Nhiều người Đà Nẵng coi ớt như là một món ăn (chứ không phải là gia vị) không thể thiếu trong bữa ăn hằngngày. 

Tôi đã có dịp đi nhiều vùng, miền của Việt Nam, và nhận thấy rằng, không ở đâu, thậm chí ở Huế là xứ sở của những món ăn cay, người ta có thể ăn ớt đa dạng, ngon lành và sành điệu như dân Đà thành.

Hôm trước, vào một quán Cơm gà ở Liên Chiểu, tôi bỗng thấy ngạc nhiên và thích thú, vì trên bàn có ít nhất 5 loại ớt: ớt xanh được bày chung với tỏi; ớt dầm chua cùng với hành; ớt bột; ớt tương; ớt trong món kim chi...

Hỏi chủ quán, chỉ cười xuề xòa: “Ớt nào cũng ngon, mỗi người ăn mỗi kiểu, có khi cùng lúc ăn chung nhiều loại ớt”. Không chỉ mỗi người ăn mỗi kiểu, mà mỗi món ăn, người Đà Nẵng đều kết hợp với một loại ớt khác nhau, tạo thành một đặc trưng riêng.

Bà chị tôi, có thâm niên ăn ớt đã lâu, luôn tự hào về những rổ ớt tươi xanh mà chị cố tình dậy thật sớm để mua ở một chợ chuyên bán sỉ hàng nông sản trong thành phố. Đẳng cấp ăn ớt của bà chị này không phải thường, đến mức cho cả ớt vào trong cuốn thịt heo, gỏi cá để ăn như rau sống, như dưa leo, chuối chát... mà không hề thấy cay. Ớt xanh được những kẻ học đòi ăn ớt như tôi thích vì vị the the, ít cay, thường bị bà chị bỏ phần đầu để ăn phần sau cho... cay đã đời.

Những ông anh của tôi học và làm việc ở Sài Gòn nhiều năm nay, chưa bao giờ quên gói theo ớt xanh-món ớt đặc sản của miền Trung mỗi lần về thăm quê. Hoặc ai đó có dịp vào Sài Gòn, mẹ tôi cũng cố gắng gửi cho bằng được một ký ớt xanh kèm theo hai ký chả bò. Người Đà Nẵng có thể ăn ớt xanh với rất nhiều món, nhưng ngon nhất vẫn là ăn với mì Quảng, gỏi cá, cơm gà.

Cách đây độ chục năm trước, khi anh em tôi đi học xa nhà, mẹ tôi phải tìm khắp chợ mới mua được ký ớt xanh gói vô cho chúng tôi mỗi dịp hè đến Tết về, vì lúc đó, ớt xanh khá hiếm. Nghe đâu ớt xanh chỉ được trồng ở Quảng Nam, và người Đà Nẵng cũng chưa “biết” ăn ớt xanh như bây giờ, có thể vì nó cay không đã. Nhưng có lẽ cũng chính từ cái vị cay the the, thơm thơm đó, mà ngày nay, ớt xanh được người Đà thành chuộng số 1. Ở HTX trồng rau sạch Túy Loan, huyện Hòa Vang, bà con dành hẳn một diện tích không hề khiêm tốn cho mỗi loại ớt này. Mấy bà, mấy cô bảo, ớt xanh dạo này tiêu thụ tốt, dễ bán nhất.

Ngoài ớt xanh, các loại ớt khác đều phải dùng theo mỗi cách, mỗi gu khác nhau. Ớt bột để rắc lên bánh canh. Ớt đỏ làm mắm tỏi đường, dầm muối chấm đồ chua. Ớt luộc, xay thành ớt tương ăn bún mắm; rim cho keo lại để nhâm nhi cá, mực...

Mà chế biến ớt phải đúng điệu, mới được coi là người biết ăn ớt. Chỉ riêng đối với món canh, bà chị sành ớt của tôi đã có thể nói vanh vách: nêm ớt thiệt cay cho canh chua, nhưng chỉ giã vừa dập một trái ớt đỏ cho nồi canh cá với thơm cà, riêng canh rau tuyệt đối phải giữ nguyên vị trong lành không cay...

Vừa rồi, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xếp bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da và chả bò của Đà Nẵng vào top những món ăn, đặc sản nổi tiếng nhất của Việt Nam. Chợt nghĩ, nếu không kèm với ớt, góp cái vị cay nồng vào tổng hòa món ăn cùng vị đậm đà của mắm, vị béo của thịt, chả, vị giòn mát của rau... thì bánh tráng thịt heo, chả bò không trở nên đặc sắc. Và nếu ai đó, như tôi, không ăn ớt được, quả là đã tự mình làm uổng phí đời mình vì đã không biết cách thưởng thức ẩm thực theo đúng nghĩa như nhiều người Đà thành thường bảo: “Món đó mà không có ớt, cứ lạt lạt lẽo lẽo thế nào...”.
Có khi nào, các chuyên gia đã thật thiếu sót, khi không dành một chỗ đứng riêng cho ớt Đà Nẵng?

Du lịch, GO! - Theo Hằng Vang (Danang online), internet