Tháp cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, cách TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu khoảng 20km.

Tháp được liệt kê vào danh mục các di tích kiến trúc Khmer, với tên gọi tháp Trà Lòng và đã được nhà cầm quyền lúc đó xếp trong danh mục di tích lịch sử ở Nam Kỳ.

Tháp còn có tên gọi khác như: Bhah Dha, Lục Hiền... Theo tư liệu, tháp cổ Vĩnh Hưng được một nhà khảo cổ người Pháp phát hiện vào năm 1911, có số hiệu 902. Tháp thờ một vị vua Khmer có tên là Yacovar - Man.

Vào thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tấm bia khắc chữ Phạn ghi rõ tháng 814 tương ứng với năm 892 (sau CN) ở chùa cạnh tháp. Tháp được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2. Bình diện chân tháp hình chữ nhật với hai cạnh là 5,6m và 6,9m, chiều cao của Tháp còn lại 8,2m (đỉnh Tháp đã bị sập), nóc cao uốn thành vòm với một cửa chính của Tháp quay về hướng tây. Toàn bộ ngôi Tháp được xây dựng bằng gạch.

 < Những hiện vật trong tháp cổ.


Trong tháp có một bàn tay tượng thần bằng đồng; một phần thân dưới của tượng nữ thần; tượng nữ thần bằng đá xanh; tượng nữ thần Brahma mặt bằng đồng; đầu tượng Phật bằng đồng... và một số vật thờ khác.

Những lần khảo sát và thăm dò, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm thuộc nền văn hóa Óc Eo và những tượng đồng - đặc biệt có tượng bốn mặt.

Lý thú hơn cả là lần khai quật gần đây nhất (3/2002), các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều tượng đồng đặc biệt quý hiếm, bên cạnh đó còn có những tấm ngói còn nguyên vẹn hoa văn.

Mặc dù chưa công bố kết quả, nhưng những bức tượng ấy khó tìm thấy ở đâu đó, dù trong những quyển sách nói về tượng cổ.

Mỗi ngày có rất nhiều du khách, các nhà nghiên cứu đến tham quan tháp, nhưng đông nhất là ngày 15 tháng giêng âm lịch, nhân dân địa phương tổ chức giỗ lớn tại tháp.

Để chiêm ngưỡng Tháp cổ, du khách đi đường quốc lộ 1A hướng Bạc Liêu - Cà Mau, khoảng 5km đến cầu Sập, rẽ phải theo lối vào chợ Vĩnh Hưng A, là đến tháp Vĩnh Hưng.

Du lịch, GO! - Theo Datmui online