“Phiên chợ họp chỉ trong khoảng 1 tuần trong dịp Tết cổ truyền để cung cấp lá dong, lá chuối, lạt tre cho người dân Sài Gòn gói bánh chưng, bánh tét, nên mọi người gọi là phiên chợ lá”, chị Thu Lan (người bán lá dong, lá chuối trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM) cho biết.

< Chợ lá là một nét độc đáo của TP.HCM hơn 30 năm qua.

Cùng với không khí xuân rộn ràng, trên đường ngập tràn sắc hoa, tại các chợ, một số tuyến đường của TP.HCM luôn có một góc xanh rì màu lá dong, lá chuối. Đây cũng là một nét văn hóa không thể thiếu khi người dân TP.HCM đón Tết cổ truyền của dân tộc.

< Phiên chợ lá trên đường Cách Mạng Tháng Tám hoạt động từ 27 đến chiều 30 Tết để cung cấp lá dong, lá chuối cho người dân thành phố gói bánh tét, bánh chưng.

Con đường duy nhất tập trung đông người bán lá dong, lá chuối, lạt tre là đường Cách Mạng Tháng Tám (giáp ranh quận Tân Bình và quận 3, TP.HCM).

Gọi là chợ nhưng thực chất người dân chỉ tập kết lá bán trên vỉa hè và người mua cũng chỉ tấp xe vào lề đường để mua.

< Tại chợ lá chủ yếu là lá dong, lá chuối, lạt và khuôn làm bánh.

Chợ lá dong, lá chuối trên đường Cách Mạng Tháng Tám kéo dài khoảng 500m từ giao lộ Phạm Văn Hai đến gần khu vực chợ Hòa Hưng. Mặt hàng chủ yếu của chợ là lá dong, lá chuối, dây lạt, khuôn gỗ làm bánh…, những nguyên vật liệu gắn liền với món bánh chưng, bánh tét truyền thống trong ngày Tết của người Việt. Dulichgo

< Những bó lạt trắng muốt, dẻo để gói bánh tét, bánh chưng trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Chị Thu Lan, người bán lá tại đây cho biết: “Từ 23 tháng Chạp, tôi đã mua lá rồi mang về đây bán. Bán đến chiều 30 Tết, tôi dọn hàng về đón xuân cùng gia đình. Nguồn hàng chúng tôi lấy chủ yếu là các nhà vườn lá dong, lá chuối ở huyện Hóc Môn, Củ Chi vì lá ở đó đẹp, gói bánh không bị nứt. Năm nay diện tích lá dong, lá chuối bị thu hẹp nên giá sẽ đắt hơn mọi năm”.

< Những “tiểu thương tại đây cho biết, nguồn lá chủ yếu lấy tại huyện Hóc Môn và Củ Chi, TP.HCM. Tuy nhiên, năm nay do diện tích lá chuối, lá dong bị thu hẹp nên giá sẽ cao hơn mọi năm.

Ghi nhận, nhiều người dừng xe bên lề đường tỉ mỉ chọn những lá dong, lá chuối đẹp để gói bánh. Cả đoạn đường này nhộn nhịp, náo nhiệt hơn ngày thường bởi sự xuất hiện của chợ lá. Dulichgo

< Bánh chưng, bánh tét là vật phẩm ăn Tết có truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong mỗi dịp Tết đến, xuân về không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, đồng nghĩa với việc không thể thiếu lá dong, lá chuối trong các phiên chợ Tết.

Chị Trần Thị Giang, nhà ở quận 3 cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 27 Tết tôi lại ra đây mua lá dong, lá chuối, lạt tre về gói bánh tét, bánh chưng. Giờ bánh tét, bánh chưng bán ở trong siêu thị, chợ khá nhiều, nhưng tôi thích mua lá về để tự tay làm. Nhờ có những gánh hàng lá này mà tôi cũng như những gia đình khác ở Sài Gòn có thể tìm lại và giữ gìn hương vị ngày Tết cổ truyền”.

Vừa cầm bó lạt và mua 3 xấp lá dong, bà Nguyễn Thị Thu, 57 tuổi, nhà ở quận Tân Bình cho biết: “Ở nhà tự gói bánh tuy vất vả hơn nhưng được cái vui, con cháu mỗi người một công đoạn. Người lớn tuổi qua việc gói bánh chưng, bánh tét truyền lại cho người nhỏ tuổi văn hóa Tết Việt. Nồi bánh chính vì thế mà giữ được không khí Tết”.

Bánh chưng, bánh tét là vật phẩm ăn Tết có truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong mỗi dịp Tết đến, xuân về không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, đồng nghĩa với việc không thể thiếu lá dong, lá chuối trong các phiên chợ Tết.

Theo Dương Thanh (Dân Việt)
Du lịch, GO!