Giữa miền khô khát bậc nhất cực Bắc của Tổ quốc, từ bao đời nay người dân hai thôn Lô Lô Chải và Thèn Tả (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) đã chứng kiến hai hồ nước trong xanh, quanh năm không bao giờ cạn.
Hai hồ nước này từ lâu đã được coi như một biểu tượng của Cao nguyên đá, cũng từ đó đã có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết kỳ lạ được truyền trong dân gian.


Nơi rồng ở

Nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn ai cũng nghĩ ngay đến một vùng toàn đá. Nơi đây được nhiều người biết đến là địa danh khan hiếm nước nhất nước ta. Để có nước sinh hoạt cho bà con, hàng tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng khoảng 300 hồ treo trữ nước.


Tuy nhiên, những hồ nước nhân tạo đó cũng không cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho bà con là bao, vì hằng năm vào mùa khô nhiều hồ vẫn trong tình trạng trơ đáy. Đó vẫn đang là bài toán chưa có lời giải của tỉnh Hà Giang và nhiều nhà khoa học tâm đắc.

Ấy vậy mà, từ bao đời nay, ngay dưới chân đỉnh núi Rồng đã xuất hiện hai hồ nước lớn được ví như đôi mắt rồng với diện tích mặt hồ lên đến hàng nghìn mét vuông, nước trong hồ quanh năm không bao giờ cạn. Đây cũng là nguồn nước chính cung cấp cho 86 hộ, 411 nhân khẩu đồng bào Lô Lô ở Làng văn hóa Lô Lô Chải, và gần 100 hộ dân thôn Thèn Tả. Điều đặc biệt hai hồ nước này cách nhau khoảng 200m ngay dưới chân đỉnh núi Rồng. Trên đỉnh núi Rồng là cột cờ Lũng Cú.


Đứng trên cột cờ Lũng Cú du khách có thể "gói gọn" trong tầm mắt cả Làng văn hóa Lô Lô Chải và trung tâm xã Lũng Cú. Theo chị Đặng Thị Thanh, người dân làng văn hóa Lô Lô Chải, là hướng dẫn viên du lịch thì: "Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô còn gọi là "Long Cư", nghĩa là nơi rồng ở.

Chuyện kể rằng, xưa kia một con Rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư này. Song có điều làm Rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt, bà con nhân dân vô cùng cực khổ.


Vì vậy, trước khi về trời, Rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng như một nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Cũng từ đó hai hồ nước này được dân gian gọi là hồ mắt rồng, ngọn núi cao nhất này được gọi là núi Rồng".

Hồ nước không bao giờ cạn

Điều khó tin nhất là tại sao ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển mà hai hồ nước không bao giờ cạn, trong khi đó nhiều hồ nước nhân tạo mới được xây dựng đến mùa khô lại cạn. Ngay cả con sông Nho Quế nước cuồn cuộn chảy cũng gần như cạn kiệt vào mùa khô.


Theo các cụ cao niên trong Làng văn hóa Lô Lô Chải và thôn Thèn Tả thì sở dĩ hai hồ nước không bao giờ cạn vì đây là đôi mắt của rồng tiên để lại, khi hồ nước vơi đi ít nhiều thì lại có những trận mưa cấp nước cho hồ.

Ở giữa hai hồ nước lớn là một quả núi nhỏ. Vì nó nằm ở giữa hai hồ nước nên nhiều người cho rằng đó chính là mũi của rồng. Trên núi là những ngôi nhà của người Lô Lô nhưng ít ai biết được trong lòng núi đó là hang nước. Đó là con suối nhỏ trong vắt, là nguồn nước uống chính của 411 người dân tộc Lô Lô và hàng trăm bà con dân tộc khác xung quanh. Nơi đây được bà con rất coi trọng, họ rất kiêng kỵ và gìn giữ, chính vậy mà bao đời nay hang nước này vẫn không hề có gì thay đổi.


Ông Trình Dỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải khi được hỏi về hai hồ nước được dân gian truyền rằng là hai mắt của rồng cũng không thể lý giải. Nhưng dù sao chăng nữa, nơi đây vẫn là nơi được người dân coi trọng nhất, đó là nguồn sống, là biểu tượng của cả vùng Cao nguyên đá bao gồm 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc khô khát.

Hồ mắt rồng được hình thành trên dải núi cao cấu tạo từ đá vôi cứng xen với các dải đá vôi mềm có lẫn đất sét. Loại đất đá này rất cổ, khác với loại đá vôi ở phía nam Đồng Văn và Mèo Vạc - đá vôi tương đối thuần, là ở các dải đá mềm ở Lũng Cú chứa nhiều lớp đá sét (trên Lũng Cú, nơi nào núi cao là đá vôi cứng. Nơi nào thấp thường là đá vôi lẫn sét mềm). 


Mặt khác, khi phong hóa, đá này để lại lớp đất sét dày, rất thuận lợi cho cây cối phát triển và con người sinh sống. Lớp đất đá sét này chính là tác nhân chắn nước để hình thành nên hồ nước. Các trũng thấp thường là nơi giao nhau của các dải đá mềm, nơi mà đá vôi, do quá trình phong hóa đã hòa tan theo nước mưa thấm chảy qua hang hốc vào lòng đất, đất sét không hòa tan, còn lưu lại.

Ở một số trũng, mức độ hòa tan của đá vôi mạnh hơn, hạ thấp nhanh, tạo nên phễu thu nước từ các khu lân cận. Trong các đợt mưa lớn, nước chảy mạnh, có thể cuốn theo đất đá và cây cối, chẹn lấp một phần đường thoát, giữ nước lại trong phễu, hình thành dần nên hồ nước. Vì phễu nằm thấp, nên nước ngầm trong các đồi núi xung quanh thấm dần vào hồ, giữ cho hồ có nước gần như quanh năm.

Ngoài ra, có thể phễu hình thành do sập hang động, hoặc con người xưa kia đã lấy đất đá lấp hang động để giữ nước - song có lẽ ít khả năng hơn. Cái chính là khu vực này có đá vôi xen đá sét nên mới có điều kiện chắn nước và giữ nước lại.

Du lịch, GO! - Theo Bee, internet