“Bà con xuống xe đi bộ qua bắc dùm !”.
Tiếng của lơ xe đò rao lên, hành khách tỉnh giấc ngủ gà ngủ gật bảo nhau:
“Tới bắc Mỹ Thuận rồi.”


Mọi người lục tục xuống xe, đi bộ vượt lên trước dòng xe đậu nối đuôi, nhắm chừng chiếc xe của mình còn kẹt bao lâu, liệu thời gian ăn dĩa cơm, uống ly nước, mua mấy món quà. . .
Từ hồi nào đến giờ hai chữ Mỹ Thuận đi liền với chữa bắc. Bắc Mỹ Thuận. Đến nỗi hồi mới nghe nói "cầu Mỹ Thuận” thấy lạ lạ tai. “Bà con ơi xuống xe đi bộ qua cầu Mỹ Thuận”.
Mặc dù đó là chủ định ban đầu, là sự chuẩn bị từ lúc hai trụ cầu cao xuất hiện ở xa xa, mà khi nghe những người đồng hành rao lên, tôi vẫn không đừng xúc động. Từ nay, xe qua cầu Mỹ Thuận, chứ không còn qua bắc Mỹ Thuận nữa. Thôi nhé, những chiếc bắc sẽ dời về bến Cần Thơ, phập phồng đợi cái ngày mà sông Hậu cũng được bắc cầu, để vào viện bảo tàng ôn lại một thời bi hài kịch ngỗn ngang.

Bến bắc từ nay vắng vẻ, kể cũng buồn: không còn tiếng chào mời xoài cát Hòa Lộc, nem Lai Vung, cam Cái Bè, bánh phồng tôm Sa Đéc; không còn gã hát rong dạo cây ghi-ta phím lõm hát về mối tình anh bán chiếu; cũng không còn cơ hội để cho anh công tử miền Tây tán tỉnh cô đầm Duras. Những chiếc bắc lừ lừ trôi qua dòng sông mênh mang ấy là nơi gần như duy nhất có thể xảy ra cuộc gặp gỡ tình cờ của một người đi xe hơi có sốp-phơ riêng với một người đi xe đò chen chúc những gióng gánh, gà vịt. Qua bắc, ai cũng phải xuống xe, sang hay hèn cũng phải đi chung chuyến bắc, cùng đứng nhìn lục bình trôi man mác về phía trời nước giáp mí xa xa, khó gì câu chuyện làm quen? Cho dù lên bắc rồi, người có thể rẻ về Sa Đéc, người có thể qua Vĩnh Long, hay đi thẳng xuống Cần Thơ. Nhưng thời gian chiếc bắc nối hai bờ sông Tiền cũng đủ bắt đầu những mối tình lãng mạn.

Với chút lãng mạn, tôi rủ bạn bè đi chơi Bảy Núi một ngày trước ngày chính thức thông cầu, để còn qua kịp chuyến Bắc Mỹ Thuận cuối cùng, rồi hôm sau quay về Sài Gòn thì sẽ trở thành những người đầu tiên qua cầu Mỹ Thuận. Xe tới bắc, nối đuôi một dòng xe dài dằng dặc, những người bán hàng rong ùa tới chào mời ríu rít. Họ thảy đồ lên mình, dúi vào tay mình, rồi lẳng nhẳng dụ mình mua, không mua mà trả giá tới trả giá lui thì họ chửi, người trên xe hoảng hồn im thin thít. Chưa kịp thở phào khi đám bán hàng rong giãn ra thì những gã ăn xin bậm trợn tự đẩy cửa kính xe thò đầu vô xin tiền. Mọi người bấm tay nhau làm thinh.

Ca cẩm một hồi, một gã ăn mày sốt ruột bảo: “Cho lẹ đi, đặng tụi tui đi phứt cho rồi”. Giọng nói và bộ dạng gã có vẻ như gã sắp giơ nạng phang bể kính xe. Đành nộp tiền mãi lộ. Rồi gài chặt cửa kính lại. Bấy giờ xuất hiện một gã hốc hác lờ đò, chẳng nói chẳng rằng, chỉ giơ ra tờ giấy xét nghiệm HIV. Gã cầm tờ giấy đi vòng quanh cái xe đóng kín, chán nản đi qua xe khác, lại chìa tấm giấy nhàu nát vào mặt hành khách, không nói không rằng. Hành khách thường qua bắc nhận xét: thằng cha đó bữa nay hiền. Bữa nào thằng chả tới cơn (ghiền ma túy) , mà xin tiền không được, thằng chả nhào vô . . . cắn. May sao, hết màn HIV thì chiếc xe đã nhích được vào khu vực mua vé chờ xuống bắc, chỗ này tương đối yên thân. Hành khách xuống xe .

Đứng ở bến bắc, hầu như mọi người cùng nhìn về một hường: từ Sài Gòn xuống thì chiếc cầu mới toanh nằm bên tay trái, cách bến bắc một cây số. Bắc từ từ ra giữa sông, vẫn cảnh trí thân quen của đôi bờ xanh um vườn tược , nhưng nay giữa đôi bờ là chiếc cầu treo, trông như chiếc đòn gánh thon thả cong cong, gác trên hai thúng trái cây chín mơn mởn.

Một ông người xứ Cần Giờ đi Long Hồ thăm xui gia chép miệng: “Mới ba năm trước đưa dâu qua sông này, nghe nói sắp xây cầu, bây giờ ngó cây cầu mà thấy đã. Đâu như cây cầu Dần Xây xứ tui, có chút bẻo mà xây cả chục năm nay mới được hai đầu cầu”. Người chung quanh góp chuyện: “Ai biểu đặt tên cầu Dần Xây, thì cứ dần dần mà xây. Phải như cầu Mỹ Thuận, thì mới tốt đẹp suôn sẻ được”. Trước khi lên xe đi tiếp về núi Sam, tôi ngoái lại hẹn với cây cầu:”Ngày mai qua nhé!”

Hôm sau đi chơi núi Cấm về, những người đi chung xe quyết định ghé Cù Lao Giêng nghỉ đêm. Cầu mới làm lễ khánh thành hồi trưa, dân thành phố và dân các tỉnh miền Tây nô nức đi xem, xe cộ người ta kẹt cứng hai bên cầu, đến nỗi chị bạn sốt ruột nhảy xe đò về chiều hôm đó, phải chạy vòng ngã An Hữu, rốt cuộc đi thông cầu mà chẳng qua được cầu. Trưa ngày 22/5, đám còn lại trong bọn tôi mới về tới Mỹ Thuận.
“Bà con ơi xuống xe đi bộ qua cầu”.

Nghe giọng đùa cợt mà tự nhiên cảm xúc trào dâng đến nghẹn ngào. Cầu đã thông xe, cờ phướn của lễ khánh thành hôm qua vẫn còn phấp phới, lối đi bộ hai bên cầu tấp nập người ngược xuôi. Mấy chị trông có vẻ bạn hàng, tướng đi xấp xởi, vừa đi vừa ăn uống nói cười: Bưa nay đi bộ qua sông Tiền đặng làm lịch sử, chứ mai mốt thì cứ ngồi trên xe mà chạy một cái ét là qua cầu Mỹ Thuận thôi”. Niềm vui của những người dân đồng bằng ít có dịp nhìn thấy cái gì lớn lao hay ho hữu ích hơn kênh xáng với cầu đúc, nay được đi qua cái cầu lớn nhất miền Nam, cái cầu treo hiện đại nữa chứ, niềm vui chất phác ấy hiển hiện rõ trên những gương mặt rám nắng, làm giãn nở những vết nhăn nheo, làm tươi thắm những nụ cười hiền hòa.

Mấy ông Hai Lúa, Sáu Tôm, Mười Cá đứng ngó tấm bảng ghi cây cầu này là công trình hợp tác Việt – Ú́c, gật gù: “Nước Ú́c ở đâu ta? Xứ đó có nhiều sông như xứ mình không?” Miền tây sông ngòi kênh rạch chằng chịt, xây cầu là làm chuyện giúp được bá tánh nhiều nhất, nên xây cầu đắp đường được người dân kể như chuyện làm phước, dù ai làm được, mọi người đều hoan hỉ.

Tôi cũng đi bộ qua cầu, mặc dù giò cẳng muốn rụng ra sau chuyến leo núi Cấm hôm qua. Lòng tôi đầy hân hoan, không phải vì cây cầu treo hiên đại (tôi may mắn được đi qua vài cây cầu khác cũng độc đáo lắm); lòng tôi hớn hở như trẻ thơ vì không khí thanh bình chan hòa khắp nơi, vì sự phồn thịnh hứa hẹn trong ánh mắt mọi người. Đứng trên đỉnh cầu Mỹ Thuận nhìn sông Tiền sao mà mênh mông , sao mà trù phú, vườn ruộng đôi bờ sao mà xanh biếc mượt mà. Cái bến bắc từng đóng vai trò “huyết mạch” trong thông thương Sài Gòn - đồng bằng sông Cửu Long vẫn nằm kia. Nhưng nhìn từ đây sao nó nhỏ xíu đến chạnh lòng.

Những chiếc ghe hàng ngược xuôi trên sông cũng nhỏ như những chiếc lá, còn những giề lục bình thì không có vẻ như muốn trôi đi đâu. Người ta đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông thân quen để thấy nó từ vị trí khác, rồi người ta ngước nhìn bầu trời bao la bình yên, rôì người ta cười nói với những người chưa quen biết chung quanh. Ai đó ngâm nga hát “chiếc cầu là nơi hò hẹn….,nhịp cầu nối những bời vui”. Có ở đâu người ta yêu cây cầu như ở đây?

Tuỳ bút  của Lý Lan 
-------------

Cầu Mỹ Thuận nối liền giữa hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Đầu cầu phía Bắc thuộc xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; đầu cầu phía Nam thuộc xã Tân Ngãi, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Vượt qua sông Tiền nối với tỉnh Tiền Giang.

Qui mô và tiêu chuẩn kỹ thuật

Thông tin chung:
Loại cầu: cầu treo dây văng theo hình rẻ quạt (semi-hanp) với hai mặt phẳng dây cách nhau 18,6m;
Tổng chiều dài cầu: 1.535,2m;
Phần cầu chính dây văng: 660m;
Phần cầu dẫn: 875,2m (gồm 22 nhịp);
Tải trọng thiết kế: theo tiêu chuẩn AUSROADS-92 của Úc, có so sánh và kiểm toán với tải trọng H30-XB80 theo tiêu chuẩn 22 TCN 18-79 của Việt Nam;
Độ dốc dọc cầu: 5%;
Lực va xô tàu, vuông góc với tim cầu: 32,000 KN (xuôi dòng), 15,000 KN (ngược dòng);
Song song với tim cầu: 16,000 KN (xuôi dòng), 7,500 KN (ngược dòng);
Khổ thông thuyền: 37,5m x 110m;
Khổ cầu 4 làn xe cơ giới, 2 lề bộ hành tổng cộng rộng 23m.

Kết cấu dầm
Dầm cầu cấu tạo bê tông DƯL grade 50, gồm 2 dầm biên, các dầm ngang, bản mặt cầu thi công theo phương pháp đúc hẫng. Dầm biên cao 1760mm rộng 1200-1400mm, bản mặt cầu dày 250mm.
Dầm biên được treo bằng 4 x 32 bó cáp, mỗi bó gồm từ 22 đến 69 tao 15,2mm, mỗi tao gồm 7 sợi đặt trong ống HPDE có màu để trang trí. Mỗi bó cáp một đầu neo vào dầm, đầu neo vào tháp, có dự trữ hệ thống chống rung cho cáp.

Tháp cầu
Tháp cầu hình chữ H bằng bê tông cốt thép grade 50 cao 123,5 m (tính từ đỉnh bệ cọc); 84,43m (tính từ mặt cầu). Kết cấu móng trụ tháp gồm 16 cọc khoan nhồi có đường kính 2,5m hạ đến cao độ -90m ( tháp bờ Bắc) và -100m (tháp bờ Nam), cao độ đáy bệ phần đặc là + 1m, ống vách đặt tới cao độ -35m (tháp bờ Bắc) và -40m (tháp bờ Nam).

Trụ neo
Đặt tại hai đầu cầu chính để chống dịch chuyển cho tháp. Thân trụ neo gồm hai cột bê tông cốt thép ứng suất trước bê tông mác 400, kích thước 1500x3500mm. Trụ neo không có xà mũ, thân cột liên kết trực tiếp với kết cấu nhịp. Móng trụ neo gồm 2 cọc khoan nhồi đường kính 2,5m mỗi trụ đặt ở độ sâu -60 (bờ Bắc); -74 và -84 (bờ Nam).

Hệ cáp dây văng
Sơ đồ bố trí dây văng cầu Mỹ Thuận theo hình rẻ quạt (semi-hanp) với hai mặt phẳng dây cách nhau 18.6m. Các cặp dây văng (thượng, hạ lưu) được bố trí đối xứng qua mặt phẳng thẳng đứng đi qua ti dọc của cầu. Góc nghiêng của dây văng so với phương nằm ngang nhỏ nhất (dây văng ngoài cùng) là 31.031o, và lớn nhất (dây văng gần tháp cầu nhất của nhịp biên) là 77.39o. Dây văng ngoài cùng của hai nhịp biên được liên kết với hệ dầm cầu tại điểm cách tim trụ neo 5,0m về phía cầu dẫn.
Toàn cầu có 128 dây văng chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm có 16 dây. Dây văng ngoài cùng nhịp biên có số tao lớn nhất (68 tao), dây văng thuộc nhíp chính gằn tháp cầu nhất có số tao nhỏ nhất (22 tao). Các tao cáp kiểu Freyssinet 7 sợi, đường kính danh định 15,2mm.

Kết cấu cầu dẫn

Kết cấu nhịp
Mỗi bên gồm 9 nhịp 40m, 1 nhịp 38,8m và 1 nhịp 43, 8m đều dạng dầm BTDƯL đơn giản lắp ghép kiểu “Super Tee” (có hình hộp hở) cao 1750mm, rộng 2140 đến 2810mm đặt cách nhau 2160mm, bê tông mác 32. Riêng nhịp 43,8m gồm đầu hẫng 5m từ nhịp cầu chính và nhịp dầm đơn giản 38,8m. Mặt cầu đổ tại chỗ dày 20cm tại đầu dầm và 15cm tại giữa dầm (để khắc phục độ vồng ngược khi căng cốt thép). Bản đổ liên tục nhiệt trên 11 nhịp.

Mố cấu
Mố cầu bằng BTCT trên 14 cọc thép f 600mm, dài từ 35 đến 37m, trên đoạn 3m đầu đổ BTCT độn ruột cấp 32.

Trụ cầu
Trụ cầu bằng BTCT, thân trụ gồm hai cột BTCT hình chữ nhật kích thước mỗi cột 1200 x 3500mm cao. Mỗi trụ gồm hai nhóm cọc tách riêng, mỗi nhóm gồm 10 cọc 40x40cm; chiều dài cọc tại các trụ từ 33,2 - 41,2m.

Các công trình phụ

Gối cầu
Với cầu chính và tại mố dùng loại gối chậu (sliding pot bearing);
Với cầu dẫn dùng loại gối cao su (Eslastomeric bearing).

Khe co dãn
Khe co dãn đặt tại mố và tại chỗ tiếp ráp giữa cầu chính và cầu dẫn (loại SD 800) và tại mố (loại SD 320) loại khe co dãn cao su.

Hệ thống thoát nước từ mặt cầu
Ống thoát nước cách nhau 5,2m được bố trí trên mặt cầu sát gờ lề bộ hành, cầu chính nước thoát trực tiếp xuống lòng sông. Trên cầu dẫn, nước thoát xuống đất, qua bể lắng để xử lý trước khi thải ra sông.

Mặt đường đường trên cầu
Mặt đường trên cầu gồm hai lớp bê tông nhựa nóng dày 30 và 35mm, dưới có một lớp chống thấm.

Dải phân cách giữa cầu
Dải phân cách bằng bê tông được đổ ngay tại chỗ, lan can hai bên làn xe cơ giới bằng bê tông và thép, lan can cho người đi bộ bằng thép mạ kẽm.

Hệ thống cấp điện
Hai trạm biến thế 560 KVA đặt tại hai bờ sông;
Trạm điều khiển chính tại mỗi máy;
Hệ dây cáp điện đặt trong ống, nằm trong dải phân cách hoặc dưới sàn.
Đèn chiếu sáng và an toàn

Cột điện đặt tại dải phân cách giữa;
Đèn báo hiệu đường sông;
Đèn trang trí đặt trên mặt phẳng dây cáp;
Đèn báo máy bay đặt trên đỉnh tháp;
Đèn báo trong tháp;
Đèn báo sương mù đặt tại đài cọc.
Hệ thống chữa cháy

Hệ thống ống dẫn nước từ bờ sông phía Nam;
Một trạm bơm điện;
Một hệ thống dẫn nước từ trạm bơm lên cầu;
Van tăng áp suất tại đầu sàn cầu chính.

Đường dẫn hai đầu cầu
Rộng 21,5m gồm 4 làn xe cơ giới 2 x 8m, hai làn xe thô sơ 2 x 2m, dải phân cách giữa 0,6m lề đất 2 x 0,6m. Hai bên có bố trí đường gom chạy song song. Do Địa chất yếu nên phải tăng nhanh độ lún cố kết bằng bấc thấm và vải địa kỹ thuật Phạm vi đường đầu cầu 166,7m (bờ Bắc) và 118m (bờ Nam).

Kết cấu mặt đường có thể dùng 1 trong 2 loại:

Loại A
Lớp móng dưới bằng cấp phối đá dăm dày 20cm;
Lớp móng bằng cấp phối đá dăm cỡ nhỏ dày 30cm;
Lớp mặt bằng bê tông nhựa nóng dày 7cm.

Loại B
Phần trên tương tự như loại A nhưng có thêm một lớp móng cấp phối đồi có CBR > 5% và lớp móng dưới có cấp phối đá dăm dày 30cm. Nền cát đắp đạt K> 98%, CBR > 2%. Đường bộ hành có vỉa hè, kết cấu gồm hai lớp:
Cấp phối đá dăm dày 2,5cm
Bê tông mác 200 dày 7,5cm.

Theo Vemaybayhk