Trong đời sống tinh thần của người Brâu (còn gọi là người Brao), chiêng Tha là một biểu tượng tinh thần, quyền uy tối linh. Người Brâu quan niệm, mỗi khi chiêng Tha lên tiếng sẽ mang đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng.

Brâu là một trong sáu dân tộc thiểu số có số người ít nhất ở Việt Nam hiện nay. Dân tộc này hiện có khoảng 81 hộ với 390 nhân khẩu - có ngôn ngữ Môn - Khmer, sống tập trung ở làng Đắc Mế, xã Bờ Y huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Người Brâu có truyền thống du canh du cư. Họ chủ yếu đốt rừng làm rẫy để trồng các loại lúa, ngô, sắn, với công cụ sản xuất thô sơ như: rìu, rựa và chiếc gậy chọc lỗ tra hạt; năng suất cây trồng thấp. Trong đời sống tinh thần của người Brâu, chiêng Tha là một biểu tượng tinh thần, quyền uy tối linh.

Chiêng tha chỉ có hai chiếc, gồm Chuar (Vợ) và Jơliêng (Chồng). Cả hai đều không có núm (chiêng bằng), có kích cỡ khác nhau (Jơliêng to và dày hơn Chuar).

Người Brâu coi chiêng Tha là "vật chủ" thông linh giữa thế giới phàm tục của con người và thế giới các thần trên cao. Bởi vậy khi có lễ trọng trong làng, người Brâu mới tổ chức “mời” Tha về. Người Brâu không nói đánh chiêng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên, mà gọi là “gọh Tha”, tức mời Tha nói. Người đứng ra mời là già làng hoặc người được cả làng tôn vinh, đảm nhiệm vai trò chủ lễ. Lễ “ Gọh Tha”  to hoặc nhỏ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của làng, nhưng ít nhất cũng phải là một ché rượu và một con gà. Chủ lễ cắt tiết gà rồi xoa vào lòng chiêng theo vòng tròn nhiều lần, rót rượu đầu ghè “mời” chiêng uống, và khấn thần linh bốn phương. Khấn xong, hai nghệ nhân mới vào thực hiện việc “ mời Tha nói”. Phong tục - Văn hóa VN

  Your Ad Here

Khi diễn tấu, hai chiêng được treo lên theo hướng úp vào nhau, cách mặt đất khoảng chừng 15 đến 20 cm. Cách diễn tấu chiêng Tha được coi là độc nhất vô nhị so với các loại cồng chiêng khác ở Tây Nguyên. Người Brâu gọi dùi đánh chiêng Chồng (Jơ liêng) là dùi Đực, dùi đánh chiêng Vợ (Chuar) là dùi Cái. Người đánh dùi Cái thúc âm ở mặt chiêng, còn người đánh dùi Đực thúc dùi vào lòng chiêng. Họ ngồi bệt xuống đất, hai chân duỗi thẳng, bàn chân nâng áp sát thành chiêng để ngắt tiếng, tạo âm sắc cho chiêng. Khi diễn tấu bao giờ chiêng vợ cũng lên tiếng trước, khi nhập được vào tiết tấu rồi chiêng chồng mới tham gia. Chiêng Tha nổi lên một, hai bài thì các chiêng khác mới được vào cuộc.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì chiêng Tha là một trong những loại chiêng cổ nhất ở Tây Nguyên. Người Brâu coi chiêng Tha là chiêng thiêng, như vật “ Gia bảo”. Bởi vậy rất ít khi chiêng Tha được mang ra khỏi cộng đồng làng. Tuy nhiên, do tính độc đáo của chiêng Tha, nên các nhà làm công tác văn hóa đã thuyết phục già làng Brâu để chiêng Tha tham gia các lễ hội cồng chiêng lớn của tỉnh cũng như ở khu vực.

Người Brâu quan niệm, mỗi khi chiêng Tha lên tiếng sẽ mang đến những điều tốt lành, hạnh phúc cho cộng đồng. Tham dự Lễ hội lần này, người Brâu mong muốn sẽ góp phần tạo thêm sự phong phú và thành công rực rỡ cho lễ hội, và cũng là để giới thiệu chiêng Tha với bạn bè các dân tộc trên mọi miền đất nước.

Du lịch, GO! Tổng hợp theo Đèn Thần + internet