Thôn Tà Nôi thuộc xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận nằm chơi vơi nơi lưng chừng rừng sâu Pha Róa, núi Weng. Đường về Tà Nôi quá đỗi gian nan, cách trở. Tôi chợt giật mình khi nghe Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới - ông Ca Mau Hiền - suy tư tâm sự: Ở đây, cái đói, cái nghèo, cái hủ tục lạc hậu... như vẫn còn đeo bám cuộc sống của người dân tộc thiểu số suốt đời này sang đời khác.


Vẫn còn vô số trẻ em bỏ học, những sơn nữ Raglai ở Tà Nôi 'bắt chồng' từ tuổi 13-15! Mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ đời sống cho dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là giúp dân "cần câu cơm" trong chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện Tà Nôi - một thôn vùng cao của xã đặc biệt khó khăn Ma Nới - vẫn còn phân nửa hộ nghèo, quanh năm đói ăn khi giáp hạt...

Gian nan đường đến trường


Dốc thôn Gia Rót cao sừng sững. Đứng đỉnh đường nghe rõ mồn một tiếng suối Ma Nhông reo réo rắt. Băng qua khỏi bờ tràn lại đối mặt với dốc trơn trượt. Vượt dốc rồi lại hì hục dắt xe qua suối nước chảy mạnh. Tránh vực thẳm. Đắm mình trong mưa phùn. Vừa dắt xe lội lầy, vừa lê bước... Và phải vất vả đánh vật gần 2 giờ đồng hồ mới chinh phục được đoạn đường đau khổ với 7 con suối lớn nhỏ chắn ngang, 12 gộp, dốc... chỉ dài 7km. Trong đời làm báo, tôi chưa bao giờ đi qua con đường thôn đầy gian khó như ở Tà Nôi này!

Ở nơi cuối con đường, nơi hốc núi Weng kỳ vĩ, nơi "lá phổi xanh" xanh bạt ngàn và đẹp đến nao lòng, làng Tà Nôi hiển hiện với khoảng hơn trăm nóc nhà. Gặp tôi, Trưởng thôn Tà Nôi - ông K'Tơr Tư -  nhanh nhảu nói: "Người ta thường bảo "đường vào làng, vàng vào nhà", còn ở đây đường chẳng ra đường nên lâu rồi mới thấy "người ngoài làng" đến thăm. Mùa mưa thì "nội bất xuất, ngoại bất nhập", còn mùa này nhiều người dân không đi đường chính đâu, vì nước suối còn lớn, sợ "bơi" không được. Dân đã bỏ ra 640 ngày công đào đắp một con đường khác chạy quanh theo các triền núi để thông ra trung tâm xã Tà Nôi. Dù phải đi quanh núi rất xa nhưng ít bị "tắt" đường...".


Rồi ông K'Tơr Tư bức xúc bảo: "Ai một lần đến Tà Nôi cũng thấy "ngán" con đường làng. Nhưng ở đây, ngày ngày, con cháu chúng tôi phải nhọc nhằn lội bộ đi học cái chữ ở xã Ma Nới. Để kịp giờ học, cứ 4 giờ sáng, khi trời còn tối mịt, sương mù còn giăng mắc khắp không gian núi rừng, các cháu phải thức dậy gọi bạn í ới rồi kéo nhau từng tốp 5-10 đứa dùng đèn pin soi đường đến trường. Tui thương đứt ruột, các anh ạ!

Cũng vì đường đến trường quá đỗi gian nan, nên nhiều năm rồi đã có vô số trẻ em ở Tà Nôi phải bỏ học giữa chừng. Hiện nay, nhờ xã bố trí trường nội trú dân nuôi nên thôn mới vận động "giữ" được khoảng 40 cháu ở lại trường học trong một tuần rồi về nhà nghỉ ngày chủ nhật để lấy thức ăn, đồ dùng và tiếp tục đến trường"...

Sơn nữ "bắt chồng" từ tuổi 13!

Trưa ở giữa làng Tà Nôi, mọi người thổi cơm nóng ăn với rau rừng đạm bạc và vây quanh chuyện trò. Tôi bất giác phát hiện ở đây có rất nhiều cô gái tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đang mang thai hoặc bồng bế những đứa con nhỏ nheo nhóc. Dường như tập tục “bắt chồng”, tảo hôn của người dân tộc Raglai ở Tà Nôi vẫn còn diễn ra khá phổ biến.


"Không đâu bằng gái Tà Nôi/ Mười ba, mười bảy "bắt" đôi chung tình/ Đói no một kiếp ba sinh/ Đặng sinh nhiều gái, đặng tình trăm năm... Ở Tà Nôi vốn nổi tiếng về chuyện sơn nữ bỏ học và “bắt chồng” từ tuổi 13" - ông Trưởng thôn K'Tơr Tư bảo thế.

Em Va Nhông Thị Ngọc (sinh năm 1995) vừa “bắt chồng” vào tháng 5.2010, bẽn lẽn kể: "Từ lâu, rất lâu rồi, con gái Raglai ở tuổi 12-13 đã được quyền xem mặt "bắt" người con trai mà mình yêu thích về làm chồng. Em biết lấy chồng sớm cực lắm, nhưng em thích anh ấy quá nên mới "bắt" chứ để cái con gái khác trong làng "bắt" mất!".

Thực tế, đồng bào dân tộc Raglai ở đây vẫn sống theo chế độ mẫu hệ, con gái theo họ mẹ. Cô gái 12-13 tuổi thích chàng trai nào thì sẽ trao cho người đó chiếc vòng cổ hoặc chiếc vòng tay bằng đồng để gọi là "thông báo" với mọi người trong làng rằng người con trai ấy đã có... chủ. Sau đó, hai gia đình gặp nhau để bàn bạc, hẹn ngày nhà gái tiến hành qua nhà trai "bắt" chú rể về. Kể từ đó, người con rể sống suốt đời bên nhà vợ, quanh năm làm lụng nương rẫy và chịu sự quản lý của vợ mình...

Anh Lê Thanh Tình - cán bộ tư pháp xã Ma Nới - cho hay: Nạn bắt chồng sớm, tảo hôn ở thôn Tà Nôi nói riêng, xã Ma Nới nói chung vẫn đang xảy ra rất nhiều, riêng năm 2009 có 20 trường hợp, năm 2010 cũng có ngần ấy trường hợp tảo hôn.


Mặc dù chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động, thuyết phục dân phải đăng ký kết hôn theo đúng tuổi quy định. Nhưng đa phần các em, nhất là các em gái bỏ học rất sớm để “bắt chồng”, như trường hợp của em Ca Mau Tuyến, Vari Nhông Thị Phố...

Nếu như ngày nay đa số người dân tộc Kinh chỉ sinh 2 con và thường mong sinh con trai để có người "nối dõi tông đường", thì người dân tộc Raglai luôn cầu Giàng đẻ thật nhiều con gái để "bắt rể". Điều này dẫn đến hệ lụy nhiều gia đình ở Tà Nôi đói nghèo do quá đông con cái, từ 8-10 con. Đói nghèo do “bắt chồng” sớm và đẻ nhiều con như cái vòng luẩn quẩn cứ đeo bám họ suốt đời này sang đời khác.

Giúp dân "cần câu cơm"

Ông Katơ Qua - một nông dân sản xuất giỏi ở Tà Nôi - chỉ tay về phía đồi cây xanh ngát, không giấu nổi niềm vui: "Nhờ cán bộ chỉ cho cách làm nên cái cây bắp lai đã đơm trái to, cây điều ghép bung hoa rồi. Bà con sướng cái bụng lắm!". Cũng theo ông Katơ Qua, thôn Tà Nôi có 116 hộ với 530 nhân khẩu (100% là đồng bào dân tộc Raglai). Người Raglai vốn không chỉ lập gia đình sớm, đẻ nhiều mà còn sống du canh du cư, làm ăn mang tính tự cung tự cấp.


Tập quán sản xuất lạc hậu, chỉ chọc lỗ, trỉa hạt, gieo thóc xuống và chờ đến ngày thu hoạch. Mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa, mà lúa thì chỉ cao hơn một gang tay, thiếu nước, còi cọc, sâu bệnh, năng suất chỉ hơn 1 tạ/ha... Cây lúa nước, bắp lai, điều ghép... vốn rất xa lạ với đồng bào dân tộc miền núi, nhất là ở vùng đồi núi xa xôi như Tà Nôi.

Vậy mà chỉ vài năm gần đây, nhờ được cán bộ kỹ thuật của dự án "Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hoá cho đồng bào dân tộc Raglai xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn" tận tình cầm tay chỉ việc, bà con Raglai ở đây đã thay đổi tập quán canh tác, biết canh tác, chăm sóc khá thuần thục. Công trình thuỷ lợi đập va ở Tà Nôi đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 3ha ruộng lúa 2-3 vụ/năm với năng suất tăng lên 30-35 tạ/ha. Ông Trưởng thôn K'Tơr Tư khẳng định: Các chương trình đầu tư của Nhà nước, các chính sách trợ cước, trợ giá đã đáp ứng nguồn giống công nghiệp và các vật dụng phục vụ sản xuất trên 10ha điều ghép, 100ha đậu, bắp lai...

Từ đó, bà con thi đua sản xuất, chăn nuôi, từng bước thoát nghèo, như các hộ Katơ Qua, Ca Mau Linh, Ha Ra Quanh Thà, Ma Nhông Thiết... có thu nhập hơn 20 triệu đồng/năm.


Gió rừng. Và cơn mưa đầu xuân bất chợt ập đến, trĩu hạt. Mưa lấp loá trên non thái kỳ vĩ. Bí thư Đảng bộ xã Ma Nới - ông Ca Mau Hiền - chia tay và nói với tôi: "Tiếc là anh không có mặt để cùng dân Raglai thổi nhạc cụ mã la, khèn bầu, đàn chaphi, ống sáo... để vui hội cúng mưa, cùng mừng lúa mới. Nói thật cái bụng nhé, dẫu Tà Nôi vẫn còn đến 48% hộ dân đói nghèo, nhưng cùng với đầu tư hệ thống điện, nước sạch, trường tiểu học..., chương trình đầu tư mô hình phát triển nông nghiệp toàn diện vùng gò đồi hoang hoá được xem là một "cuộc cách mạng" giúp người Raglai dần đổi đời. Địa phương đang quyết liệt thực hiện chương trình xây dựng nếp sống mới, lấy cán bộ đảng viên đi đầu trong việc vận động dân chấm dứt nạn tảo hôn, đẻ nhiều.

Điều trăn trở nhất, mong mỏi cháy bỏng lớn nhất hiện nay là Nhà nước sớm quan tâm xây dựng con đường giao thông từ xã đến thôn Tà Nôi để phục vụ cho người dân đi lại được dễ dàng, đảm bảo vận chuyển hàng hoá để mở rộng giao thương buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội".

Du lịch, GO! - Theo Lưu Phong (Laodong), internet