Khi có dịp đến nơi được mệnh danh là “vương quốc hàu”, chúng tôi có những trải nghiệm hết sức thú vị, mà có lẽ đến một lần rồi “ghiền” luôn. Đó là làng bè Long Sơn (xã Long Sơn – TP. Vũng Tàu), với rất nhiều hộ nuôi trồng, kinh doanh các dịch vụ đã tạo nên một điểm du lịch hết sức độc đáo và hấp dẫn.

Đến TP. Vũng Tàu vào lúc gần trưa, theo con đường nhỏ dẫn ra sông Chà Và chúng tôi thấy nhiều hộ gia đình phơi khô, bán khô đủ loại hải sản. Bước qua những tấm ván gập ghềnh của chiếc cầu dẫn bộ xuống thuyền ngay bến Đá, mọi người thấy những làn gió mát rượi thổi lên từng đợt.

Con thuyền nhỏ dẫn chúng tôi từ bờ sang nhà bè Long Sơn khoảng 15 phút, với quãng đường khoảng 2km mà cũng cồn cào. Bởi, trên thuyền có nhiều món ăn “đặc sản” nơi đây đang được bày sẵn. Đặc biệt, khi gia chủ tiếp chúng tôi bằng món hàu xào sả hết sức hấp dẫn. Gắp một con, vừa miếng ăn, ai cũng trầm trồ, cảm thấy cái béo, ngọt của hàu Long Sơn chính hiệu.

Vừa nhâm nhi chút rượu nấm Linh Chi gia truyền thì gia chủ lại “trình làng” cá bóp với ba món: nướng, kho tộ và lẩu chua, đặc sệt miền Nam, làm cho nhiều người phải ngạc nhiên. Cá bóp cũng là đặc sản của nhà bè Long Sơn và nhiều người đã ăn món này ở một số nơi: Ninh Thuận, Bình Thuận… cũng phải “ngả mũ” khen: ngon hơn.

Sau khi thưởng thức bữa trưa với thêm nhiều món khác: ốc len hấp dừa, sò huyết xào me… chúng tôi tiếp tục lên thuyền đi tham quan cách nuôi hàu, cá bóp, tôm sú…

Một không gian mênh mông sông nước cùng làn gió thổi phả vào mặt, phong cảnh nên thơ khiến các nhiếp ảnh gia nghiệp dư cũng không thể cầm lòng và bấm máy liên tục. Đến được làng bè nuôi hàu và nghe giới thiệu về cách nuôi làm nhiều người ngạc nhiên bởi sự đơn giản.

Theo ông Trần Thanh Ngà, Quản lý Làng bè Long Sơn cho biết, chỉ cần tạo ra những chiếc lồng sắt, đan bằng thép B40, neo lại bằng nhiều chiếc phao (bình nhựa 20 – 50 lít) và chờ đợi khoảng 10 – 12 tháng là thu hoạch. Một hecta mặt nước nuôi trồng, sau khi trừ chi phí, có lời từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, tùy theo thời tiết, dịch bệnh… Nhưng “không phải lúc nào cũng thuận lợi như thế. Bởi, không biết cách chăm sóc và tuân thủ quy trình nuôi, phòng tránh các dịch bệnh thì thua lỗ là chuyện thường”, ông Ngà chia sẻ.

Sau khi được chiêm ngưỡng những bè hàu dài tít tắp trên mặt nước, chúng tôi lại có dịp chứng kiến những đàn cá bóp đang gần độ cho thu hoạch cứ nhảy xoành xoạch khi được cho ăn, ai cũng thấy thích thú. “Tôi thật may mắn được đến đây và chiêm ngưỡng sự thú vị này. Điều khiến tôi thích thú hơn là còn được cho cá ăn theo cách của một ngư dân nhà bè thực thụ”, chị Weff Argen, du khách Anh háo hức nói.

Đi cùng chúng tôi, anh Nguyễn Việt Dzũng, Giám đốc Công ty Du lịch Discovery Indochina ở Hà Nội chia sẻ: Tôi cũng đã đến nhiều nơi có các dịch vụ du lịch trên sông nhưng chưa nơi nào ấn tượng như thế này. Nếu tạo thêm được dịch vụ và quảng bá tốt, tôi nghĩ loại hình du lịch này sẽ hút khách trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, bà Đồng Thị Kiều Oanh, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Nam Phương, TP.HCM cho biết, địa phương cũng cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, tạo thêm các sản phẩm hỗ trợ thì nơi đây, cùng với những nét văn hóa độc đáo của Nhà dài Long Sơn (xã Long Sơn) sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Với chúng tôi, việc được thưởng thức các món ngon ở nhà bè, xem các ngư dân lao động, sản xuất… trên sông tại một làng bè đã tạo nên những cảm hứng khác biệt so với những điểm đến quen thuộc hiện nay.

Du lịch, GO! - Theo Phong Vân (báo Du lịch), ảnh internet