Trên tuyến đường từ TP.Hồ Chí Minh đi Đà Lạt, nếu vượt đèo Chuối, qua tiếp khu du lịch Madagui, băng cầu Đại Quay (thuộc huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), bạn sẽ thấy một lối rẽ ngang (phía phải) đi về hướng suối Tiên.

Suối được nhiều người biết đến vì suối nằm ngay ven quốc lộ 20 đoạn ngay trước khu lên đèo Bảo Lộc, ai đi ngang qua cũng đều nhìn thấy nó. Vậy nhưng ít ai biết được tên của dòng suối này. Ngoài ra, khách du lịch chỉ thường ghé suối Tiên thường chỉ trong trong mươi phút như một trạm nghỉ chân trên đường Sài Gòn – Đà Lạt. Trong thực tế, nếu bạn có dịp ở lại chơi suối Tiên ít nhất là một ngày và đi sâu vào trong thì mới thưởng thức được trọn vẹn cảnh đẹp của dòng suối này.

Cảnh suối Tiên ở khu du lịch đã đẹp, càng đi vào sâu cảnh càng đẹp hơn. Truyền thuyết kể rằng: ngày xưa các tiên nữ ở thượng giới thường xuống tắm mát ở suối này vì thế nên suối có tên là suối Tiên. Thuở ấy, thương quá trần gian gần gũi, người và tiên thường gặp nhau bên dòng suối, kết bạn với nhau và yêu nhau.

Bây giờ, chỉ còn là dòng suối cô đơn ở lại. Ánh nắng chiếu trên mặt suối lấp lánh gợi cho chúng ta nhớ tới hình ảnh của những cô tiên nữ đẹp tuyệt trần và lời thơ Huy Cận:

“Từ thuở tiên về sầu chẳng nhỏ
Trần gian thôi nhớ chuyện trên trời”

Đứng trên triền dốc cao nhìn xuống, có thể thấy dòng suối hùng vĩ với từng đoạn nước xoáy, đổ qua những ghềnh đá lô xô, đan xen với những vùng nước êm trong phẳng lặng. Đây chính là cung đường thú vị để chèo bè tre vượt ghềnh.

Sau khi liên hệ trước vài ngày để nhờ người dân địa phương chặt tre kết bè, đưa sẵn đến điểm tập kết, bạn sẽ phải vượt rừng để đến bờ suối. Khoảng rừng này có độ dốc 45° nên sẽ khá vất vả. Những cụm đá nằm rải rác, bám đầy rêu trơn trượt. Đường đi len lỏi giữa cây rừng hoang dại, những sợi dây leo to bện thừng, buông trên lối, có tuổi đời đã vài trăm năm. Xa xa, con suối cuộn rì rào thấp thoáng sau những bụi gai chằng chịt.

Để chuyến đi hiệu quả, ba lô của bạn nên là loại không thấm nước. Khách vượt ghềnh cũng nên mang dép xăng-đan, gắn dây đeo cổ cho máy ảnh, máy quay phim, cẩn thận bảo quản điện thoại di động và nhất thiết phải có áo phao, nón bảo hiểm. Mùa mưa là thời điểm lý tưởng để đi bè vì dòng nước không quá cạn.

Tại điểm khởi hành chuyến vượt ghềnh, đoạn suối mở ra với mặt nước êm đềm phẳng lặng, sóng lăn tăn in bóng những cây cổ thụ, một dải đá lấp lánh nắng ven bờ.

Khi chiếc bè được đẩy ra giữa dòng và thong thả trôi đi, đó là lúc bạn bắt đầu quen dần với cảm giác bồng bềnh, tròng trành. Cảnh vật đẹp tựa tranh thủy mặc với một bên là vách núi xanh rì cây phủ, rừng nguyên sinh thăm thẳm như vừa tắm gội sau mưa, phía bên này là rừng thưa hay những nương rẫy của đồng bào Châu Mạ. Nhưng thử thách vẫn đang ở phía trước, bắt đầu khi những mỏm đá nhấp nhô hiện ra trước mắt và hai người chèo bè thông báo bạn cần sẵn sàng để vượt ghềnh. Nắm chặt sợi dây dù buộc từ đầu đến cuối bè như một thứ “tay vịn” rất cơ động, bạn chỉ cần cố gắng ngồi cho vững và chiếc bè sẽ băng băng theo tốc độ của dòng nước xiết.

Nước rẽ mạnh hai bên, văng tung tóe lên người bạn, y như khi chơi trò lướt trên máng trượt ở công viên nước. Chiếc bè len lỏi qua những mỏm đá, gờ đá, khe đá nhấp nhô. Trừ những người chèo bè đã thông thuộc địa hình ra thì không ai có thể biết những mạo hiểm thú vị gì đang chờ đón. Có khi, ghềnh đá nằm xen lẫn giữa những bụi cây rù rì - một loại cây thủy sinh thấp, có lá nhỏ li ti. Chiếc bè lướt đi phăng phăng, lúc uốn qua phải, khi lạng qua trái, “ôm cua” các vạt cây. Những cành lá xanh non chìa ra như bàn tay mềm vuốt nhanh qua mặt bạn.

Ở một khúc cua gấp, trước khi rẽ ngoặt tại một ngã ba, chiếc bè tròng trành rồi nghiêng hẳn. Nếu chưa bị ướt trong các chặng trước thì giờ đây rất có thể bạn sẽ tới lượt. Nước suối mát lạnh ập vào người bạn và cũng có thể thêm một cú va chạm với những gờ đá xanh rêu, hay nếu lòng suối không sâu, bạn có thể đụng tay tới đáy suối lào xào cát sỏi…

Người lái bè sẽ cùng bạn đưa bè trở về trạng thái cân bằng rất nhanh và kinh nghiệm sẽ đến rất nhanh với bạn. Cuối cùng, tiếp theo đoạn ghềnh nhấp nhô sẽ là một khoảng suối dịu êm, hiền hòa.

Sau khi đã vẫy vùng thỏa thuê cùng sóng nước, bạn có thể chọn một trong những bãi cuội thoai thoải ven bờ suối để tấp bè vô, dựng lều cắm trại. Nếu chuẩn bị trước cần câu và mồi câu, bạn có thể thử khả năng “sát cá” của mình. Cá ở đây thường là cá trê, cá lăng cỡ nhỏ. Không cần phải vào sâu trong rừng, bạn cũng có thể gom đủ những cành củi khô rơi rụng để nhóm lên một bếp lửa dã chiến và nướng cá. Giữa không gian bình yên, thơ mộng của mây nước, núi rừng, sau một hành trình mệt nhoài, ắt hẳn bạn sẽ thấy món cá nướng trui chấm muối ớt rất ngon lành.

Nếu vẫn còn thích trải nghiệm những cảm giác mạo hiểm ở mức độ cao hơn, thay vì cập bến để lên bờ ở chân cầu Đại Quay, bạn có thể đi tiếp xuôi theo dòng suối Tiên, chệch sang phía trái để về tới Madagui.

Chiều xuống, từ dưới suối nhìn lên, bóng chiếc cầu Đại Quay in trên nền trời như cao lớn hơn. Lối mòn thoai thoải dẫn lên đường cái, băng qua một xưởng cưa hăng hắc mùi gỗ thông mới xẻ. Núi rừng nhuốm dần trong màn sương bàng bạc. Giờ đây, trong lòng bạn đã ắp đầy những kỷ niệm khó quên sau chuyến hành trình vượt ghềnh đầy ấn tượng.

Suối Tiên giờ đây vẫn đẹp. Thiên nhiên, cảnh trí ở đây vẫn giữ được nét hoang dã, nguyên sơ. Rất có thể bạn sẽ gặp thú rừng trên đường lội suối, cũng có thể bạn sẽ gặp một hang động kỳ lạ, bí hiểm hay gặp một thứ hoa kỳ dị to như cái đĩa. Dòng nước ở đây không sủi bọt, mà trong như một tấm niệm pha lê trải trên những hòn sỏi đủ màu sắc. Có điều tẩm thảm pha lê ấy chuyển động và mơn man chân bạn. Buổi sáng, buổi chiều... dòng suối lại đẹp theo một kiểu khác nhau. Thú thật, chơi một ngày ở suối cũng chỉ là “Cỡi ngựa xem hoa”…

Tổng hợp từ Phụ Nữ CN, Thư Viện Lâm Đồng và nhiều nguồn khác.
Du lịch, GO!