(CLO) - Đêm Mùng Ba Tết từ Hà Nội lên tàu, sáng hôm sau có mặt ở Huế, rồi Đà Nẵng, Hội An. Chúng tôi có những ngày du xuân ở xứ hoa vàng, mai vàng, cúc vàng thật thú vị.

Hoa vàng

Miền Bắc, mùa xuân đến cùng sắc đỏ của hoa đào, ám ảnh như câu thơ "Mỗi năm hoa đào nở" hay xưa hơn là câu thơ Đường "Nhân diện đào hoa tương ánh hồng". Trái lại, đặc trưng miền Trung, miền Nam là màu vàng. "Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết. Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương. Mai vàng nở như em về đúng hẹn. Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường"...

Khi Hà Nội đang se lạnh, nồng ấm không khí Tết thì Huế nắng chói chang, rực rỡ, đích thị mùa hè. Điểm chung dễ nhận thấy là trước thềm mỗi ngôi nhà đều trưng hai chậu cúc vàng rực, trong nhà thì mai vàng khoe sắc thắm. Cả một xứ sở tràn đầy sắc hoa vàng. Màu vàng của hoa, màu vàng của nắng tôn nhau lên cho hoa thêm thắm mà nắng thêm nồng.

Nếu như hoa đào miền Bắc, nhất là đào bích Nhật Tân chỉ đẹp khi còn đang nụ và chớm nở, khi hoa đã nở đầy cành, mãn khai thì coi như bỏ, ngược lại, mai vàng nở đầy cành vẫn đẹp, vẫn rừng rực sức sống. Đào mong manh hơn, mai vàng khỏe khoắn hơn.

Ở Đại Nội Huế, rất nhiều mai và cúc được trưng để nghinh xuân. Mai đủ các kiểu dáng, trồng bên mái cung điện rêu phong hay trên các chậu kiểng cổ trông thật sang trọng, vừa như vàng son một thủa, vừa tươi mới, non tơ. Con đường từ Minh Lâu đến Hiển Đức môn, Sùng Ân điện  trong lăng Minh Mạng cũng được thiết trí hai dãy cúc làm thành một hành lang hoa vàng ngoạn mục.

Ở Đà Nẵng, ở Hội An cũng vậy, tràn ngập sắc hoa vàng. Nhà nào cũng trưng hoa cúc trước thềm như vậy. Có hai loại, cúc đại đóa và cúc pha lê, giá dao động từ 150 đến 500 ngàn đồng. Hoa cúc bền chơi được cả nửa tháng xuân. Ở Hội An, mỗi bông hoa cúc còn được chủ nhà thắt một chiếc nơ đỏ nhỏ xíu vào cuống hoa cho thêm phần trang trọng. Dulichgo

Tết ở Hà Nội, nhà nhà khép cửa nên vào miền Trung thấy nhà nhà trưng hoa cúc trước thềm chúng tôi cảm thấy rõ sự cởi mở, hiếu khách của cư dân nơi đây. Tôi hỏi  nhiều người dân địa phương rằng trưng hoa cúc có mang hàm ý tín ngưỡng gì hay không thì họ nói chỉ trưng cho đẹp. Xem ra, cùng chung phong tục trang hoàng nhà cửa, trưng nhiều hoa trái để đón xuân nhưng từng vùng miền cách thể hiện cũng rất khác nhau.

Cổ kính và hiện đại

Huế là điểm đến đặc biệt, nơi đây hội tụ các di tích gốc đặc biệt, duy nhất có đó là Hoàng thành, Đại Nội với các cung điện, lầu gác, bên cạnh đó là các lăng tẩm, đền miếu, chùa chiền.

Do giới hạn thời gian, nên chúng tôi chỉ thăm viếng được hai ngôi chùa là Từ Đàm và Từ Hiếu. Chùa Từ Đàm được khởi dựng từ khoảng cuối thế kỷ XVII, được đặt tên là chùa Ấn Tông, năm 1703 chùa được trùng tu, chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển “Sắc tứ Ấn Tông tự”. Năm 1841, vua Thiệu Trị đổi tên chùa thành Từ Đàm,  nghĩa là “Đám mây từ bi của nhà Phật”, do kỵ húy vua là Miên Tông. Chùa Từ Đàm là tâm điểm phong trào chống lại chính sách kỳ thị Phật giáo của họ Ngô những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay chùa là Trung tâm Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế.

Trong sân, gần cổng chùa là cây bồ đề cổ thụ, lấy từ cây gốc nơi Thích Ca thành Phật. Trong gió xuân, đứng dướitánlá bồ đề xanh biêc mới trổ, du khách thập phương như được che chở, vỗ về để quên đi âu lo, tinh thần thêm an lạc.

Do mới được trùng tu nên Tam bảo rộng thênh thang, chỉ tôn trí tượng Phật tổ Như lai, dành chỗ cho đại chúng lễ Phật, nghe kinh. Dù là Phật giáo Bắc Tông nhưng phong cách thiết trí tương tự Nam Tông bên Lào, Campuchia mà chúng tôi từng có dịp đến thăm.

Nếu chùa Từ Đàm ở giữa phố thì chùa Từ Hiếu lại ở giữa rừng, rừng thông xanh vi vút gió. Chùa thật sự ở giữa tùng lâm. Chùa được khởi dựng năm 1843, do Hòa thượng Nhất Định, sau khi từ chức “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” về  đây khai sơn. Ông còn dựng “Thảo am an dưỡng” để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Dulichgo

Ông nổi tiếng là người con có hiếu. Tương truyền có lần mẹ già bị bệnh nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại, khuyên ông mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có thế mới mong bà hồi phục sức khỏe. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu, chê cười, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó 5 cây số để mua cá về nấu cháo cho mẹ ăn. Câu chuyện đến tai vua Tự Đức, vị vua rất hiếu thảo với mẹ. Vua rất cảm động trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho chùa tấm biển “Sắc tứ Từ Hiếu tự”.

Chùa vẫn giữ nguyên vẻ cố kính, rêu phong trong yên tĩnh, cách biệt với thế giới bên ngoài. Có thể nói đây là ngôi chùa tuyệt mỹ. Năm 16 tuổi thiền sư Thích Nhất Hạnh đã xuất gia tại ngôi chùa này. Chùa còn được du khách biết đến do có nhiều mộ thái giám bên vườn chùa.

Hôm đó là mùng 4 Tết nhưng cả chùa Từ Đàm và Từ Hiếu đều tĩnh lặng, không quá nhiều người đến lễ Phật, có những đoàn vài chục người nhưng họ đều khẽ khàng, thành kính và tuyệt nhiên không có cảnh rải tiền lẻ khắp các ban thờ như ngoài Bắc. Hòm công đức, trong này ghi là Phước sương (hòm phúc) chỉ đặt ở ban thờ chính. Ở chùa Từ Hiếu còn trang trí hoa tươi trên mặt hòm công đức, một cách trang nhã, kín đáo. Ai đó thành tâm thì nhẹ nhàng bỏ tiền vào thùng không phô trương, ồn ào như nhiều chùa ở Hà Nội.

Qua đèo Hải Vân, trái ngược với Huế rêu phong, cổ kính là Đà Nẵng, một đô thị hiện đại. Qua khỏi hầm chui Hải Vân ta đã trông thấy thành phố Đà Nẵng, với các công trình kiến trúc hiện đại và cả tượng Quan Âm Bồ Tát trên  Linh Ứng tự.

Đường phố Đà Nẵng rộng thênh thang, sạch sẽ và không bao giờ có chuyện tắc đường. Dọc đường Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp bên bờ biển lộng gió là những quán hải sản đông đúc, chủ yếu là khách du lịch.

Điểm đặc biệt là Đà Nẵng rất nhiều cầu, nhất là cầu Rồng, khi đêm đến rồng được thay đổi lần lượt năm màu bằng đèn led rất ngoạn mục, xa xa là cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Văn Trỗi cùng bắc qua sông Hàn.

Khác hẳn với sự yên tĩnh của chùa Từ Đàm, chùa Từ Hiếu, chùa Linh Ứng ở Bãi Bụt, Sơn Trà, Đà Nẵng đông nghẹt. Bãi đỗ xe đầy ô tô lớn nhỏ, đưa khách thập phương từ nhiều nơi về thăm viếng. Trong cái nắng chói chang 34-35 độ C, du khách chen nhau lễ Phật và chụp hình trước sân chùa và tượng Phật Bà Quan Âm. Dulichgo

Đà Nẵng có  ba ngôi chùa cùng mang tên Linh Ứng. Một chùa ở Non Nước, nằm trên hòn Thủy Sơn của Ngũ Hành Sơn. Một chùa ở Bà Nà, nằm trên chót vót núi cao của địa danh nghỉ mát "Đà Lạt của miền Trung" và Linh Ứng Sơn Trà, là ngôi chùa to nhất, mới nhất và đẹp nhất trong ba ngôi chùa.

Cảm ơn Hội An

Hội An, đô thị nhỏ bé ở vùng đất cằn Quảng Nam như một ốc đảo văn hóa ngọt lành. Mỗi lần đến tôi lại cảm nhận điều đó một cách sâu sắc hơn.

Điều dễ thấy nhất là sự nguyên vẹn của các con phố cổ được người dân nâng niu, trân trọng và không ngừng trang hoàng cho nó. Nếu cảm giác xót xa khá thường trực khi về quê, khi thấy những di tích bị xâm hại, những công trình cổ bị bê tông lấn át và thay thế từng ngày… thì ở Hội An, nỗi đau đó được an ủi.
Đi trên đường phố Hội An ta như đi trong không gian cổ tích. Cổ tích nhưng sống động.

Điều thứ hai, đó chính là con người Hội An. Hôm mùng 6 Tết đoàn chúng có mặt ở  Hội An. Buổi tối, sau khi xem “Bài chòi” và rẽ vào quán cà phê Vĩnh Hưng thì phát hiện thấy thiếu cậu bé con 7 tuổi. Mọi người chia nhau đi tìm. Lát sau điện thoại reo, mẹ cháu báo tin cháu đã về khách sạn. Một người dân thấy cháu mếu máo đã lấy xe chở cháu về. Mọi người trêu: Không biết người ta là ai mà dám lên xe đi, nhỡ họ mang bán thì sao? Thằng bé bảo: Nhưng đó là người tốt!

Ở Hội An nhiều người tốt như thế. Trước khi chia tay Hội An, cả nhà rẽ vào quán Giếng Bá Lễ ăn nem cuốn, lúc đó cô em dâu mới nghĩ ra cần mua mấy đôi dép làm quà, vội chạy ra đường. Gặp một người đang dừng xe máy bèn nhờ, “anh cho em quá giang ra chỗ mua dép”. OK, đi liền. Mua xong vẫn thấy anh ấy chờ, vậy là lại nhờ chở về chố cũ. Cám ơn anh, cười duyên một cái là bye bye.

Tôi cũng có một kỷ niệm nhỏ. Đang đi dạo phố thì một đôi người nước ngoài đi qua, vòng tay bằng ngọc trai của cô gái văng xuống đường nhưng họ vẫn tung tăng bước. Tôi nhặt lên và đuổi theo họ. Họ nhận lại chiếc vòng với vẻ kinh ngạc và thích thú, không ngừng cảm ơn. Có lẽ, tôi cũng góp thêm một chút ấn tượng đẹp về Hội An trong mắt cặp đôi này.
Ở nơi tử tế như thế, chúng ta tốt đẹp, tử tế hơn. Xin cảm ơn Hội An.

Theo Nguyễn Phan Khiêm (Công Lý)
Du lịch, GO!