Đến 16g chiều 21-5, đám cháy rừng trồng ở phía tây nam chân núi Chóp Chài (thuộc thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn chưa dập tắt được.

Theo nhiều người dân địa phương, vụ cháy khởi phát khoảng 12g15 trưa nay. Vài chục phút sau đó, gần 200 người thuộc các lực lượng Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chi huy Bộ đội biên phòng, cảnh sát phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Yên, Ban chỉ huy quân sự, Hạt kiểm lâm TP Tuy Hòa và dân quân địa phương được huy động tới hiện trường.

Do địa hình hiểm trở, độ dốc cao, nhiều bụi gai chắn lối, trong khi nắng gắt lại có gió nên ngọn lửa bùng phát mạnh và lan ra trên diện rộng, lực lượng chữa cháy tiếp cận hiện trường rất khó khăn.

Đến thời điểm này, vài trăm mét đường ranh cản lửa đã được phát dọn để khống chế không chế đám cháy lan rộng, nhưng bên trong đường ranh, ngọn lửa vẫn chưa dập tắt. Ước tính khoảng 10.000 m² rừng đã bị thiêu rụi.

Núi Chóp Chài cao 391 mét, nằm cạnh quốc lộ1A, thuộc xã Bình Kiến, TP.Tuy Hoà. Từ đỉnh núi Chóp Chài ta có thể bao quát một vùng non nước Phú Yên, ngỡ ngàng trước màu xanh của trời và biển cùng cảnh sắc nên thơ, khung cảnh trù phú, bình yên của đồng bằng Tuy Hoà.

Núi Chóp Chài có hình dáng khá vuông vức trông tựa như một kim tự tháp khổng lồ. Đừng trên đỉnh núi sẽ có được tầm nhìn bao quát tới biển, vùng đồng bằng dưới chân núi. Trên núi có hang Dơi (hay Trai Thuỷ) rộng 5 m và rất sâu. Lưng sườn núi có các công trình kiến trúc Phật giáo như chua Hoà Sơn, Minh Sơn, Khánh Sơn, Bảo Lâm.

Đặc biệt, dưới chân núi Chóp Chài là nơi năm 1961 lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ ra vùng căn cứ lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

“Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như trút”
Hình ảnh núi Chóp Chài đã khắc sâu vào tâm hồn và ký ức của bao thế hệ người dân nơi đây.

Du lịch, GO! - Theo Việt Trường (báo Tuổi Trẻ), Wikipedia, DulichPhuyen