(Laocai) - Nghe lời mời khá hấp dẫn về một thôn điển hình nhất của tỉnh có khu rừng tái sinh được bảo vệ từ sức dân, đã làm chúng tôi háo hức lên đường. Nằm cách thành phố Lào Cai không xa, xuôi theo Quốc lộ 70 chừng 20 km, chúng tôi có mặt tại thôn Bản Lọt, xã Bản Cầm (Bảo Thắng) trong một sớm mùa thu.

Đứng trên đồi cao, phóng tầm mắt ra xa, trải ngút ngát là một màu xanh thẳm của rừng. Toàn bộ diện tích 246 ha rừng ở đây đều xanh tốt, cây rừng chen chúc nhau, mặc dù không được quy củ như rừng trồng, song rừng ở Bản Lọt chẳng còn chỗ đất trống nào, trừ một số diện tích không đáng kể ở những mé đồi thấp người dân canh tác xen cây chè, dứa, sắn...

31 năm rừng được bảo vệ nhờ sức dân

Ông Đặng Văn Quang, Trưởng thôn Bản Lọt, người đã có thâm niên hơn 10 năm làm nghề “vác tù và hàng tổng” cũng là người luôn đau đáu về sự hồi sinh của những cánh rừng đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Chỉ tay về cánh rừng phía trước mặt ông cho biết: Trước đây, những quả đồi này không có một bóng cây, do năm đó người dân đốt nương đã làm thiêu rụi những cánh rừng tre nứa ở đây...

Năm 1982, toàn thôn có 43 hộ đói, nghèo, rừng không có, nên nguồn nước sinh hoạt và sản xuất cũng thiếu hụt, khiến cho cuộc sống của đồng bào Dao tuyển nơi đây đã khó khăn, lại càng khó khăn hơn. Bởi vậy, người dân Bản Lọt thấu hiểu việc giữ rừng quan trọng thế nào đối với đời sống của họ. Cho nên, khi những cánh rừng bắt đầu hồi sinh, người dân trong thôn đã ý thức bảo nhau và cùng cam kết bảo vệ rừng. Rồi, cùng với sự “trợ sức” của các dự án 327, dự án 661, dự án rừng phòng hộ…những cánh rừng ở Bản Lọt xanh trở lại và được người dân bảo vệ nghiêm ngặt.

Đến nay, đã qua 31 năm, rừng vẫn ngày càng xanh tốt và trù phú hơn. Bởi người Dao ở Bản Lọt gìn giữ rừng một cách thiêng liêng như báu vật, khó bề đánh mất... Lạ thường bởi cái tên Bản Lọt, theo tiếng Dao tuyển có nghĩa là “nước chảy ngược chiều”. Lạ vì vùng đất này có con suối Tòng Già chảy từ đoạn Km 21 (Quốc lộ 70) ngược lên, trái với quy luật của những con suối đổ ra sông, những con sông chảy ra biển lớn theo một hướng nhất định (Tây Bắc - Đông Nam) mà lại chảy ngược về hướng Bắc. Cái tên Bản Lọt cũng bắt nguồn từ chính sự khác thường đó.

Trưởng thôn Đặng Văn Quang cho biết: Nhà nào làm nhà hoặc cần một vài cây gỗ để sửa sang lại nhà, bếp thì báo cáo với thôn và tổ tự quản. Thôn và tổ tự quản đồng ý sẽ được vào rừng lấy gỗ về làm. Trước kia, rừng có nhiều nứa, hằng năm cứ đến mùa măng, người dân trong thôn lại thi nhau vào rừng lấy măng về bán, có năm cả thôn thu được mấy chục tấn măng khô từ rừng. Thế nhưng, giờ đây nhiều cây gỗ rừng tái sinh, diện tích cây nứa không còn mấy nữa, nên thôn quy ước chỉ cho phép người dân được vào rừng lấy cành củi khô về đun, không lấy củi để bán. Nhà nào có việc cưới, việc tang thì được vào rừng lấy măng, nhưng cũng chỉ được lấy đủ làm cỗ mà thôi...

Trong hương ước, quy ước của thôn về bảo vệ rừng ghi rõ, nếu ăn trộm măng, lấy măng trong rừng không được sự đồng ý của thôn, tổ tự quản thì sẽ bị phạt tiền. Cái quy ước bất thành văn ấy bao năm nay vẫn được chính người dân đề ra, rồi thực hiện, thế nên, dù từ những đứa trẻ chăn trâu gần rừng cũng luôn có ý thức bảo vệ rừng... Giờ được thôn thống nhất xây dựng thành hương ước, quy ước của thôn, nên được người dân cùng nhau cam kết thực hiện.

Ông Châu Đức Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bản Cầm cho biết thêm: Trước năm 1979, những cánh rừng này có cả những cây gỗ to, một người ôm không xuể, nhưng sau thời gian bị cháy rụi, rừng đã không còn nữa. Sự hồi sinh đến hôm nay cũng là một kỳ tích không dễ gì làm được. Nói là rừng tái sinh chủ yếu là gỗ tạp như cây giàng giàng, ba soi, xoan đào, phay; nhưng rừng Bản Lọt vẫn còn có nhiều loại cây gỗ quý như: Sến, gù hương, lát...

Hiện tại, trăn trở của lãnh đạo xã cũng như của người dân nơi đây mong muốn có những giống cây lâm nghiệp mới trồng xen ở một số diện tích đất còn trống... để rừng Bản Lọt mãi xanh tốt, đồng thời, cũng từ đó mà người dân trồng rừng sẽ có thu nhập và sống được bằng nghề rừng.

Nếu mất rừng, tôi không làm trưởng thôn nữa

Lời nói như đinh đóng cột, Trưởng thôn người Dao tuyển đã gần 60 tuổi trăn trở: Mong muốn Nhà nước quan tâm hỗ trợ một phần kinh phí, cũng như chuyển mục đích sử dụng của rừng Bản Lọt, từ rừng kinh tế, sang rừng phòng hộ. Có như thế về lâu dài mới mong rừng sẽ được gìn giữ... Mặc dù vậy, còn làm trưởng thôn ngày nào, là người của Bản Lọt ngày nào, thì tôi vẫn quyết tâm giữ rừng ngày đó. Nếu mà rừng mất, tôi cũng không làm trưởng thôn nữa... So với cánh rừng đã đi qua 31 năm sau cuộc hồi sinh, thì 1/3 số năm ấy ông Đặng Văn Quang được tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Thì cũng ngần ấy năm, ông luôn tâm niệm một điều phải làm sao cho tổ tự quản bảo vệ rừng sẽ làm tốt công tác giữ gìn “lá phổi xanh” cho dân bản được nhờ...

Thuộc lòng từng mét đất ở khu rừng, thuộc từng loại cây trong rừng, nó lớn nhanh đến đâu, nên trưởng thôn sinh ra, lớn lên và gắn bó với rừng lúc nào cũng không thôi trăn trở về sự tồn sinh của những cánh rừng. Ông Quang cũng đã được đến nhiều nơi, tham gia nhiều hội thảo về bảo vệ và phát triển rừng ở một số địa phương trong tỉnh, cũng tự đúc rút ra cách làm cho thôn mình. Nhưng việc rừng Bản Lọt chuyển đổi sau quy hoạch 3 loại rừng, từ rừng phòng hộ sang rừng kinh tế (năm 2007), thì khiến cho những cánh rừng ở Bản Lọt đứng trước nguy cơ sẽ không còn nguyên vẹn nữa. Bởi theo Quyết định 178/2011/QĐ-TTg, chính sách “lấy rừng nuôi rừng”, người dân sẽ có quyền khai thác hưởng lợi từ chính diện tích mình được giao khoanh nuôi bảo vệ, nếu không được quản lý chặt sẽ bị người dân chặt tỉa vô tội vạ, lúc ấy khó lòng mà giữ được rừng.

Dù không còn khoản thù lao ít ỏi trước đây hỗ trợ cho tổ tự quản bảo vệ rừng, nhưng ông Quang và các thành viên trong thôn vẫn không lung lay ý chí, bởi mọi người đều hiểu rằng rừng chỉ có 30% mang lại giá trị kinh tế, nhưng có tới 70% là giá trị sinh thái, bảo vệ môi trường sống cho chính đồng bào mình, cũng như góp phần tích cực trong việc chống biến đổi khí hậu. Thế nên, các thành viên vẫn đồng lòng quyết tâm giữ rừng...

Hiện tại, tổ tự quản bảo vệ rừng có 22 thành viên, thôn chọn ra mỗi thành viên nhà ở gần một khoảng rừng, giao kế hoạch quản lý cho từng thành viên cụ thể. Ngay cả người nhà của thành viên tổ tự quản cũng có ý thức bảo vệ, nếu đi làm nương, thấy có người chặt phá rừng, lấy củi... đều có trách nhiệm về báo với tổ tự quản, vì thế, những hình thức xử phạt quy định trong hương ước của thôn vẫn chưa có “cơ hội” phải thực hiện.

Ngồi trên xe máy, bon bon trên tuyến đường bê tông ra Quốc lộ 70, sau lưng chúng tôi là cánh rừng xanh nơi dòng suối Tòng Già chảy ngược chiều. Cây gỗ mí (thuộc họ muồng) mùa này hoa nở tím như những chùm hoa khế treo trên cao, đâu đó những chú chim rừng hót vang, vạn vật vẫn cứ sinh sôi và con người nơi đây vẫn hằng ngày, hằng giờ âm thầm giữ rừng theo cách riêng của mình từ những điều hương ước, quy ước. Trưởng thôn Đặng Văn Quang vẫn còn nói với theo chúng tôi trước lúc chia tay: Có thời gian thì ghé thăm thôn nhé, còn người Dao ở Bản Lọt, nước suối Tòng Già còn chảy, thì lúc nào đến đây cũng vẫn sẽ thấy rừng xanh tốt như ngày hôm nay...
Xem thêm >

Theo Kiều Lê (báo Lào Cai)
Du lịch, GO!