Thác ghềnh sông Giăng và văn hóa sông nước của tộc người Đan Lai là một “đặc sản” của miền Tây xứ Nghệ. UBND huyện Con Cuông đang kết hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát xây dựng tour du lịch mạo hiểm “Khám phá thác ghềnh sông Giăng” để giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước

Sông Giăng bắt nguồn từ khe Khẳng, trong lõi Rừng Quốc gia Pù Mát (Con Cuông - Nghê An) rồi chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và hợp lưu với sông Lam tại huyện Thanh Chương. Sông có độ dốc trung bình 17.2% nên có hàng trăm ghềnh đá mọc lên giữa dòng, tạo nên sức chảy mãnh liệt và ẩn chứa nhiều hiểm nguy.

< Phía hạ nguồn sông Giăng rộng mênh mông, là nơi lưu giữ nước để canh tác nông nghiệp cho các huyện đồng bằng của tỉnh Nghệ An.

Chính vì thế, khi chúng tôi đến huyện Con Cuông thì chỉ nghe người dân truyền tai nhau câu ca dao: “Anh đi khắp núi khắp ngàn/Không đâu đẹp bằng Đá Bàn, sông Giăng” nhưng chưa ai một lần dám mạo hiểm thử thách những thác ghềnh con sông nghe lạ tai đó.

< Kéo thuyền vượt thác.

< Càng về phía thượng nguồn lòng sông càng nhỏ và hẹp nên sóng nước càng dữ dằn.

Về xã Môn Sơn- nơi hạ nguồn sông Giăng, chúng tôi bắt đầu một cuộc hành trình vượt 147 thác ghềnh nức tiếng nguy hiểm này để đến với tộc người Đan Lai, một tộc người chỉ có hơn 3000 người sinh sống ở lõi Rừng Quốc gia Pù Mát.

< Đập Phà Lài.

Từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn), ngược sông Giăng bằng xuống máy mất 2 giờ đồng hồ mới vào được bản tái định cư của người Đan Lai - một dân tộc thiểu số ít người của miền Tây xứ Nghệ.

< Trên sông Giăng, người Đan Lai làm thủy điện nhỏ phục vụ đời sống.

Nằm trong quần thể VQG Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam, chính bản thân con sông Giăng cũng là một kỳ quan mà tạo hoá ưu ái dành cho huyện nghèo miền Tây xứ Nghệ.

< Nơi thượng nguồn sông Giăng có rất nhiều loài chim quý được Ban Quản lý Rừng Quốc gia Pù Mát bảo vệ nghiêm ngặt.

Đập Phà Lài- công trình thuỷ lợi lớn nhất Con Cuông. Chiết tự tiếng Thái: Phà có nghĩa là trời, Lài là hoa. Phà Lài có nghĩa là “hoa của trời”. Từ khi có đập Phà Lài, con sông Giăng mới được thuần hoá, và đường vào bản tái định cư Cò Phạt, Khe Khặng của hơn 70 hộ gia đình dân tộc thiểu số Đan Lai mới bớt xa xôi…

< Bến Môn Sơn là nơi duy nhất thuyền bè nhận hàng hóa vận chuyển vào lõi Rừng Quốc gia Pù Mát đến với người Đan Lai.

< Chèo thuyền vượt thác.

Dòng sông mềm mại xuất phát từ biên giới Việt – Lào, không chỉ là đường giao thông độc đạo vào vùng lõi Pù Mát, mà còn là nơi kiếm sống mưu sinh của những người dân bản địa. Con sông thực sự là một điều bí ẩn đối với con người vớiước xanh ngắt. Lòng sông đầy sỏi to, sỏi nhỏ, đá cuội…
Đối với một chiếc thuyền độc mộc, dù có chạy máy nổ, đó cũng là cả một thử thách.

< Những con thuyền rẽ sóng ngược sông Giăng.

Người hoa tiêu lúc nào cũng phải chăm chắm nhìn về phía trước. Không chỉ hướng đạo, mà còn phải đấu lại trận địa sỏi thập diện mai phục dưới lòng sông và những đoạn cua tay áo… bằng cây sào nứa… Người điều khiểu tay máy cũng không bao giờ được rời mắt. Mắt nhìn sông, tay cầm cần máy chỉnh bánh lái.

< Cá Mát- đặc sản của sông Giăng.

Chiều sông Giăng. Đoạn dưới chân đập Phà Lài, nước lặng tờ như nhung. Dòng nước phẳng lặng vừa vượt qua cả trăm cây số đá hộc, đá sỏi…, như người nghỉ mệt. Sông Giăng - Những cung bậc cảm xúc thay đổi theo từng khúc địa hình. Sông Giăng – đó còn là những phút lãng mạn, của cả một ngày cưỡi sóng ngược ngàn…

Thác ghềnh sông Giăng và văn hóa sông nước của tộc người Đan Lai là một “đặc sản” của miền Tây xứ Nghệ nên UBND huyện Con Cuông đang kết hợp với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát xây dựng tour du lịch mạo hiểm “Khám phá thác ghềnh sông Giăng” để giới thiệu đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Bưu điện Việt Nam