Tháng 3, khi khắp vùng Đông Bắc nhòe mờ trong làn mưa ẩm thấp thì phía bên kia dãy Hoàng Liên nắng vàng đang trải khắp các thung lũng mời gọi những người ham đi và thích khám phá.

Từ Hà Nội lên Văn Chấn rồi từ đó dọc ngang qua các địa danh như Trạm Tấu, Phình Hồ, Tà Si Láng, Bản Mù rồi vượt con đèo quanh năm sương mù bao phủ mang tên Khau Phạ để tới Mù Cang Chải đầy nắng, tổng quãng đường chừng độ 300km. Tháng 3 khắp đất Tây Bắc đều đã nhuộm một màu trắng tinh khôi của hoa mai, hoa mận,  hoa ban, chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ thôi thúc những người thích khám phá, hành trang là chiếc ba lô cùng cái máy ảnh. Khắp thung lũng phủ đầy một màu vàng mê mải của những ruộng cải Mèo, còn óng ánh bởi những tấm gương trời khổng lồ nơi những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa đổ ải dưới cái nắng xuân dìu dịu.

Trên suốt dải đất Yên Bái, từ Văn Chấn rẽ đi Phình Hồ rồi Bản Mù đâu đâu cũng ngập tràn nắng xuân, ngập tràn sức sống của núi rừng với những cung đường đèo để thương để nhớ. Ẩn hiện trong đám cây rừng là những tán mai trắng đến mơ mộng làm mềm mại cho những nét phác thô ráp của núi rừng.

Rồi từ trung tâm huyện Mù Cang Chải, đi thêm quãng chừng 25 cây số, qua những con dốc ngoằn ngoèo bạn sẽ tới được Khao Mang, một điểm dừng chân lý thú của dân “phượt” bởi vẻ mộc mạc đơn sơ, chân chất thật thà như căn cốt của những người dân.


< Trung tâm xã Khao Mang (Mù Cang Chải).

Khao Mang là một xã thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, Việt Nam. Xã có diện tích 66,23 km² với 9 thôn, bản với 688 hộ chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống. Do địa hình đồi núi bị chia cắt nên việc đi lại, giao lưu, thông thương hàng hoá của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, vì thế việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cũng bị hạn chế. Kết quả sản xuất hàng năm còn thấp, chưa tận dụng được thế mạnh về đất đai, nhân lực thực tế của địa phương. Bởi vậy mà những năm  2007 - 2008, tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn chiếm tới 60%.

< Đồng bào Mông xã Khao Mang cấy lúa mùa.

Nhờ vận động nhân dân làm hệ thống dẫn nước tưới, nay cây rau màu đã có được vụ 3. Riêng những diện tích lúa nương trước kia chỉ dừng ở 50 ha và 178,2 ha diện tích lúa nước một vụ thì nay đã được cải tạo các hệ thống dẫn nước để nâng diện tích lúa nước 2 vụ lên trên 100 ha. Kế hoạch trồng và nhân rộng cây thảo quả được người dân đã đồng loạt hưởng ứng và làm theo.

Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên những cây thảo quả đã bắt đầu mọc xanh tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ hơn 1 ha trồng thử nghiệm năm 2004, đến nay diện tích thảo quả của xã đã tăng lên 32 ha.

Với giá bán 70 ngàn đồng/1kg thảo quả khô thì mỗi năm từ thảo quả mỗi hộ dân cũng có khoản thu 7 - 10 triệu đồng. Cây thảo quả đã giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2013, các tuyến đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi như: trạm y tế, trường học, điện lưới quốc gia cũng đã được xây dựng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của bà con, tạo điều kiện thuận lợi hội nhập giao lưu, trao đổi hàng hóa, góp phần giúp xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững.      

< Trên quốc lộ 32 đoạn xã Khao Mang.

Dọc quốc lộ 32, men theo dòng Nậm Kim về huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, dễ dàng nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang vắt ngang các sườn núi ở hai bên bờ thung lũng đang ở độ chín vàng, tạo nên bức tranh kỳ thú của vùng cao.

Những đường cong lúa mải miết nối tiếp nhau tới tận đỉnh trời, những chỏm núi quanh năm mây mù bao phủ phô bày vẻ đẹp hoang dại, hớp hồn lữ khách.

Ban ngày trời nắng ấm, nhưng ban đêm khí của núi tỏa ra cũng đủ làm ta rùng mình vì lạnh. Ấy cũng là lúc người khách phương xa được bà chủ nhà chỉ đường tìm ra suối nước nóng. Ngâm mình trong suối nước đang bốc khói nghi ngút trong cái lạnh về đêm của núi, dưới vòm trời ken đặc những chòm sao, cảm giác khi ấy thi vị vô cùng.

Đi giữa mùa xuân Tây Bắc, trong tiếng khèn Mông dìu dặt cất lên từ một hẻm núi nào đó lòng chúng tôi dâng đầy cảm xúc yêu thương, thán phục biết bao nhiêu thế hệ người Mông đã bám trụ trên vùng đất mù sương này cứ tiếp nối nhau biến núi thành ruộng, thành những tác phẩm tuyệt tác của tự nhiên.

Chia tay Khao Mang khi ánh chiều đã ngả trên những đồi thảo quả đang tím đỏ một màu no ấm. Xa xa tiếng trẻ nhỏ nô đùa sau buổi tan học hoà với tiếng cười tiếng nói của những thiếu nữ người Mông sau một ngày lao động trở về, chúng tôi thấy vui lây với người Mông ở Khao Mang khi nghĩ đến một vùng nông thôn miền núi còn nhiều khó khăn đang dần bừng sáng.

Du lịch, GO! tổng hợp