Cầu Ngói bắt ngang sông Trung Giang, cách chùa Lương 150 m, nằm trên trục đường gắn liền với chùa, đền thành một cụm di tích. Theo “Quần Anh địa chí”, cầu được hình thành cùng thời gian với chùa Lương.

Toàn bộ cầu gồm 9 gian, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp; với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỷ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói hình mũi hài âm dương trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Chạm khắc trên cầu tuy đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân khách bộ hành nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê.

Qua đôi câu đối trên cầu cho thấy Thuỷ Tổ đã quan tâm đến việc bắc cầu ngay từ thời gian đầu tiến hành khẩn hoang: “Lê Hồng Thuận Tứ tính thuỷ mưu giá ốc biệt thành giang thượng lộ”. “Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung thê”.

Nghĩa là:
“Đời Hồng Thuận (1509 – 1515) bốn họ tính kế dựng nhà trên cầu, thành đường trên nước”. “Đời Khải Định thứ 7 (1922) tu sửa như cũ, từng bậc xếp lên gương”.

Đôi câu đối trên cầu:
“Hoàng lộ phong thanh quá thử kỷ đa đề trụ khách.
Giang thành dạ tĩnh du phương ứng hữu thụ thư tiên”

Nghĩa là:
“Trên đường gió mát nhiều khách qua đây lưu lại văn thơ ca ngợi.
Đi trên cầu trong đêm vắng như có nhận được sách tiên”.

Buổi đầu còn đơn sơ lợp cỏ, đến thế kỷ XVII cầu được tu sửa quy mô hợp với cảnh chùa Phúc Lâm, qua nhiều năm nhưng vẫn mang đậm phong cách kiến trúc cổ truyền Việt Nam, là một di tích độc đáo của trấn Sơn Nam Hạ xưa và Nam Định nay. “Cầu Nam, Chùa Bắc, Đình Đoài”. Cầu Ngói, chợ Lương là một trong ba cây cầu đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.

Cầu cũng còn gọi là cầu “Thượng gia hạ trì” (trên nhà dưới sông). Cầu bắc ngang sông Trung Giang. Toàn bộ cầu 9 gian gỗ lim bắc trên hai hàng cột đá to đẹp với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỷ mỉ với bàn tay tài hoa người thợ Quần Anh. Ngoài, nề, mộc đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu vừa cong uốn lượn mềm mại, mái ngói nam trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên.

Cầu Ngói được các nhà nghiên cứu kiến trúc đánh giá là một công trình nghệ thuật độc đáo hiếm có, được rất nhiều du khách trong và ngoài nước từng về thăm phong cảnh Hải Hậu ca ngợi. Họ gọi đó là “Cầu chùa phương Đông”. Đó cũng là đề tài khơi nguồn cảm hứng cho nhiều văn nhân, thi sĩ.

Sư cụ Thích Đàm Mận, trụ trì Chùa Lương cho biết: Cầu Ngói là cây cầu thứ 10 trong xã Hải Anh. Cầu Ngói cũng có tên gọi khác là Thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu). Buổi đầu xây dựng, cầu được lợp hoàn toàn bằng cỏ khô. Phần phía trên được làm từ gỗ lim, mái được lợp bằng ngói vảy rồng. Cầu được đặt trên 18 chiếc trụ đá vô cùng chắc chắn. Mỗi trụ đá cao khoảng 4-5m, phần chân chôn sâu xuống lòng sông, bên trên ăn khớp với thân cầu. Giữa trụ và thân cầu không hề có bất cứ một chất kết dính nào.

Cầu vừa là nơi đi lại, vừa là nơi để khách bộ hành dừng chân nghỉ ngơi ngắm cảnh quan sông nước. Cầu đẹp đến nỗi, nho sĩ Trần Phúc Khiêm đã thốt lên:

“Quần Anh non nước xem như vẽ
Đề cột nhà thơ cảm hứng sâu”.

Trong những năm qua khu di tích được đón nhiều quý khách trong và ngoài nước về tham quan. Ban di tích cùng nhà sư bản tự và nhân dân từng bước tu sửa, bảo vệ di tích được trường tồn.
Ngày 26/3/1990, Cầu Ngói được Bộ VHTT công nhận là Di tích LSVH.

Du lịch, GO! - Tổng hợp