Rặng Trường Sơn chạy từ Bắc xuống Nam có rất nhiều nhánh đâm ngang ra biển, trong đó có nhánh xuất phát từ dãy Ba Non (cao 2.000 mét) ở Đắc Lắc đâm ra hướng biển Đông, là ranh giới của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. 


Đầu tiên la núi Mẹ Bồng Con cao 2.052 mét rồi kéo dài ra Hòn Nhọn, Hòn Ông cao 1.104 mét, Hòn Chảo, Hòn Chúa cao 1.010 mét, xuống Đá Bia cao 706 mét là dãy núi cuối cùng. Tất cả các núi này đều được gọi chung một tên là dãy Đại Lãnh trên đó có đèo Cả nằm dọc theo mé biển.
Đèo Cả dài trên 12 km, quanh co uốn khúc. Một nửa đèo bên này là địa phận Phú Yên, nửa bên kia là Khánh Hoà.


Đây là một trong số rất ít đèo đẹp nhất nước nằm sát biển: một bên là biển xanh trùng trùng, một bên là vách núi trùng điệp còn trên cao là trời xanh mây trắng cao vòi vọi. Đứng trên đèo Cả, ta có cảm tưởng như đang ở trong một khung cảnh kỳ vỹ bao la trời đất. Chẳng những thế mà đầu thế kỷ XX, nhà học giả người Pháp Roland Dorgelés trong chuyến du hành xuyên Việt, khi đứng trên đèo Cả đã phải thốt lên những lời ca ngợi trong quyển “Sur La Route Mandarine” như sau:

“… Những hòn đá cao quá bắt ngợp, nghiêng mình mà trầm tư mặc tưởng, những cái thác nhỏ trắng phau, chảy từ cao xuống hố thẳm, những cây suông đuột lên trời, bốn bên dây leo lá phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá lá chen hoa.


Chúng tôi trèo, trèo mãi rồi thình lình đứng trước khoảng không gian vô hạn. Rồi từ đó xe xuống dốc, cứ quanh co trên triền núi, bên này non cao đồ sộ, bên nọ biển rộng mênh mông.
Chiều lại, văng vẳng bên rừng một tiếng hươu kêu, vài tiếng vượn hú…” (1)

Trong dân gian, đèo Cả còn có tên gọi là đèo Cục Kịch. Tìm hiểu tên gọi Cục Kịch là do trước đây, khi đèo mới mở để thông thương giữa phía Bắc và phía Nam thì đèo chỉ trải lớp đá, lên xuống gập ghềnh và có đến 98 vòng cua rộng hẹp, gấp khúc. Cả người đi bộ, gánh gồng, xe ngựa, xe trâu kéo bằng bánh gỗ nghiến lên lớp đã trải kêu lục cục, dằn xóc lịch kịch nên mới có tên gọi trên.


Trong số 98 vòng cua trên có đến 10 vòng cua gấp khúc nguy hiểm. Vòng cua nguy hiểm nhất là vòng cua cánh chỏ ở mỏm Đá Đen: phía trên là tảng đá màu đen tuyền dựng đứng, sừng sững như một bức tường khổng lồ, đường đèo chạy men theo sát bờ biển là một vực sâu hoắm. Đứng trên nhìn xuống thấy dòng nước sâu thăm thẳm.

Trên đỉnh đèo Cả phóng tầm mắt nhìn ra biển thấy mặt nước mênh mông mãi tận chân trời, sóng gợn lao xao, một vài hòn đảo xa gần nhấp nhô trong làn sóng bạc, phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh.

Nơi đây, trên đèo Cả thời Pháp thuộc có một trạm Phú Hoà do Nam triều xây dựng như một trạm dịch để lưu chuyển văn thư, vận tải lương thực, cáng, võng các quan chức hành chánh địa phương mỗi khi có công vụ. Sau này Pháp cho xây một bót tên Poste Petitte (Bót Bê Tí) để kiểm soát về mặt quân sự. Năm 1997 ranh giới giữa hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hoà được phân chia từ chân Đá Đen kéo dài theo đường phân thuỷ đến đỉnh Hòn Nưa. Và Vũng Rô thuộc địa phận Phú Yên.


Đường đèo nhiều vòng cua theo sườn núi nhô ra, lõm vào quanh co. Nơi nhô ra thường nằm sát biển, chỗ lõm vào có nhiều khe, thác nước chảy quanh năm từ trên cao xuống. Những lúc trời  yên, gió thổi nhẹ, rừng cây lá khua xào xạc, hoà với tiếng nước chảy rì rào tạo thành khúc nhạc trầm bổng êm đềm khiến du khách qua đường thư thái tâm hồn, quên đi những phiền muộn, nhọc nhằn.

Đèo Cả đã được dân gian cảm tác thành những khúc dân ca mượt mà, như một nhân chứng cho những cuộc tình  duyên tốt đẹp lẫn khổ đau:

Trèo lên đèo Cả
Ngó xuống Vạn Gĩa, Tu Bông
Biết rằng cha mẹ đành không
Chàng chờ, thiếp đợi uổng công hai đàng.


Cũng từ những cảm hứng thơ ca dân gian, nhà văn Y Uyên đã trích dẫn câu ca dao dẫn tựa cho cuốn tiểu thuyết Ngựa Tía mô tả một giai đoạn chiến tranh bi hùng của dân tộc:

Con ngựa Tía ăn quanh đèo Cả
Vầng nguyệt đêm rằm bóng ngả về không…

Đèo Cả cũng từng là địa điểm dừng quân của đoàn quân Nam tiến thời chống Pháp với nhiều văn nghệ sĩ tham gia: Trần Mai Ninh, Hữu Loan… để lại những dấu ấn đậm nét trong văn học, nhất là bài thơ đèo Cả nổi tiếng của Hữu Loan:

Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngút!
Mây trời Ai Lao
Sầu đại dương!
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương…                                                          


Trước cảnh nước non hùng vĩ, thiên nhiên hữu tình… những áng thơ văn vẫn còn lắng đọng mãi mãi với thời gian trong tâm thức mọi người. Nhưng quan trọng hơn cả, dãy Đại Lãnh còn được triều đại nhà Nguyễn cho chạm khắc vào Tuyên Đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh đặt trước sân Thái Miếu ở Hoàng Thành Huế vào năm Bính Thân (1836) đời vua Minh Mạng. Từ năm 1840, núi Đại Lãnh còn được chuẩn định tế lễ 1 trâu và 1 heo.

Du lịch, GO! - Theo báo Phú Yên, ảnh Dulichgo, internet