(Bacgiang) - Nếu ai đã từng một lần đến với Vân Xuyên, được nếm thử trám đen hẳn sẽ khó quên được hương vị độc đáo của thứ quả này.

Nói đến xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) hẳn nhiều người biết đến đây là cái nôi của quê hương Cách mạng- một trong những cứ điểm quan trọng của An toàn khu II. Và ở đây không thể không nhắc tới làng Đỏ nay là làng Vân Xuyên đã có nhiều đóng góp cho Cách mạng. Nhưng một điều có thể nhiều người chưa biết đó là nếu ai đã từng một lần đến với Vân Xuyên, được nếm thử trám đen hẳn sẽ khó quên được hương vị độc đáo của thứ quả này.

Thơm, bùi hương vị hấp dẫn khó quên là điều mà nhiều người đều cảm nhận khi được thưởng thức món trám đen. Trong các sản vật thiên nhiên ban tặng cho người làng Vân Xuyên, trám đen là một trong những đặc sản nổi tiếng. Trám đen là cây thân mộc, thuộc loại cây lưu niên có thể sống trên một trăm năm, ra hoa vào tháng Hai, chín quả vào tháng Bẩy, quả trám hình thoi, khi chín vỏ có màu đen bóng. Cùi trám màu vàng, hạt trám nhọn hai đầu, nhân trám trắng ngần.

Có người đã từng nói vị bùi ngọt của quả trám đen Vân Xuyên như vậy là vì bên những soi trám nơi đây đã từng có những con người lặng lẽ nuôi dưỡng nguồn lửa của miền quê cách mạng. Do sự hấp dẫn của trám đen Vân Xuyên nên không ít tư thương buôn trám đen nơi khác về trà trộn để bán kiếm lời. Nhưng chắc chắn một điều những quả trám này có vị chát thay vì thơm, bùi như trám Vân Xuyên”.

Theo nhiều người ở Vân Xuyên mà chúng tôi hỏi chuyện thì trám đen có nhiều cách chế biến song thông thường có hai cách chế biến trám: trám om và trám nấu. Trám om là cho trám vào nước ấm ngâm khoảng 15-20 phút thì chín, yêu cầu thành phẩm cùi có mầu vàng, vị bùi, béo ngậy. Trám om phải chấm với tương quê, nếu ăn kèm với thịt ba chỉ luộc thì đây là miếng ngon nhớ lâu.

Trám nấu là trám được om chín, cho thêm muối, đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn, đem đổ vào vại ngâm để ăn dần. Từ trám nấu có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, trong đó món gỏi trám và món nham đã trở thành đặc sản. Nguyên liệu chính để làm nham gồm có trám nấu bỏ hạt lấy cùi, thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ, thịt cá chép rán giòn. Những thứ này đem trộn với gia vị như lạc rang, quả núc nác nướng, rau thơm, khế chua, nêm mắm muối vừa đủ ta được món ăn dân dã, ngon miệng và nhớ lâu.

Có lẽ với hương vị đặc trưng như vậy nên trám đen không chỉ đi vào ẩm thực như là món ăn tao nhã, mà nhiều người đã dùng các tứ thơ để miêu tả. Nhà giáo Đoàn Thanh, người dân quê hương nơi đây đã dành cảm xúc gieo vần thành thơ mà theo nhiều người dân Vân Xuyên cho rằng nó đã phác họa được cận cảnh, mộc mạch của đặc sản trám đen: "...Hình dáng con thoi, da bóng đen/ Chóp đỏ, lòng vàng chính là em/Quân tử béo, bùi ai chẳng thích/ Mân mó hồi lâu vẫn thòm thèm...”

Với chúng tôi khi mới nghe những vần thơ này thấy có gì đó hơi gờn gợn tựa như nhiều tứ thơ của "Bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương nhưng sau khi được ngắm, sờ và cảm nhận vị ngon, ngọt bùi của của trám mới thấy hết ý tứ mà người con quê hương gửi gắm qua bài thơ này.

Giờ đây, những cây trám cổ thụ vẫn sừng sững trải quanh làng Vân Xuyên. Cả làng có khoảng 500 cây trám đen, trong đó hơn 350 cây cổ thụ tuổi đời trên 100 năm. Đến hẹn lại lên, mỗi vụ thu hoạch trám đen Vân Xuyên cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.
Xem thêm >

Theo Ngọc Hân (báo Bắc Giang)
Du lịch, GO!