Trải dài qua địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, Vĩnh Tế là con kênh đào dài nhất mang ý nghĩa và tầm nhìn chiến lược do nhà Nguyễn thực hiện từ thời mở cõi mà đến nay vẫn còn giá trị.

Tạm hoãn nhiều lần

Khởi đầu tại ngã ba tiếp giáp sông Châu Đốc thuộc xã Vĩnh Ngươn, TX.Châu Đốc (An Giang), kênh Vĩnh Tế có chiều dài gần 90 km chạy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia qua các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) rồi nối vào sông Giang Thành, TX.Hà Tiên (Kiên Giang) và đổ ra biển.

< Kênh Vĩnh Tế chạy dài theo biên giới từ Châu Đốc, trổ ra biển tại Hà Tiên.

Tại ngã ba đầu nguồn cặp bờ sông Châu Đốc có một ngôi đình xưa nằm cạnh đường Tây Xuyên - con đường nhỏ chạy ra biên giới - gọi là đình Vĩnh Ngươn, được trùng tu vào năm 1929. Một cụ già ở địa phương cho biết ngày cúng Kỳ Yên vào 15, 16 tháng chạp hằng năm đều có tế quan Thoại Ngọc Hầu. Theo Đại Nam thực lục, địa điểm này là nơi khởi công đào kênh Vĩnh Tế. Mục đích của việc đào kênh là “Vua thấy Vĩnh Thanh và Hà Tiên tiếp giáp với Chân Lạp, việc công tư đi lại, trước không có đường thủy, bàn muốn nhân sông Châu Đốc mà đào cho thông suốt”.

Bấy giờ, vua Gia Long xuống dụ cho thành Gia Định tiến hành đo đạc tính từ phía tây đồn Châu Đốc, sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại và Chưởng cơ Phan Văn Tuyên đốc suất 5.500 người gồm dân phu và binh dân đồn Oai Viễn; Đồng Phù (quan nước Chân Lạp) quản suất dân Chân Lạp 5.000 người và tháng 12.1819 khởi công đào. Đại Nam thực lục chính biên chép: “Tháng 9 năm 1819 vét đào đường sông Châu Đốc thông đến Hà Tiên, cho tên là sông Vĩnh Tế”.


< Ảnh chụp Kênh Vĩnh Tế năm 1929.

Tuy nhiên, công trình này từ lúc khởi công đến khi hoàn thành nhiều lần phải tạm ngưng vì lý do khác nhau. Lần thứ nhất vào tháng 3 năm Canh Thìn (1820), khi vua Minh Mạng mới lên ngôi, thấy việc đào kênh đã tròn một năm, người người khó nhọc, nên ra dụ tạm hoãn và cấp tiền, vải cho người chết, cấp thuốc men cho người đau ốm.

Đến tháng giêng năm 1821, vua lại hoãn việc đào kênh. Bấy giờ vùng Hà Tiên, Châu Đốc vừa xảy ra nạn dịch lớn, vua muốn để cho dân nghỉ ngơi. Tháng 10.1822, vua Minh Mạng thấy công việc đào kênh cần phải khẩn trương hơn, nên ban dụ nhắc nhở. Lần này, Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt phát hơn 39.000 binh dân ở thành và các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường, đồn Oai Viễn, cùng hơn 16.000 người Chân Lạp chia làm ba phiên, quyết tâm đào, kế hoạch đến đầu mùa hạ năm sau thì xong.


< Kênh Vĩnh Tế ngày nay.

Tháng 2.1823, Tổng trấn Lê Văn Duyệt nghe tin ở Hưng Hóa có giặc bèn dâng sớ xin hoãn. Lần này vua bảo: “Không lo đến việc miền Bắc nữa, khanh nên phát binh dân vét đào sông ấy để xong công việc. Nếu để mất cơ hội ấy thì khó bảo đảm kỳ sau, mà nước Chân Lạp có thể dòm ngó chính lệnh của ta”. Chưa được bao lâu thì quan Tổng trấn Lê Văn Duyệt bị bệnh, vua sai Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu làm thay. Chỉ được vài tháng vua lại ra lệnh hoãn, vì thời tiết nóng bức. Lúc này kênh Vĩnh Tế đã hoàn thành hơn 10.500 trượng, chỉ còn hơn 1.700 trượng.


< Kênh Vĩnh Tế nhìn từ núi Sam.

Tháng 2.1824, kênh Vĩnh Tế được lệnh đào tiếp 1.700 trượng còn lại. Bấy giờ Phó tổng trấn Trần Văn Năng xin để lại binh dân hai trấn Phiên An, Biên Hòa để đào đá xây thành, nhưng vua Minh Mạng không đồng ý và ra chỉ dụ: “Việc xây dựng năm nay chưa tiện, sẽ đợi sang năm. Còn như sông này, liền với tân cương, rất quan hệ đến việc biên phòng, so với việc xây thành đằng nào cần hơn?”. Với quyết tâm của nhà vua, đến tháng 5 năm Giáp Thân (1824) thì kênh Vĩnh Tế hoàn thành.

Dựng bia ghi công

Khi công trình hoàn thành, vua Minh Mạng nói rằng đào con sông ấy thực là lợi ích muôn năm vô cùng về sau, bèn sai Hữu ty lo việc dựng bia ghi công, đồng thời ra lệnh ban thưởng trọng hậu cho Thoại Ngọc Hầu cùng các quan có công và quốc vương Chân Lạp.

< Kênh Vĩnh Tế được khắc trên đỉnh đồng.

Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại sinh năm 1761, là con ông Nguyễn Văn Lượng và bà Nguyễn Thị Tiết. Ông Lượng người thôn An Hải, H.Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Bà Tiết là con ông Nguyễn Khắc Tuân và bà Phạm Thị Thấy ở cù lao Dài (Vĩnh Long). Giả thuyết, Nguyễn Văn Thoại có thể được sinh ra tại Quảng Nam. Sau khi cha mất, ông theo mẹ vào Nam lập nghiệp. Cũng có thể ông Lượng vào Nam lập nghiệp, lấy vợ và sinh con tại cù lao Dài, sau về quê Quảng Nam và mất ở đó. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường thì bà Châu Thị Vĩnh Tế (phu nhân của Thoại Ngọc Hầu) là cháu gái ông Châu Vĩnh Huy và bà Đỗ Thị Toán, vào cuối thế kỷ 18 đã đến lập nghiệp tại thôn Thái Bình (nay thuộc xã Thanh Bình, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long). Ông Châu Vĩnh Huy là người có công xây dựng đình chùa, được tôn Hậu hiền. Còn họ Nguyễn của Thoại Ngọc Hầu đến làng này muộn hơn.

Bia Vĩnh Tế dựng tại núi Sam vào mùa thu năm Mậu Tý (1828), chép việc lập làng, mở ruộng di dân, việc vua lấy tên Thoại Ngọc Hầu phu nhân đặt tên cho kênh đào. Nhưng vì trơ trọi giữa trời lâu năm, chữ đã mòn, mặt bia đã bị nứt bể nhiều chỗ, nên các nhà nghiên cứu không đọc được nội dung hoàn chỉnh của văn bia. Ngoài ra, theo Nguyễn Văn Hầu (trong bài viết Bài Tế nghĩa trủng văn do Thoại Ngọc Hầu chủ tế cô hồn tử sĩ sau ngày đào kênh Vĩnh Tế, đăng trên tập san Sử Địa số 17-18 năm 1970) còn có bia “Vĩnh Tế sơn lộ kiều lương” cũng dựng tại núi Sam “nhưng hiện đã thất lạc”. Năm 1950, tác giả bài viết này còn thấy vài mảnh đá to nghi ngờ là bia bị vỡ.

< Từ kinh Vĩnh Tế nhìn về phía biên giới Campuchia.

Ngoài việc dựng bia, vua còn ra lệnh tổ chức lễ tế các binh lính và sưu dân đã bỏ mình trong công cuộc đào kênh và soạn Tế nghĩa trủng văn, đọc trong buổi lễ. Tế nghĩa trủng văn còn gọi là bài “Thừa đế lịnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh”. Vào dịp lễ tế, thừa lệnh vua, Thoại Ngọc Hầu đã làm một cuộc cải táng tập thể, trang nghiêm và quy mô, nhưng chưa biết địa điểm hành lễ. Tác giả Nguyễn Văn Hầu căn cứ vào câu cuối bài văn tế “Sam sơn chi tây hề khả dĩ toại khu trì” và đoán rằng địa điểm hành lễ có lẽ là bên triền phía tây núi Sam, cạnh lăng mộ Thoại Ngọc Hầu, chỗ có cắm bia “Đặc tứ Vĩnh Sơn bia ký” và cũng là nơi có nhiều nấm mộ. Cho đến nay, việc tế lễ các vong hồn bỏ mạng trong cuộc đào kênh vẫn còn được duy trì ở địa phương, người ta gọi đó là lễ “Tống gió”.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Phương - Ngọc Phan (Báo Thanh Niên), ảnh internet.