(LĐXH) - Nằm ở độ cao 1.931m so với mực nước biển, đèo Phia Oắc nằm vắt vẻo qua 3 xã thuộc Huyện Nguyên Bình, Tỉnh Cao Bằng. Nhìn từ trên đỉnh núi, mỏ thiếc Tĩnh Túc như một chiếc lòng chảo nhỏ, xung quanh là bột thiếc trắng xóa ra cả một vùng núi rừng bao phủ, làm mê hoặc bất kỳ ai đã từng đặt chân đến nơi này.

Vùng đất tiếp giáp giữa Cao Bằng – Bắc Kạn theo hình cánh cung từ Huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) theo hướng bắc chạy dọc qua Pắc Nậm – Ba Bể xuôi xuống phía nam thuộc huyện Ngân sơn thuộc tỉnh Bắc Kạn là 1 trong 3 dãy núi hình cánh cung (còn được gọi là cánh cung Ngân Sơn) đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc.

Để đến được với Phia Oắc, từ thị trấn Bảo Lâm xuôi theo quốc lộ 34, cách Thị xã Cao Bằng chừng 45 ki lô mét là đến trung tâm thị trấn Tĩnh Túc, băng qua những con đường ngoằn ngèo với nhiều khúc cua tay áo đầy hiểm trở.

Qua cả những đoạn đường gồ ghề đang được tu sửa lại do hàng đoàn xe trọng tải lớn từ mỏ thiếc Tĩnh Túc chạy qua là bạn đã đến được đèo Phia Oắc.

Con đường dốc đứng nhưng mặt đường nhẵn nhụi, phẳng lỳ kéo dài hơn chục  ki lô mét từ chân Phia Đén lên đỉnh đèo Phia Oắc, điểm cao nhất của “Cánh cung Ngân Sơn” đã làm chao đảo mọi ánh nhìn của bất kỳ ai từng đặt chân đến. Hai bên đường, ôm trọn lấy đỉnh đèo là hàng thông xanh mơm mởn được Hạt Kiểm lâm Phia Đén trồng và chăm sóc cách đây nhiều năm tạo nên một khoảng không gian yên ả, thanh bình. Trên mặt đèo là những thảm cỏ xanh với nét đặc trưng của một khu rừng đặc dụng, nhìn xa xa xuống thị trấn tĩnh túc như một chiếc chảo thu nhỏ phủ đầy màu trắng của thiếc và màu xanh đỏ của những khoanh ruộng bậc thang.

Từng nếp nhà của người Tày, người Nùng ấn hiện bên kia thung lũng thấy rất gần, mà cũng thật xa, như thể với tay thôi là có thể chạm ngay được vào vậy. Ấy thế, mà để đi được xuống dưới bên kia thung lũng lại phải là một sự nỗ lực khôn cùng. Khi nhiệt độ ở cột cờ Lũng Cú là  -2 độ, thì ở đây, đã xuất hiện băng tuyết.

Nhiệt độ ở đỉnh đèo Phia Oắc luôn là thấp nhất so với những đỉnh núi cao miền Tây Bắc này. Nơi đỉnh cánh cung tiếp giáp về phía  đông đã hứng trọn toàn bộ không khí lạnh khi gió mùa về, chính vì thế, nơi đây cũng được coi là lạnh nhất của tỉnh Cao Bằng. Lạnh sơn cả Mẫu Sơn, Sa Pa.

Đèo Phia Oắc, mang trong mình một vẻ đẹp hoang sơ như vẻ đẹp của  nàng thiếu nữ miền Sơn cước. Dung dị và mộc mạc, cũng núi, cũng đồi nhưng ít có ở nơi nào ở miền này lại có những thảm cỏ xanh, mát và mịn đến như vậy. Có lẽ cũng bởi nơi này là vùng núi đá vôi có nhiều thảm thực vật phong phú nên đôi khi, có liên tưởng như đang ở Đà Lạt, Lâm Đồng chứ không còn là miền rừng Tây Bắc nữa. Có lẽ, vì cảnh sắc mơ màng, huyền ảo nơi đây mà từ những năm đầu thế kỷ 19, khi người Pháp sang khai phá vùng Tây Bắc, họ đã chọn Phia Oắc làm khu nghỉ dưỡng cho sỹ quan và những kỹ sư khai thác mỏ thiếc Tĩnh Túc đóng ở gần đó.

Ngôi biệt thự từ thời Pháp đến nay vẫn còn tại đây như một minh chứng lịch sử hùng hồn về sự có mặt của người Pháp ở mảnh đất thâm sơn cùng cốc này.  Bên cạnh đó, đèo Phia Oắc cũng là một con đèo có cái tên rất đặc biệt – Đèo Colia. Sở dĩ, có cái tên này bởi nó gắn với một câu chuyện mang tính liêu trai gắn với những kỹ sư người Pháp. Cô kỹ sư Colia là người đầu tiên lên Phia Oắc để “mở đường”, những con đường vòng vèo uốn lượn ôm trọn đỉnh Phia Oắc ngày nay cũng chính do người Pháp thiết kế. Trong một lần lên đèo vẽ bản thiết kế, cô đã bị “chúa sơn lâm” bắt làm món khai vị. Để tưởng nhớ đến cô, người Pháp đặt luôn tên cô làm tên con đèo này. Chính vì thế mà Phia Oắc hay Colia cũng chỉ là một mà thôi.

Đêm, dựng lều trên những thảm cỏ mềm như nhung và mặt đồi bằng phẳng như miền duyên hải. Khi nhiệt độ đã xuống dưới 10 độ, uống từng ngụm rượu ngô, đốt từng khoanh củi nhỏ bập bùng để sưới ấm. Lắng nghe sự tĩnh mịch của thiên nhiên, nghe hơi thở của những hàng thông reo và cảm nhận mùi của đất… sẽ là một cái giá quá mãn nguyện khi bạn phải vượt qua những cung đường gian ải để đến được nơi đây. Chỉ ở đây, bạn mới có thể lắng nghe và cảm nhận được rất rõ hơi thở của chính mình, cỏ cây và muôn vàn những vì tinh tú. Để lắng nghe và trải nghiệm sự duyên dáng của thiên nhiên…

Theo Vân Lam (Tạp chí Lao Động - Xã Hội)
Du lịch, GO!