(BQN) - Khi hỏi đến chuyện vào rừng khai thác dầu rái, Trung – người mà tôi quen biết qua một đồng nghiệp – nhún vai nói “ớn tới cổ”. Trung cho biết từ nhỏ đã quá cơ cực với những ngày nằm rừng khai thác dầu rái, nhưng cũng nhờ nghề này mà anh và những đứa trẻ cùng xóm mới có thêm “chút mắm muối”, sách vở để đến trường và đi học xa…

Theo chân thợ rừng

Phan Quang Trung (thôn Mậu Long 2, xã Quế Ninh, Nông Sơn) đợi chúng tôi đến nhà mới sửa soạn bộ đồ nghề đi rừng đã gắn bó với mình từ nhỏ. Đôi thùng gánh dày cộm lớp dầu rái sần sùi bám quanh, chiếc vá múc đen xỉn, cả những dụng cụ “nằm rừng” như võng, tấm che mưa… cũng cũ mèm vì lâu ngày không dùng tới.

Đồ đạc đã chuẩn bị xong nhưng Trung phải chờ thêm một “bạn rừng” nữa là Đào Hữu Sắc (người ở cùng thôn). Anh Sắc người thấp nhỏ nhưng lộ vẻ chắc chắn của một sơn tràng thứ thiệt, hiện anh vẫn gắn bó với nghề khai thác dầu rái và nay đã đến kỳ vào rừng. Chuyến đi của chúng tôi có vẻ rất tươm tất vì anh đã chuẩn bị thêm một số thực phẩm tươi sống để đãi khách. Anh Sắc nói: “Mấy anh em đi rừng không quen, tôi phải chuẩn bị chu đáo để tụi mình no đủ và không gặp phải rắc rối. Thằng Trung đã lâu quá rồi không vào rừng, chừ cũng như dân thành phố, không chịu cực khổ được nữa…”.

Thường mỗi đợt đi rừng của anh Sắc là 3 ngày. Khu rừng dầu rái của anh không xa nhưng “quy trình” khai thác là vậy, phải lội quanh cả khu rừng, đi đến từng cây “nhặt” từng vá dầu... nên phải nằm rừng vài ngày liền để đỡ tốn thời gian. Chúng tôi tỏ vẻ e ngại thì được anh trấn an rằng “mình thì ở lại mấy ngày, Trung sẽ đưa anh em ra khỏi rừng nếu cần, rừng rú bây giờ không còn nguy hiểm như xưa nữa…”. Vì vậy chúng tôi yên tâm theo sau bước chân với bờ vai nhấp nhô của anh, vượt qua những dốc đá, len lỏi xuyên qua bụi rậm.

Rừng về chiều hoang lạnh, chim muông kêu nghe như lạc lõng trên những tàn cây âm u. Trên đường đi, chúng tôi ngang qua một chiếc am nhỏ nằm hiu quạnh bên bờ suối reo. Trung kể, đó là chỗ hương khói cho một người cùng làng và là bà con của anh, người này bị tai nạn trong một chuyến đi rừng.

Chúng tôi lập lán trại bên bờ một con suối nhỏ. Trung cho biết chỗ tập kết quen thuộc này là trung tâm của khu rừng dầu rái khe Cầu. Anh kể, ngày xưa trong số các nhóm thợ rừng về đây, anh là người nhỏ tuổi nhất. Rừng hồi đó “bí hiểm” và đáng sợ hơn nhiều. Từ nhà vào đây phải đi bộ mất một buổi đường, qua nhiều suối sâu, dốc dài, đối diện với nhiều hiểm nguy. Anh theo cha mình cùng những tốp thợ rừng vào đây với mớ đồ lỉnh kỉnh trên vai.

Sau khi lập lán trại, công việc đầu tiên của anh là tìm củi nhóm lửa nấu nước và chuẩn bị thổi cơm cho một nhóm thợ rừng. Có lúc cả ngày Trung chỉ thui thủi trong lán trại một mình vì mọi người phải tản ra, đi đến những gốc dầu rái dọn dẹp, khai thác.

Khu rừng dầu rái của gia đình anh có khoảng 500 cây, từ nơi lập lán trại, phải xuyên rừng thêm vài giờ nữa mới đến được. Mỗi chuyến đi phải mất cả tuần, khi về lại nặng nhọc mang vác, cõng gùi dầu rái và dụng cụ. “Nhà đông anh em nhưng mình là con trai lớn, phải phụ cha vào rừng lấy dầu. Ngày xưa dầu có giá lắm. Việc khai thác dầu nặng nhọc nhưng là kế mưu sinh chính của làng mình. Nghề lấy dầu đã giúp nhiều gia đình ngày xưa ở vùng đất heo hút, cách trở này thoát khỏi cảnh đói cơm lạt muối…” – Trung nói.

Nghề cha truyền con nối

Việc đầu tiên của một thợ dầu trước khi khai thác là tìm những cây lồ ô khô, bó chặt tạo thành chiếc thẻ (đuốc) để hơ vào nơi gốc cây dầu đã được vạt sẵn. Anh Sắc loay hoay chỉ một hồi là có chiếc thẻ đỏ rực và đi đến những cây dầu gần nhất. Quanh đây, cây dầu rái rải rác trên những triền núi, chen giữa đám bụi rậm. Nhiều cây dầu có tuổi hơn 50 năm, vươn thẳng tắp soi bóng xuống suối, trên thân nhựa đang rỉ ra ở “vết thương” tươi màu gỗ. Anh Sắc cho biết, phải hơ vào bề mặt lớp vạt này để lớp dầu cũ tan chảy, cây sẽ lại tiết ra lớp dầu mới. Một cây dầu khai thác nhiều năm, vết chém ăn sâu vào nửa thân cây, rất dễ bị ngã đổ khi gặp bão lớn.

Gia đình anh Sắc hiện sở hữu khoảng 200 cây dầu rái nằm trên khoảng 4ha rừng, anh nói đó là rừng dầu của ông bà để lại, khai thác từ nhiều đời rồi. Việc sở hữu này rất mặc nhiên, được cộng đồng chấp nhận. “Chủ trương giao đất giao rừng triển khai ở nhiều nơi, nhưng với khu rừng dầu rái thì gặp khó khăn. Rừng ở đây đã có chủ theo quy ước riêng, khó phân chia lại. Chúng tôi rất có ý thức bảo vệ khu rừng của mình, không khai thác gỗ trái phép. Mùa này anh em thường nhắc nhở nhau cẩn thận với những chiếc thẻ để không gây ra hỏa hoạn…” – anh tâm sự.

< Công việc đầu tiên trong ngày là phải chọn những cành củi khô bó thành những cây đuốc chuẩn bị đi hơ các cội cây dầu rái.

“Thà mất 4 thùng dầu rái còn hơn mất cô gái xóm dừa”, câu nói dí dỏm này vẫn tồn tại ở nhiều vùng ven biển, không chỉ cho thấy sự “quyết tâm” của một chàng trai đang yêu mà còn xem dầu rái là sản vật có giá trị cao. Cách đây chừng hơn 10 năm, dầu rái là mặt hàng đắt đỏ ở nhiều vùng quê ven biển. Ngư dân không thể thiếu dầu rái để trét lên bề mặt nan tre, ván gỗ của tàu thuyền để chống thấm nước.

< Hơ lửa vào thân cây đã mở miệng để dầu chảy ra.

Những năm gần đây nhu cầu sử dụng dầu rái giảm bởi được thay thế bằng các chất liệu khác như sơn chống nước, vì vậy giá dầu cũng giảm dần. Anh Sắc cho biết, giá 1 thùng dầu rái (20kg) hiện khoảng 500 nghìn đồng, bằng với giá trước đây mặc dù đồng tiền bây giờ “nhỏ” hơn. Để khai thác được 20kg dầu, anh Sắc phải mất 3 ngày lội rừng, đi bằng hết 200 gốc dầu để múc từng vá nhỏ. Công việc rất vất vả nhưng anh nói đã quen rồi và đây là nghề của cha ông để lại mà con cháu cần phải kế thừa, ghi nhớ để không phụ công người đã nhọc nhằn trồng và giữ rừng.

< Những dòng nhựa đầu tiên được múc ra từ thân cây dầu rái.

Hiện xã Quế Ninh có khoảng 40 hộ dân làm nghề khai thác dầu rái. Ông Nguyễn Vân (thôn Mậu Long 2, xã Quế Ninh), người thu mua dầu rái duy nhất của địa phương hiện nay cho biết, cây dầu rái được khai thác quanh năm, chỉ trừ 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm vì lúc này cây dầu rụng và thay lá). Trước đây, vào mùa khai thác dầu, mỗi ngày ông thu mua vài chục thùng, thương lái đến tận nơi đưa đi tiêu thụ. Hiện nhu cầu dầu rái không cao, giá rẻ nên người dân cũng ít khai thác, ông phải gom dầu trong nhiều ngày để đưa đi tiêu thụ ở các cơ sở đóng sửa tàu thuyền tại Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành…

< Ông Vân đong thùng dầu của anh Sắc vừa mang ra khỏi rừng.

Ông Vân đang đong thùng dầu của anh Sắc vừa mang ra khỏi rừng với vẻ cẩn thận và cho biết mình cũng là dân khai thác dầu, những thăng trầm của nghề này đã thấu hiểu. Ông nói: “Rừng cho con người ta nhiều thứ, nhiều người giàu lên vì rừng nhưng ở đây từ đời ông bà mình đến nay ít có ai giàu vì nghề khai thác dầu rái. Tôi không sợ nghề này lụi tàn dù hiện nay không còn nhiều người gắn bó với cây dầu, bởi rừng dầu là cơ nghiệp của cha ông để lại…”. Anh Sắc đưa tay đón lấy những đồng tiền từ ông Vân, một mẩu dầu trắng đục dính chặt trên bàn tay sần sùi…

Theo một tài liệu, dầu rái có tên khoa học Dipterocarrpus-alatus Roxb. ex G.Don, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae). Dầu rái là cây gỗ lớn, cao 40 - 45m, thân thẳng tròn đầy, phân cành cao, vỏ lúc còn non dày, khi cây lớn vỏ mỏng màu xám vàng. Sản phẩm được sử dụng trong các công trình xây dựng, đóng đồ mộc, chế biến vecni, sơn, mực in, gắn kính. Lá, hoa, vỏ cây có thể tinh chế tanin và dược liệu.
Theo nhà bác học Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục, dưới thời các chúa Nguyễn, nghề lấy dầu rái ở Đàng Trong đã được Nhà nước phong kiến quản lý phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Theo Minh Đức (Báo Quảng Nam)
Du lịch, GO!