(TTO) - Tưởng gà chín cựa chỉ có trong truyền thuyết, là một trong những sính lễ của Sơn Tinh đem hỏi cưới Mỵ Nương, cùng với voi chín ngà, ngựa chín hồng mao. Nhưng tết này chúng tôi lại được ngắm những chú gà chín cựa đúng nghĩa ở trại gà của anh Vi Hải, một thầy giáo kiêm chủ trại gà ở Thanh Sơn, Phú Thọ.

Tiếng là nuôi gà chín cựa, nhưng trại gà tại gia đình anh Hải ở gần thị trấn Thanh Sơn, một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, chỉ còn vài con gà chín cựa, số còn lại đã theo người mua rời Thanh Sơn về Hà Nội làm… quà biếu hết từ trước tết. Theo anh Hải, giá bán một kg gà chín cựa ngay tại Thanh Sơn là 300.000đ/kg, còn nếu mua ở vườn quốc gia Xuân Sơn, cách Thanh Sơn 40 km, nơi nổi tiếng bởi đặc sản gà chín cựa, thì giá một kg gà chín cựa lên đến 400-500 ngàn đồng/kg, gấp 4-5 lần so với một kg gà ri ngon!

Ngắm chú gà trống chín cựa đang đi lại trong vườn nhà anh hải, chúng tôi cứ thầm nghĩ không biết điều gì khiến chú gà này lại “nổi” đến thế? Và không biết nó quả thật có tới “chín cựa” hay không? Theo anh Hải, anh đã bắt đầu nuôi giống gà chín cựa từ 2007.

Từ đó đến nay, ngoài lần đầu tiên ấp nở mẻ trứng mua từ Vườn quốc gia Xuân Sơn cho 100% gà giống chín cựa, những mẻ ấp sau này đều chỉ đạt 30-40% giống gà chín cựa, số còn lại là gà lai với giống thông thường.

Lật chân cặp gà 50 ngày tuổi, anh Hải giải thích thông thường gà có bốn chân, trông đó có một chân mọc tách riêng để giữ thăng bằng khi gà đứng và bước đi, thì giống gà chín cựa sẽ có thêm 2-3 chân bên cạnh chân giữ thăng bằng này.

Và với những chú gà trống, khi lớn lên chú có thêm một “cựa” cạnh đó nữa, như vậy tính cả cựa tổng số chú đã có đến tám “chân”. Cá biệt, có chú có đến bốn chân bên cạnh chân giữ thăng bằng, cộng với bốn chân như những chú gà bình thường và cựa gà trống. Đó chính là những chú gà chín cựa thật sự.

Ở Hà Nội, tết này gà chín cựa là một trong những loại sản vật quý hiếm được những người sành đặt mua làm quà biếu. Theo chị NguyễnThị Ngọc, một chủ quán ăn có nhận đặt giống gà chín cựa ở Thanh Sơn, Phú Thọ, so với gà ri thì miếng thịt gà chín cựa có phần giòn hơn, nhất là ở miếng da gà. Nhưng người ta quý là quý ở cái tiếng. “Tết mà trong nhà có gà chín cựa ăn tết thì quý nào bằng”- chị Ngọc tâm sự.

Tuy nhiên theo anh Hải, giá gà chín cựa cao một phần bởi nó đang là “mốt”, cùng với các loại chim lạ, thú lạ, món ăn lạ khác. Một phần nữa bởi đây là giống gà khá hiếm, không dễ nhân vì nếu nuôi ở các vùng khác, gà giống chín cựa dễ bị lai với các giống gà thường.

Theo Lan Anh (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Ngày Tết lên rừng ăn “Lễ vật của Sơn Tinh”