Đến Bến Tre, người yêu thích văn hóa thường tìm thăm đình Phú Tự (ấp Phú Tự, xã Hòa Hưng), cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 2km. Đến đây, bạn sẽ nghe kể về thời lập ấp của những người khẩn hoang. Thời hoang địa, những lưu dân phải thường xuyên đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt và các loài thú dữ nên họ lập ngôi miếu nhỏ bằng tre lá để thờ cúng.

Tương truyền, đình làng Phú Tự có một ban hội hương, đứng đầu là hương cả nhưng những người được đề cử làm hương cả đều chết "bất đắc kỳ tử". Ban hội hương đồng thuận đề cử "ông Hổ" làm hương cả, gọi là Hương cả Cọp. Từ đó, "ông Hổ" như là một vị linh thần che chở, giúp dân làng có cuộc sống bình yên, no ấm. Khoảng trước năm Giáp Thìn- 1904, dân làng làm ăn khấm khá, xây lại miếu thành đình trên mảnh đất 9.695m².

Đình xây hình chữ Tam, có bốn cột cái, mái kéo hình vuông, lợp ngói âm dương. Cột, kèo bằng cây căm xe và gõ đỏ. Hai cặp liễn (treo bốn cột ở trung đình) làm bằng gỗ quý, chạm trổ hoa văn và hình tượng tứ linh, cùng bốn hàng chữ Hán. Dulichgo

Triều Dực Tôn Anh hoàng đế đệ tứ niên (năm Canh Tuất- 1850), vua Tự Đức đã ban chiếu sắc phong cho vị Thần đình Phú Tự là "Thành hoàng bổn cảnh, Cao các quảng độ, Đại càn quốc gia Nam Hải". Nhưng sắc thần bị cháy sau cơn hỏa hoạn. Sáu mươi năm sau, ngày 18-3, năm Canh Tuất- 1910, vua Khải Định ban chiếu sắc phong lại Thần đình Phú Tự.

Hiện nay, trước tiền đình là đàn Xã tắc thờ Thần Nông. Tại đàn Xã tắc có dựng một tấm bia lớn, mặt ngoài có hai câu liễn, mặt trong khắc hai chữ Thần Nông bằng chữ Hán, hai bên có cặp liễn đối.

Khoảng giữa đàn Xã tắc và chính môn là gốc cổ thụ bạch mai. Đây là 1 trong 3 cây bạch mai có tuổi thọ cao nhất ở Nam bộ (2 cây còn lại, 1 ở Hà Tiên, Kiên Giang; và một ở miếu Cây Mai, TP.HCM). Bạch mai đình Phú Tự trên 300 tuổi, có 9 thân, chiều cao 14m, còn được gọi là "thần mai", "cổ thụ mai", "danh mộc bạch mai".

Hằng năm, vào tiết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng âm lịch), cây nở bông trắng xóa, tỏa hương thơm nhẹ, nhiều văn nghệ sĩ ở Bến Tre thường tụ tập về đây thưởng lãm, ngâm thơ. Bạch Mai thi hội ra đời vào năm 1994. Dưới tán cổ thụ bạch mai có Bạch Mai bia ký do Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu và Bạch Mai thi hội lập năm 1998, tạc bằng đá hoa cương, một mặt ghi chữ Nôm, một mặt ghi chữ Quốc ngữ. Ngày 10-1-1998, UBND tỉnh Bến Tre công nhận đình Phú Tự và cổ thụ bạch mai là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Đầu tháng 11-2013, cây bạch mai được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Dulichgo

Đến thành phố Bến Tre, khách hành hương còn thường viếng thăm cúng bái chùa Viên Minh, tọa lạc trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Theo nhiều người, trước khi xây chùa, đây là ngôi miếu nhỏ thờ Quan Công.

Đầu thời Cảnh Hưng nhà Lê, chùa được xây dựng đơn sơ nhỏ hẹp, trên mảnh đất 3.358m2, thờ Phật và Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) nhằm phục vụ tín ngưỡng đồng bào Việt và Hoa. Từ năm 1951 đến 1959, chùa được xây lại và giữ nguyên kiến trúc đến nay. Năm 2002, chùa được tu bổ khang trang hơn.

Trước sân chùa có tôn trí hai pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát đứng uy nghiêm trên đài sen cao 3m, hai bên có cặp hạc chầu và pho tượng Phật Thích Ca cao 7m. Trong chánh điện có hai pho tượng Phật Di Đà và Thích Ca. Đặc sắc nhất là cốt hai pho tượng phật nầy bằng nan tre. Tăng ni, phật tử chùa Viên Minh từng hưởng ứng phong trào đấu tranh khi chánh quyền Ngô Đình Diệm đàn áp tăng ni phật tử ngày 6-5-1963.

Đầu năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre vào thời đó) công nhận Hòa thượng Thích Thiện Tín làm Chánh đại diện chùa Viên Minh. Từ năm 1981, chùa thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bến Tre. Hiện nay chùa là Văn phòng Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre. Dù tọa lạc ngay trung tâm thành phố Bến Tre, nhưng chùa Viên Minh vẫn mang cốt cách thanh nhã, u nhàn.

Nội thành Bến Tre còn có một điểm du lịch sinh thái thơ mộng, êm đềm và hấp dẫn vì huyền tích bi thương. Đó là hồ Chung Thủy. Hồ có tổng diện tích khoảng 2ha. Xưa kia, quanh hồ là bờ đất, cỏ mọc xanh tươi. Từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tôn tạo, bờ hồ được cẩn đá xanh, quanh hồ là con đường rộng uốn lượn đẹp mắt với nhiều bồn hoa cỏ và những cây cổ thụ tỏa bóng mát. Dulichgo

Ngồi trên một ghế đá ven hồ, khách ngắm nhìn mặt nước hồ lúc nào cũng xanh biêng biếc... và nghe câu chuyện của thời quá vãng. Rằng, xưa có đôi trái tài gái sắc yêu nhau da diết, hồ là nơi họ hẹn hò tâm tình, mong kết thành đôi. Tiếc thay gia đình hai bên khăng khăng khước từ. Buồn vì duyên tình trắc trở, đôi uyên ương nắm chặt tay nhau nhảy xuống hồ tự vẫn. Cảm thương đôi trai gái tình son dạ sắt, người địa phương đặt tên hồ là Chung Thủy. Quanh hồ là những cây cao bóng cả- nơi thư giãn tuyệt vời gây ấn tượng khó phai cho những ai một lần đến.

Theo Cát Lộc (Báo Cần Thơ)
Du lịch, GO!