Đình Tiên Thủy tọa lạc tại ấp Khánh Hội Đông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 20km về hướng Đông Nam có tổng diện tích là 11.587m2, diện tích xây dựng là 835,18m2. Đình có cấu trúc theo hình chữ Sơn với các gian kiến trúc: võ ca, võ quy và chính điện được xây liền nhau.

< Cổng đình Tiên Thủy.

Phía sau là nhà chỉnh y, nhà bếp và nhà tiệc. Phía trước có bức bình phong và 4 ngôi miếu: miếu Ông Hổ, miếu Ngũ Hành, miếu Thổ Thần, miếu Bà Chúa Xứ và bàn thờ Thần Nông.

Đình thờ 4 vị thần với 4 sắc phong gồm:  Cao Các Quảng Độ tôn thần, Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi, Bổn Cảnh Thành Hoàng, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải và được an vị vào ngày 11 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852). Từ đó đến nay, cứ đến ngày này thì tất cả dân làng tập họp lại làm lễ cúng rất long trọng.

Đình chính gồm các nóc: võ ca, võ quy và chính điện với kiến trúc chung là nhà xuyên trính, 3 gian, hai chái. Các cây cột gỗ đứng song song nhau, được gắn kết với nhau từng cặp theo chiều ngang bởi các cây trính và theo chiều dọc mỗi hàng có một thanh gỗ dài xuyên qua 4 cây cột. Trên giữa mỗi cây trính là cây trổng có cối (khối gỗ hình vuông ở chân) và áp quả hình tam giác để chống đỡ đầu 2 cây kèo và đòn dông. Các nóc nối liền nhau tạo thành một thể thống nhất. Mái đình lợp ngói âm dương.

Đình có tất cả 42 cột được làm bằng gỗ căm xe và gỗ lim có chu vi từ 90 đến 100 cm. Nền chính điện lót gạch bông, xung quanh kè gạch thẻ, cao hơn 5 tấc so với tổng thể toàn bộ đình. Các gian còn lại lót gạch tàu. Cột, kèo, đòn tay được kết dính với nhau bằng kỹ thuật mộng chốt, đầu kèo chạm hoa văn trang trí sống động, sắc sảo. Toàn bộ đình được kè gạch thẻ xung quanh, cao hơn sân đình 6 tấc. Nóc đình trang trí long mã hà đồ, long ẩn vân, lưỡng long tranh châu, cá hóa long, cừu, song đăng, rồng,...

Đặc biệt, trên nóc đình chính có một tháp trang trí 4 tranh phong cảnh 4 mặt, nóc trang trí hoa văn đắp nổi, 2 góc tháp đắp nổi 2 đầu rồng quay ra 2 phía. Trung tâm đình là phần chính điện với kiến trúc 3 gian, 2 chái bát dần theo kiểu tứ trụ được trang trí nhiều hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng bằng gỗ rất có giá trị. Các hoa văn, đồ án trang trí của đình đều do một nhóm thợ lành nghề từ miền Trung vào. Sự tài hoa của người thợ thể hiện qua các hình thức trang trí từ chạm nổi, chạm lộng, chạm khắc đến cẩn ốc xà cừ rồi sơn son thếp vàng rực rỡ.

Đáng chú ý nhất là ngay cửa chính vào gian chính điện, đình còn lưu giữ một hoành phi chữ Hán, trang trí hoa lá xung quanh bằng ốc xà cừ với nội dung cũng được cẩn ốc: Tiên Thủy linh miếu (ngôi miếu linh Tiên Thủy) với dòng lạc khoản bên phải là Thành Thái Bính Thân thu (dịch là năm Bính Thân, đời vua Thành Thái, mùa thu tức là hoành phi này được tạo vào mùa thu năm 1896).

Đến năm 1928 (Đinh Mão), đình được trùng tu khang trang do ông Tạ Khắc Dệt đứng ra vận động nhân dân trong vùng đóng góp sức người, sức của. Bởi thế, đình còn lưu giữ nhiểu hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng ghi năm Đinh Mão do nhân dân trong vùng hiến cúng cho đình. Cổng chính của đình hướng Đông Bắc, đình hướng về chánh Đông (sông Tiên Thủy). Hiện tại vẫn còn một cầu dẫn ở sông Tiên Thủy hướng về ngay cổng đình dùng để thả hoa đăng trong mỗi dịp cúng Kỳ yên hàng năm.

Ông Trần Văn Giác, Chánh tế đình Tiên Thủy cho biết: Ngôi đình có lịch sử hàng trăm năm tuổi này đã trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, tinh xảo của kiến trúc xưa. Lần gần nhất ngôi đình được trùng tu là vào năm 1928 và giữ nguyên diện mạo cho đến hôm nay. Ngôi đình có diện tích gần 2.500m2, nằm trong khuôn viên rộng gần 2 ha.

Tương truyền vào năm 1778, Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn và đã đến nơi này. Ông thấy nước sông ở đây trong veo lại có vị ngọt lành lạ thường nên đặt tên sông là Tiên Thủy (nước tiên). Các bô lão trong làng sau đó họp lại và quyết định dựng lên một ngôi đình bằng cây lá đơn sơ tại vị trí Nguyễn Ánh từng trú chân. Đến năm 1852, vua Tự Đức ban sắc phong cho đình vào ngày 11/11. Từ đó đến nay, ngày 10-12/11 Âm lịch hàng năm được chọn làm lễ hội kỳ yên đình Tiên Thủy.

Ông Trần Duy Đăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tiên Thủy cho biết, lễ hội kỳ yên được tổ chức hàng năm là tín ngưỡng lâu đời của nhân dân trong vùng. Mục đích của lễ hội là cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi. Mỗi năm, có hàng ngàn lượt người tham dự và đây là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất nhì cả vùng.

Tọa lạc ở xứ sở cây lành trái ngọt, cổng đình Tiên Thủy hướng ra sông Đông (tên gọi khác của sông Tiên Thủy). Ngôi đình này nổi tiếng linh thiêng và gắn liền với nhiều giai thoại. Hàng trăm nay nay, đây là chỗ dựa tâm linh vừa thiêng liêng vừa gần gũi đối với người dân địa phương. Đây cũng là nơi nhiều con xa xứ hướng về.

Hàng năm, đình có các lễ cúng: ngày 7 tháng Giêng là lễ Khai sơn; 13 tháng Giêng là lễ cúng Quan Thánh (Quan Công); mùng 10 tháng 3 là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương; 11 tháng 4 là lễ Hạ điền; mùng 10, 11, 12  tháng 11 là lễ Kỳ yên; ngày 11 tháng 12 là lễ Thượng điền. Đặc biệt, lễ Kỳ yên có tổ chức hát bội và du thần.

Đình còn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc gỗ độc đáo và các văn bản chữ Hán trên sắc phong, bao lam, liễn đối, hoành phi, khánh thờ,…
Dù trải qua thời gian hơn 150 năm nhưng ngôi đình vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, thời gian và ảnh hưởng của môi trường đã làm cho đình Tiên Thủy bị hư hỏng nhiều chỗ. Hiện tại đình còn lưu giữ 14 hoành phi, 03 liễn áp cột, 02 hương án, 06 bao lam, 04 khánh thờ, 04 sắc phong cùng nhiều liễn đối, bài vị,… rất có giá trị.

Ngày 20/8/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Quyết định số   2836/QĐ-BVHTTDL công nhận đình Tiên Thủy (xã Tiên Thuỷ, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Khu vực bảo vệ di tích đươc xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.
Xem thêm >

Theo Trần Hoàng Huấn (Bentre.gov) + ảnh internet
Du lịch, GO!