Du khách và người dân Nha Trang thường chọn khu quần thể bãi đá Hòn Chồng là nơi thư giãn. Ở đây có cà phê ngon, khung cảnh đẹp, nên thơ và đặc biệt là sự yên ả không dễ tìm thấy ở nơi nào khác tại Nha Trang.

< Hòn Chồng nhìn từ hướng Nam.

Hòn Chồng là một thắng cảnh tự nhiên ở thành phố Nha Trang, thuộc khóm Hòn Chồng, phường Vĩnh Phước. Khu vực này là một bãi đá được xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, ngoài ra còn có Hòn vợ ở gần đó và Hội quán vịnh Nha Trang có dạng nhà rường Huế được xây ở phía trên.

Đa phần người dân Nha Trang đều biết và đã từng một lần đặt chân đến quần thể bãi đá này, những tảng đá lớn nhỏ chồng lên nhau từ bao đời nay.

Những quán cà phê xung quanh khu vực Hòn Chồng ngày càng thu hút nhiều người đến đây hơn. Điều thú vị khi ngồi cà phê ở Hòn Chồng bất cứ thời điểm nào trong ngày là bạn có thể chiêm ngưỡng được bức tranh thiên nhiên vừa kỳ ảo, vừa nên thơ, thanh bình.

< Hòn Chồng nhìn từ Hội quán vịnh Nha Trang.

Nằm dưới chân đồi La San, di tích Hòn chồng gồm 2 cụm đá lớn. Điều rất kỳ lạ là trên cụm đá, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có vết lõm hình bàn tay rất lớn.

< Dấu vết 'bàn tay' trên Hòn Chồng.

Tục truyền rằng, thuở xưa ông khổng lồ ngồi câu cá nơi đây, có một con cá cũng khổng lồ cắn câu lôi đi, ông phải kéo lại, tay cầm cần câu, tay tì vào tảng đá lấy đà khiến bàn tay ấn vào đá và để lại dấu như đã thấy.

< Đá Hòn Chồng ngàn năm không xoay chuyển.

Theo một truyền thuyết khác, xưa có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, gặp bầy tiên nữ đang tắm, ông dừng lại say sưa ngắm và vô tình trượt chân ngã, ông vội bám tay vào núi khiến sườn núi sụp đổ, đá văng xuống để lại vết tay ông hằn trên đá. Dấu chân trượt ngã đủ năm ngón cũng để lại dấu tích ở khu vực Suối Tiên.

< Một trong vài cổng đá.

Bàn tay tạo hóa sắp đặt vô tình mà hữu ý, có những tảng đá dựng thành cổng đá, từ đó khách chui qua đi đến những cụm đá khác.

< Hòn Chồng nhìn từ hướng Bắc.

Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển - được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng - đó là Hòn Vợ, cụm đá này ít được du khách để ý hơn.

< Từ Hòn Chồng nhìn vào dãy núi Cô Tiên.

Đứng trên Hòn Chồng nhìn ra xa là Hòn Yến, quay về bên phải là Cảng Cầu Đá, Hòn Tre và bờ biển Nha Trang dài tới 6 km. Khuất bên mũi đồi Lasan, nhô ra biển là cửa sông Nha Trang, bến cá Cù Lao.

< Nhìn ra Hòn Đỏ.

Nhìn từ phía Hòn Chồng phía bên kia là núi Cô Tiên. Từ vị trí bên Hòn Chồng sẽ nhìn rất rõ Hòn Đỏ (nơi đặt ngôi chùa) ở phía xa.
Ngày xưa, đường xuống Hòn Chồng khá khó đi thì giờ đây rất thuận lợi. Những bậc cấp xi măng đưa khách xuống đến tận nơi.

< Khách hóng gió biển trên Hòn Chồng, xa xa là đảo Hòn Rùa.

Trên đường đi xuống Hòn Chồng, du khách có thể ghé qua Hội quán Vịnh Nha Trang, nơi trưng bày nhiều tranh ảnh về Hòn Chồng và các thắng cảnh ở Nha Trang. Hội quán được thiết kế theo kiểu nhà rường Huế. Đây cũng là nơi diễn ra những buổi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

< Thiếu nữ vui đùa bên bãi đá.

Hòn chồng là nơi được các bạn trẻ chọn chụp ảnh vì dễ đi lại, có thể vui chơi an toàn. Ngày nghỉ, bạn có thể đến các quán cà phê và nhìn xuống khu vực Hòn Chồng. Có hai quán cà phê khá thú vị.

Nếu bạn chọn quán dưới chân dốc, buổi chiều khi thủy triều xuống, bạn có thể xuống biển dạo bước và tha hồ chụp ảnh. Nếu bạn chọn quán trên đồi bạn sẽ nhìn được không gian bao quát của Hòn Chồng và có thể chụp được nhiều kiểu ảnh đẹp.

Từ Hòn Chồng nhìn về hướng thành phố, có thể thấy cụm di tích Hòn Đỏ, đây cũng là một thắng cảnh trong di tích Hòn Chồng. Để qua Hòn Đỏ phải đi ghe. Từ đây có thể nhìn thấy Vịnh Nha Trang bao la và gần gũi. Một khung cảnh thanh bình và môi trường trong lành tuyệt đối.

Tổng hợp từ báo Phụ Nữ và nhiều nguồn khác
Du lịch, GO!