ Nguyễn đã viết trong ký Mỏm Lũng Cú tột Bắc: “Cả quãng Đồng Văn – Mèo Vạc hai mươi bốn cây số đường núi đá này phải làm mất một năm rưỡi, nhưng riêng chỗ dốc Mã Pí Lèng thì phải tốn mất mười một tháng treo mình trên vách đá để đục, bổ đá khắc đá ra mà cấn mặt đường vào vách đá đứng thành vại”. 17 thanh niên ngày ấy trong đội cảm tử mang tên “Cơ Dũng” đu dây đẽo đá bằng tay trần ở Mã Pí Lèng nay ai còn ai mất?

Bức tranh miền sơn cước thiếu hơi ấm nếu không có những cột khói toả ra từ những mái nhà phía dưới, nếu không có núi đôi Quản Bạ “dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên”, ngôi nhà “Chuyện của Pao” ở Sủng Là, dinh thự vua Mèo Vương Chính Đức ở Sà Phìn hay phố cổ Đồng Văn…

< Đỉnh đèo Mã Pí Lèng nối Đồng Văn với Mèo Vạc hun hút gió một bên vách đá dựng đứng, bên còn lại cũng là dốc đá dựng đứng không dám nói một câu vì sợ lạc bước bánh xe. Phía dưới là dòng Nho Quế nhỏ như một chiếc đũa mà muốn xuống đến mặt nước phải đi bộ mất hơn ngày đường. Chỉ đứng ở con đèo được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam này (bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, đèo Khau Phạ, đèo Pha Đin) mới cảm nhận được sức người mãnh liệt đến thế nào. Dulichgo

Những thung lũng được bao bọc bởi các rặng núi nhận thêm ân sủng hiếm hoi từ sông Miện, sông Nhiệm giữ nhiệm vụ giao thương cho các làng bản, giữ cho tiếng khèn, điệu múa, bát rượu ngô, chảo thắng cố trong các chợ phiên cuối tuần còn mãi.

< Người Lô Lô ở Hà Giang. 

Tam Sơn, Cán Tỷ, Quyết Tiến, Vần Chải, Bát Đại Sơn, Sảng Tủng, Tả Phìn, Phó Bảng… những địa danh theo ngôn ngữ Hán Việt, dân tộc, hiện đại mới đầu lạ lưỡi sau rồi thân thương. Sự giao thoa của các luồng văn hoá, nhất là văn hoá đồng bằng Bắc bộ, sự pha lẫn tiếng bản địa Tày, Mèo, Dao, Lô Lô và các dân tộc khác đã làm biến âm địa danh.

Người Lô Lô từ phía bắc xuống đây sinh sống cách khoảng 300 năm kiến tạo những mảnh ruộng, tiếp đó là người Mèo, người Dao, người Dáy.

Giờ thì đất không đủ cho đông người nữa rồi. Huyện Đồng Văn chẳng hạn, có 6 vạn người nhưng chừng 1/10 số đó là các ông chủ gia đình qua biên giới theo các đường chui để lao động phổ thông, làm hồ, trồng rừng… kiếm ngày công 300.000 – 500.000 đồng, hơn nhiều so với việc gùi từng nắm đất vào các hõm đá để gieo ngô.

< Cứ 10 – 15 ngày lá cờ này được thay mới một lần, do sức gió rất mạnh trên đỉnh Long Sơn khiến cờ hỏng.

Thế mới có chuyện dở khóc dở cười của “thánh phượt” Vừ Già Pó quê huyện Mèo Vạc sang Trung Quốc làm thuê rồi lưu lạc qua Myanmar, vượt dãy Himalaya sang Ấn Độ rồi Pakistan. Dulichgo

Phượt không balô, không alô, không tiền đô, không bi bô ngoại ngữ; chỉ một bộ quần áo và đôi dép cùng ý chí sắt đá cứ đi là về đến Khau Vai nhà mình. Sau hai năm ba tháng xa nhà, đi bộ hết 5.800 cây số, anh Vừ trở về từ Pakistan bằng đường hàng không.

Nếu không mơ giấc mơ “thánh phượt” thì dừng chân trên cột cờ Lũng Cú, điểm cao nhất trên bản đồ tổ quốc, là được rồi. Cứ 10 – 15 ngày lá cờ này được thay mới một lần do sức gió rất mạnh trên đỉnh Long Sơn khiến cờ hỏng. Những lá cờ cũ được tặng cho các đoàn khách đặc biệt. Tôi không có lá cờ đó, nhưng tôi biết trong tim mình luôn có một lá cờ.

< Con đường dài khoảng 200km chạy xuyên cao nguyên đá này mang tên Hạnh Phúc. Ngày 15.6 năm nay sẽ có lễ kỷ niệm 50 năm hoàn thành con đường. Hạnh phúc vì nó nối liền mạch những cảnh quan kỳ vĩ, hạnh phúc vì nó nối niềm vui văn minh cho 22 dân tộc Việt bám trụ ở miền địa đầu cực bắc tổ quốc trong cái xứ “nhìn thấy nhau trong tầm mắt, đến gặp nhau mất nửa ngày”.

Có nhiều cách đi cao nguyên đá Đồng Văn nhưng “khoẻ” nhất là đi xe giường nằm từ bến Mỹ Đình hay Lương Yên (Hà Nội) vào buổi tối, đến thành phố Hà Giang vào sáng sớm. Thuê xe máy tại đây đi từ sáng, qua Vị Xuyên, Quản Bạ, đến thị trấn Yên Minh nghỉ trưa và nghỉ tối tại thị trấn Đồng Văn. Các điểm tham quan chính đều nằm trên đường này. Sáng hôm sau, từ thị trấn Đồng Văn vào cột cờ Lũng Cú 25km rồi trở ra. Tiếp đó, từ Đồng Văn qua Mã Pí Lèng tới Mèo Vạc. Tại Mèo Vạc có hai lựa chọn cho đường về: hoặc trở lại Yên Minh rồi về đường cũ Quản Bạ, hoặc về theo cung đường khác qua Bắc Mê về thành phố Hà Giang.

Theo Đinh Hiệp (Thế Giới Tiếp Thị)
Du lịch, GO!