(AutocarVN) - Đam mê trong mỗi chúng tôi lại cháy lên bởi chính dáng vẻ, tiếng nổ, và cả hành trình kết nối của những “chú ong” (Vespa). Ba chú ong nhỏ đã chinh phục thành công cung đèo cao nhất và dài nhất của nước Việt.

Đuổi nắng Ô Quý Hồ

Sa Pa chào chúng tôi bằng phiên chợ buổi sáng chủ nhật rất riêng của miền Tây Bắc, phiên chợ được họp ngay trước khoảng sân nhà thờ đá. Từng đoàn người váy áo sặc sỡ, từng món hàng nhỏ được trao đổi, thật đúng như ai đó đã nói: Ở miền cao này, người ta đi chợ phần vì buôn bán thì nhỏ mà phần vì gặp gỡ trao đổi tâm tình thì nhiều.

Chúng tôi lên đường thẳng tiến Ô Quý Hồ. Là cung đèo thứ 2 trong tứ đại đỉnh đèo, với chiều dài gần 50km nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, là cung đường cao nhất của Việt Nam với độ cao trên 2000m. Lúc đoàn chuẩn bị xuất phát, Sa Pa bắt đầu mù sương, từng đợt sương từ các khe núi thổi hắt về thị trấn bé nhỏ, trong chốc lát người đã không thấy mặt người. Cả không gian chìm trong làn sương mờ ảo tạo nên cảnh sắc thú vị.

Thác Bạc dần hiện ra trong sương, đoàn vẫn chậm rãi lên đèo, đoạn đường không quá dốc và chỉ cần dùng số 3 là đủ. Tuy thế màn sương vẫn bao phù dày đặc, ai cũng hi vọng khi qua cổng trời thì sẽ bớt để có thể ngắm trọn cả cung đèo phía dưới. Ai cũng mong nắng để nhìn thấy đỉnh Fansipan cao 3143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Có nhiều lúc, mong ước có thể trở thành sự thật, qua thêm vài khúc cua nữa, chúng tôi thấy những tia nắng đầu tiên ló ra sau dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Nhưng dường như mây và nắng đang đùa giỡn với nhau trên cả vùng đèo dốc này. Nắng được một chút mây mù lại sà đến làm âm u, nắng lại chiếu sáng hơn để đuổi mù đi, cứ vậy, “cuộc chiến” kéo dài cả ngày.

< Rất hiếm hoi để có thể ngắm cả cung đèo Ô Quy Hồ.

Vậy là công cuộc đuổi theo ánh nắng trên Ô Quý Hồ của đoàn bắt đầu. Bởi tôi hiểu rõ rằng, để ngắm được cả cung đèo tại điểm ngắm cách cổng trời chừng 500m thì phải thật nhanh và cần có chút may mắn nữa, nắng chỉ xua tan mây chừng 15 đến 20 phút rồi lại phải nhường chỗ. Vì thế mà đoàn phải cố gắng đến được đó đúng lúc nắng lên rực rỡ.

Từng khúc cua được chinh phục, từng đoạn đèo dần bị bỏ lại đằng sau. Ba chú ong nhỏ  tiến về phía trước một cách mạnh mẽ. So với cung đèo từ Lào Cai lên Sa Pa thì đèo Ô Quý Hồ có độ dốc cao và vào cua gắt hơn, đoàn đã phải dùng đến cả số 2 để leo trong khi đêm qua chỉ dùng số 3 cho cả chặng đường, thật xứng danh là một trong tứ đại đỉnh đèo.

< PX, Sprint, Super trước nhà thờ đá Sa Pa.

Chúng tôi đến cổng trời thì sương dần tan, từ đây có thể thấy được đỉnh Fansipan được bao phủ bởi một lớp mây trắng xóa tựa như bông. Cách đó 500m là điểm dừng chân, trời đang nắng dần, càng tiến lại gần thì mây mù càng tan ra, gió thổi mạnh từ khe núi phía dưới làm đám mù phải bay đi chỗ khác. Hiện lên trước mắt chúng tôi là cả cung đèo tuyệt đẹp phía dưới. Công cuộc đuổi nắng đã thành công.

Xuôi về xứ Mù

Chinh phục thành công đèo Ô Quý Hồ đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn tiếp tục hướng về xứ Mù Cang Chải. Chúng tôi rẽ trái ở ngã ba Bình Lư theo quốc lộ 32 về Than Uyên rồi từ đó xuôi xuống Mù. Phần đèo bên phía Lai Châu đang được sửa chữa lại nên khá xấu, lại có dịp để những chú ong già cỗi được offroad. Giảm xóc trước dạng “nhún kéo đẩy” tỏ ra rất hiệu quả nhưng không thể bù lại cho bánh sau với giảm sóc đơn kiểu cũ, chỉ cần qua ổ gà nhỏ mà tốc độ không được điều chỉnh đúng thì cả chiếc xe có thể nẩy tung lên. Cộng với việc đường kính bánh bé, diện tích bề mặt bánh lớn, cùng côn số ở tay làm cho chúng thực sự không phù hợp với địa hình này chút nào cả.

Sau chặng đường offroad đó, chúng tôi được bù lại bằng cung đường Bình Lư – Tân Uyên – Than Uyên – Mù Cang Chải. Mặt đường nhựa phẳng mịn, không quá nhiều đèo dốc, mật độ phương tiện giao thông thấp, tất thảy những điều đó là điều kiện lý tưởng để thong dong. Trời về chiều, nắng vàng nhuộm cả con đường, nhuộm cả những cánh đồng, ngọn núi vừa mới được vỡ đất chuẩn bị cho vụ mới. Chúng tôi đi giữa thênh thang nắng, gió mát rượu thổi táp cả vào mặt như luồn hết vào người để lôi hết mọi mệt nhọc ra ngoài. Không vội vã, thả từng tiếng “pạch pạch” rất giòn vào không gian, từng tiếng một rất chậm và đều nhau tạo nên bản hòa ca của một chú “siêu ong Super”, một “chàng hoàng tử PX” và một “vua nước rút Sprint”.

< Mù Cang Chải mùa đổ nước.

Mù Cang Chải mùa này đang đổ nước, từng thửa ruộng bậc thang đang được ngâm ải chuẩn bị cho mùa cấy mới. Nhiều người chỉ chú ý đến xứ này vì những thửa ruộng vàng óng ánh trĩu nặng bông lúa mỗi mùa gặt về mà quên đi rằng, mùa đổ nước cấy lúa cũng là mùa rất đẹp. Do việc canh tác dựa chủ yếu vào nước trời nên có nương chỉ làm được một vụ trong một năm, chỗ nào nhiều nước thì có thể làm hai vụ. Nhưng đa phần, ruộng ở đây chỉ là được một mà thôi. Từ tháng 1 đến khoảng tháng 3 là thời điểm chờ mưa để có nước ngâm ruộng, cứ khoảnh nào có nước là cày là bừa để cấy lúa luôn chứ không chờ cho đủ nước tràn hết rồi mới gieo. Vì thế mà khi bạn đi qua đây vào mùa tháng ba, bạn sẽ thấy có những nương mạ non xanh mởn xen kẽ cả nương đang còn ngâm nước. Bạn sẽ thấy từng dáng người đang khom mình cấy lúa, cấy màu xanh, cấy sự no ấm cho mảnh đất gian khó này.

< Nắng chiều vàng rực cả vùng xứ Mù.

Lũ trẻ bên đường vẫn vẫy tay chào mỗi lần đoàn đi qua. Những đứa bé hồn nhiên như cỏ cây, chúng có thể ngồi chơi cả ngày bên đường để nghịch đất, nghịch cát mà không khóc quấy đòi bố mẹ bế. Chẳng đủ quần áo mặc, cũng không đủ no ngày ba bữa mà sao chúng vẫn đẹp, nét đẹp thánh thiện. Mắt tròn to, má hây hây hồng, nụ cười tươi vô tư lự… dường như tất thảy mọi nét đẹp miền sơn cước này đã ẩn mình vào hết chúng rồi.

Để hôm nay, chúng tôi đi, đi khắp mọi miền đất nước, đi để có thể tự hào nói rằng: Tôi yêu nước Việt…
Xem thêm >

Theo Trần Giáp (Autocar Vietnam)
Du lịch, GO!