(BHG) - Mùa nước nổi cũng là mùa mưu sinh đối với bà con nông dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hàng năm, khi mực nước sông vừa dâng cao, ngoài đồng mấp mé khỏi bờ là bà con rộn ràng chuẩn bị lọp, lờ, trúm để khai thác thủy sản, trong đó có những người chuyên đẩy côn bắt cá, người săn chuột đồng, người đặt lọp, đặt xà di... đặc biệt là nghề câu ếch, cho thu nhập kha khá.

Muốn làm nghề này, trước hết phải có mồi ngon, mồi hấp dẫn với loài ếch nhái. Đó là mồi ốc xắt nhỏ trộn chung với một vài vị thuốc bắc giúp cho ếch đánh hơi tìm đến ăn câu. Ngoài mồi chính còn có mồi lót, chẳng hạn như cá băm nhuyễn rồi bỏ vào chai đem đi phơi nắng độ 1 ngày cho mùi bốc lên nồng nặc để làm mồi nhử.

< Cần câu ếch làm bằng trúc, chiều dài khoảng 25cm.

Anh Nguyễn Nhân, ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), một thanh niên chuyên nghề câu ếch, cho biết: “Câu ếch rất đơn giản, chỉ cần một cần câu bằng trúc dài khoảng 25cm, một sợi dây câu có lưỡi, dây ngắn để khi dính, ếch không thể lôi kéo đi xa. Quan trọng là mồi, mồi càng ngon ếch càng tìm đến cắn câu”.

< Mồi chính cắm câu ếch chủ yếu là ốc.

Trong suốt quá trình đi câu, người nào cũng tỏ ra rất sành sỏi và bài bản. Lúc chuẩn bị đi, mỗi người đều trang bị một chiếc đèn đội đầu, cần câu và mồi. Sau khi chọn điểm xong, anh Nhân dọn nền, chét mồi lót lên mặt đất để dụ ếch. Sau cùng là móc mồi cắm câu.

< Nơi cắm câu ếch phải chọn nơi ẩm thấp, gần ao hồ, chủ yếu là gần mé ruộng.

Cứ thế, cách vài ba thước anh lại cắm một cần. Anh chia sẻ: “Ếch thường tìm nơi ẩm thấp, cỏ ít, nhất là những nơi có bùn láng để kiếm ăn”. Thường nước càng cao ếch càng nhiều, nhất là nơi có rẫy mía, có bờ bao ngạn, ếch tập trung nhiều hơn, người cắm tha hồ đánh bắt. Bình quân mỗi đêm một người có thể cắm từ 100-200 cần câu. Năm nào nước ít người cắm đi bộ, nước cao thì bơi xuồng.

< Trước khi thả mồi chính vào bãi sình này, anh để một lớp mồi lót.

Khi ếch dính câu, người cắm gỡ ếch cho vào miệng túi rồi cho thêm mồi lót, móc lại mồi mới, cứ thế mà thu hoạch cho tới khuya lơ khuya lắc mới mang “chiến lợi phẩm” ra các chợ đầu mối. Dulichgo

Bằng kinh nghiệm nhà nghề, đối với những con ếch do vùng vẫy nhiều bị lòi bao tử ra ngoài, anh Nhân nhanh tay nhét trở lại để ếch không bị phình bụng chết, bán sẽ mất giá.

< Ruột ốc được móc vào lưỡi câu.

Ông Hà Văn Hồng, ở xã Hòa An, một “sư phụ” về câu ếch, cho biết ếch vùng này xưa kia nhiều lắm, bây giờ giảm nhiều. Tuy nhiên, đối với người có kinh nghiệm và cần cù chịu khó, mỗi đêm cũng có thể kiếm vài ba ký, thu nhập vài trăm ngàn đồng mà không cần phải bỏ vốn đầu tư.

< Con ếch ăn mồi sẽ bị mắc câu.

Tại chợ đêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, suốt mùa nước nổi, đêm nào cũng có hàng mấy chục ghe xuồng mang tôm, cá, ếch, nhái, cua, ốc đến giao cho bạn hàng chở đi phân phối các nơi, tạo điều kiện cho hàng trăm người, đặc biệt là thanh niên nông dân có công ăn việc làm ổn định.

< Và một chú ếch đã dính câu rồi.

Được biết, giá ếch đồng (ếch thiên nhiên) hiện nay có giá từ 40.000-70.000 đồng/kg (tùy loại), cao hơn nhiều so với ếch nuôi, nên người đánh bắt rất yên tâm không sợ bị dội hàng, ép giá.

< Khi gỡ ếch khỏi lưỡi câu, anh Toàn dùng tay nhét bao tử ếch vào bụng vì nếu không ếch sẽ chết trước khi mang ra chợ bán.

Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều thanh niên nông thôn thất nghiệp, một số ly nông ra thành kiếm sống, số còn lại tìm một nghề ổn định thật không dễ gì.

Vì thế, có người đã tâm sự “Nghề câu ếch và nghề đâm chuột ban đêm tuy vô cùng vất vả, ai cũng phải thức đêm thức hôm, bất chấp muỗi mòng, rắn rít, nhưng bù lại đây là một nghề dễ kiếm tiền, giúp nhiều gia đình vượt qua được túng thiếu trong mùa nước nổi”.

Theo Báo Hậu Giang, ảnh NDH
Du lịch, GO!