Từ khi trên mạng xã hội xuất hiện tấm ảnh một thanh niên mặc áo đỏ in hình sao vàng, thả lỏng cơ thể trên mặt nước trong xanh, biêng biếc, kèm theo chú thích “tự do với biển đảo”, ngay lập tức giới trẻ thích xê dịch khám phá những điểm đến hoang sơ bỗng phát sốt theo phong trào “buông thả” cùng biển đảo.

Mặc kệ nắng nóng “như thiêu, như đốt”, mặc kệ các cấp chính quyền đã ban hành văn bản chỉ đạo hạn chế khách lưu trú tại Bình Ba và người ta cũng chẳng cần quan tâm ở đây thậm chí không có nhà vệ sinh công cộng: mùa hè này, dòng người khắp trong Nam, ngoài Bắc vẫn tấp nập đổ bộ lên hòn đảo nổi tiếng xanh tươi, xinh đẹp trước vịnh Cam Ranh.

Lại phong trào!

Theo thông tin trên website Thethaovanhoa.vn, tấm ảnh gây ấn tượng và có tác dụng khơi nguồn phong trào du lịch “buông thả” do một người tên là Nguyễn Mạnh Tuấn chụp tại bãi tắm Hòn Ông, vịnh Văn Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Thực ra, rất nhiều người thích chụp ảnh phô diễn cơ thể khi đang thả lỏng trên mặt biển, nhưng có lẽ khoảnh khắc ngẫu hứng của Tuấn được tung ra đúng lúc cả nước đang tập trung cổ vũ tình yêu biển đảo, vì thế nó ngẫu nhiên trở thành một thông điệp lành mạnh. Và, ngay lập tức, các trang thông tin điện tử về du lịch đã khai thác hình ảnh này nhằm mục đích quảng cáo sản phẩm lữ hành.

Vào Google, nhập cụm từ “du lịch Bình Ba”, trong vòng chưa đầy nửa giây, có ngay 24.700.000 kết quả tìm kiếm. Theo nhận định của các công ty du lịch tại TPHCM, 2 tháng gần đây, số lượng khách đăng ký tour đến đảo Bình Ba (Khánh Hòa) tăng đột biến. Hiện khách đông đến nỗi, phải hẹn lịch trước hơn 1 tháng mới thu xếp đủ chỗ ăn, nghỉ trong nhà dân vào dịp cuối tuần.

Anh Vĩnh Hoàng - hướng dẫn viên Công ty phong cách Việt travel - giải thích: “Vài năm trước, Cty Phong cách Việt travel đã chính thức bán tour này, nhưng chỉ đến dịp nghỉ lễ, tết hay cuối tuần mới có người đăng ký. Vậy mà 2 tháng gần đây bỗng xuất hiện “cơn sốt” đến Bình Ba. Giá tour 1.250.000 đồng/người, bao gồm vé xe khách từ TPHCM đến Cam Ranh và tàu sang đảo (khứ hồi), kể cả chi phí ăn, ở, tham quan cho 3 ngày 2 đêm. Bình quân mỗi tháng, Cty Phong cách Việt travel đón khoảng 3.000 lượt khách ra đảo, riêng dịp cuối tuần, số lượng khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh miền Nam đến Bình Ba tăng gấp 10 lần so với ngày thường”.

Đảo Bình Ba không chỉ đẹp như “bồng lai, tiên cảnh” mà còn nổi tiếng là đảo tôm hùm. Tất thảy hãng lữ hành đều dùng những lời có “cánh” giới thiệu bãi Nồm, bãi Chướng, bãi Nhà Cũ, bãi Bồ Đề, hòn Rùa, hòn Me... là những điểm đến hoang sơ, tuyệt mỹ, không thể bỏ qua. Tâm lý đám đông lan tỏa nhanh và có sức ảnh hưởng dây chuyền rất mạnh mẽ, không chỉ giới trẻ mà rất nhiều người lớn tuổi cũng háo hức đặt tour cho cả đại gia đình đến Bình Ba “buông thả”.

Vâng, người viết bài này đã chứng kiến đoàn người nườm nượp đổ về cầu cảng từ lúc sáng sớm đến chiều tối. Hầu hết du khách đi ôtô từ TPHCM, hoặc Bình Dương đến Cam Ranh. Xe dừng trước cảng Đá Bạc, đợi “tour guide” địa phương đến đón, tùy theo giá trị hợp đồng, nếu di chuyển bằng ca nô thì 100.000 đồng/người, sau 15 phút có mặt ở Bình Ba, khách đi tàu vận tải chuyên dụng thì 40.000 đồng/lượt, nhưng chấp nhận theo tàu cá, hoặc ngồi chung với hàng hóa thì chỉ 30.000 đồng/lượt và hành trình trên biển kéo dài 80 phút.

Tự phát và…

Quả thật, vừa đặt chân đến cảng Đá Bạc, nhiều người vội bịt mũi, che tai trước không gian bừa bộn, hỗn tạp. Cá tươi, nước ngọt, rau xanh... chất chồng cạnh ximăng, sắt, thép... Mùi khói, xăng dầu, cá, muối... lẫn tiếng động cơ máy nổ ầm ào. Dễ hiểu thôi, bao đời nay, Đá Bạc vốn dĩ là bến đậu của tàu cá, tàu chở khách và hàng hóa. Du lịch Bình Ba là phong trào... tự phát, ngư dân làng đảo cũng theo đó tự phát làm dịch vụ du lịch; chẳng biết đến bao giờ TP.Cam Ranh mới có cảng dành riêng cho du khách.

Chúng tôi lên ca nô ra đảo. Người dẫn đường yêu cầu khách mặc áo phao. Hà Gió Biển - chủ ca nô có tên rất ấn tượng - nói: “Vốn xuất thân từ biển, sống bằng nghề nuôi tôm hùm, năm nay, tôm mắc dịch sữa, đang lúc thất thu, có người gợi ý chuyển sang làm du lịch. Khách ra đảo tăng từng ngày mà tuyến cố định chỉ có 4 chuyến, mình vay tiền sắm ca nô, mỗi ngày chạy 2 chuyến, mỗi chuyến chở 20 người, trừ chi phí còn lại khoảng 600.000 đồng”. Đến Bình Ba cách đây gần 10 năm, bây giờ trở lại, tôi có cảm giác làng đã biến thành phố.

Nhà mới xây san sát, có cả khách sạn 4-5 tầng, tạo thành “mặt tiền” kiên cố. Khu đất rộng sát chân cầu cảng vốn thuộc quyền quản lý của đồn biên phòng, hiện đã “bêtông hóa”, phân lô thành 14 kiốt để... cho thuê, chính giữa là mảnh sân vừa đủ chỗ làm bến xe điện. Khách đi tour thì có người hướng dẫn đón tại bến, nhóm đi lẻ và cánh “phượt” tung tẩy vác máy ảnh, thuê xe điện (350.000 đồng/giờ) hoặc xe máy (100.000 đồng/ngày), chạy thẳng ra bãi tắm, “tự do” bơi lặn rồi xúm xít “đạo diễn” chụp ảnh “buông thả” trên mặt biển.

Tôi nhất định tìm cách “phục kích” để xem các bạn trẻ “buông thả”. Túy Ba - đến từ TPHCM, tự nhận vừa bước qua “tuổi teen” nhún vai, giải thích: “Buông thả” không có nghĩa là lối sống buông thả, mà đơn giản là buông tay và thả lỏng cho cơ thể ở trạng thái “tự do” nhất!”. Lại thêm một kiểu... tự phát. Theo cách nói của Túy Ba, “buông thả” hay “free arm” và F.A là cách chơi chữ của những người thích phượt. Tôi tin rằng chụp ảnh là một trong những lý do thu hút giới trẻ đến Bình Ba.

Giữa trưa tròn bóng, bãi tắm nào cũng đông người, không thể đếm được có bao nhiêu nam thanh, nữ tú phơi mình dưới nắng hè, say sưa tạo dáng trước ống kính. Bãi Nồm là bãi tắm đẹp và an toàn nhất, nên lúc nào cũng tấp nập. Bãi Chướng rất lạ song nhiều gềnh đá và gió mạnh nên khách chỉ ghé qua cho biết. Bãi Nhà Cũ, bãi Bồ Đề là “trung tâm ăn nhậu”, những đêm có trăng, khách lên bè ăn uống, ca hát... từ “đầu hôm đến sáng mai”.

… thả nổi!

Khách tăng nóng, các hãng lữ hành hốt bạc rồi hợp đồng miệng, chuyển trách nhiệm làm dịch vụ du lịch cho dân đảo tự lo. Chị Tuyên - một đầu mối chuyên làm “B phẩy” các công ty lữ hành - cho hay: “Thường thì, chủ nhà nhận khách lưu trú được thanh toán 70.000 đồng/người/ngày đêm, nếu ai có khả năng nấu ăn phục vụ khách đoàn thì mức tối đa cũng chỉ 70.000 đồng/suất - bao gồm toàn bộ tiền điện, nước, công lao động, lương thực, thực phẩm và khấu hao tài sản”.

Cụ Tám (76 tuổi), gắn bó với Bình Ba từ hồi “cha sinh, mẹ đẻ”, nhận xét: “Khách du lịch như cơn lốc làm thay đổi nếp nghĩ nếp làm của bà con ngư dân. Đời sống sinh hoạt của dân đảo vốn lặng lẽ, đơn giản. 100% gia đình sống bằng nghề biển, nếu không ra khơi đánh bắt hải sản thì nuôi tôm hùm, nuôi cá mú và trồng rong sụn. Bây giờ, nhà nhà, người người đua nhau làm du lịch. Ai có vốn thì cơi nới nhà cũ, xây dựng nhà mới để đón khách lưu trú, nếu biết tính toán thì mở hàng quán bán thức ăn, nước uống và hải sản tươi sống, một số người có trình độ “dốc tâm” ra đường làm hướng dẫn viên hoặc sắm ca nô, xe điện... đón đưa khách. Cá biệt có vài người đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng khách sạn cao tầng sát bờ biển. Dân đảo rất thật thà, hiền lành, nhưng mới chập chững vào nghề nên thường bị khách chê trách”.

Gia đình chị Huỳnh Thu Cúc - khách du lịch đến từ phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TPHCM) - bức xúc: “Đoàn chúng tôi gồm 10 người, Cty Phong cách Việt travel bố trí cho ở chung 1 phòng trong nhà dân, buổi tối ngủ sắp lớp dưới đất như cá, đó là chưa kể những bất tiện do chỉ có 1 nhà vệ sinh. Cuối tuần, khách đông, nhà dân quá tải không đủ chỗ lo các bữa ăn trong chương trình, hướng dẫn viên dẫn khách đến quán cơm ven đường, đầy ruồi nhặng, rất mất vệ sinh...”.

Chị Cúc phân trần tiếp: “Bình Ba được giới thiệu là đảo tôm hùm, mọi người mong đến nơi để thưởng thức, nhưng rất ít người dám ăn, bởi vì những 2 triệu đồng/ký, đắt hơn cả TPHCM. Tắm biển thoải mái thật, song thuê ghế bố và tắm nước ngọt thì giá “cắt cổ” 15.000 - 20.000 đồng/lượt. Nhà vệ sinh công cộng không có. Gần bãi tắm, mấy chủ quán che nhà vệ sinh tạm bợ, để “chặt chém” 5.000-10.000 đồng/lượt, vì thế khách cứ việc tìm chỗ vắng... vãi bừa”.

Một ngày phượt Bình Ba, nhìn rác ngập lối đi, vỏ lon bia vứt bừa bãi, bao nylon trôi dập dềnh..., dự cảm trong tôi rất rõ ràng, rằng sự hấp dẫn nhanh biến mất, nếu cả chủ và khách mãi “hồn nhiên” ăn xổi tài nguyên. Vẫn biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chủ trương hạn chế khách đến Bình Ba, nhưng du lịch tự phát như cơn lốc để lại rất nhiều hệ lụy. Quả đáng lo và đáng trách bởi, quy hoạch phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2020 không đề cập đến du lịch cộng đồng. Phải chăng, vì thế ngành du lịch địa phương không có trách nhiệm khảo sát điểm đến Bình Ba hoặc chí ít là định hướng tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân những khái niệm cơ bản về du lịch?

Theo Bảo Chân (Lao Động)
Du lịch, GO!

Bình Ba, một chốn thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp với người dân vô cùng chân chất thuở thuở xưa chả còn đâu. Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi rồi khi dân phượt chúng ta khám phá rồi tung lên mạng. Ấy vậy, nếu ích kỹ giữ khư khư không sẻ chia cho nhiều người biết đến thì ta cũng chả phải kẻ phượt, đúng không bạn?
Thôi thì, chốn hoang sơ trên cả nước còn hàng khối, ta lại đi tìm chốn mới cũng không quá khó đâu. Mở bản đồ ra rồi định hướng nào...