Một anh bạn gốc miền Tây Nam Bộ của tôi có lần 'phán' rằng ăn cơm tấm ở Sài Gòn 'thấy mà chán'. Anh nói: "Ăn cơm tấm ở Sài Gòn chán...

... Gọi là cơm tấm nhưng nhìn hạt cơm quá to giống như hạt gạo gãy đôi, gãy ba chứ không phải hạt tấm. Ở Sài Gòn cơm tấm có thể ngon nhờ thịt thà gia vị đậm đà nhưng có tìm khắp cả thành phố này cũng chẳng ở đâu ra cái hương vị cơm tấm ở quê mình”.

Nghe người từng trải nói thì biết vậy chứ thật ra không chỉ ở Sài Gòn mà ngay cả các tỉnh miền Tây ngày nay người ta cũng toàn bán cơm tấm loại hạt to. Rồi có một lần tình cờ tôi may mắn được thưởng thức món cơm tấm đúng chất miền Tây. Đó là lần tôi đi công tác ở An Giang.

Buổi tối, anh bạn "thổ địa" dẫn tôi đi làm vài ba chai bia cho “mát ruột” để ngủ ngon rồi đưa về khách sạn. Khi tạm biệt anh không quên rỉ tai: “Sáng mai đừng ăn sáng ở khách sạn. Tui sẽ tới dẫn ông đi ăn đặc sản xứ này”.

Đúng hẹn, anh tới chở tôi đến một quán nhỏ ở góc đường cũng nhỏ mà người dân địa phương gọi là Đèn Bốn Ngọn. Gọi là quán nghe cho sang chứ thật ra chỉ là một cái xe di động nho nhỏ với mấy cái bàn ghế cũ bày trên vỉa hè. “Vào đây. Ăn thử món này đi, ngon lắm”, anh bạn hớn hở thúc giục.

Bà chủ quán mang ra hai đĩa cơm trông rất lạ mắt. Đặc biệt là hạt cơm nấu xong chỉ to bằng đầu cây chân nhang. Có lẽ vì là món cơm tấm nhuyễn nên mọi thứ ăn kèm đều theo kiểu be bé, xinh xinh. Miếng thịt sườn cũng là loạt sườn mỏng cắt thành sợ nhỏ chứ không phải kiểu miếng sườn to bằng nửa cái đĩa.

Cọng bì cũng nhỏ nhỏ, ngắn ngắn chứ không dài cả gang tay như món bì ở các quán cơm tấm mà chúng ta từng biết. Còn có cả món trứng kho, nhưng chỉ có nửa cái và cắt làm bốn theo chiều dọc của quả trứng. Mấy cọng đồ chua cũng đúng gu nho nhỏ như thế.

Người ăn chỉ việc chan thêm một ít nước mắm tỏi ớt vào và trộn đều lại mà thưởng thức. “Ông có thấy cái cảm giác hạt cơm như giòn tan trong miệng? Vị thơm ngọt của những hạt cơm bé li ti cũng thật đặc biệt đúng không?”, anh bạn người địa phương vừa ăn vừa xuýt xoa.

Anh bảo: "Một tuần thì tôi đã ăn sáng với món này cũng phải tới 3 - 4 lần. Đây là món cơm tấm miền Tây chính hiệu đó nghen". Tôi nhẹ nhàng nếm thử cái món ăn khoái khẩu của anh và cũng lờ mờ cảm nhận được cái hương vị đặc biệt của nó.

Anh cũng không quên giới thiệu sơ lược về kỹ thuật đặc biệt để nấu món này. Vì nó nhuyễn như vậy nên không thể nấu theo cách thông thường mà người ta phải dùng cách xới cơm, dùng hơi nước để làm chín. Chính vì vậy mà cơm không bao giờ bị nhão, khê – thứ tối kị của món cơm tấm. Cơm chính nhờ hơi nước nên giữ nguyên được chất lượng thơm ngon của gạo.
Câu chuyện về món cơm tấm nhuyễn cứ thế kéo dài đến suốt buổi...

Theo Chí Nhân (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!