Những ngày rét mướt thường gợi nhớ trong tôi những cảm xúc trong hành trình đi về biên giới - nơi dòng sông Hồng từ Trung Quốc để chảy vào đất Việt.

Nơi tôi đã bao lần đứng sát mép sông, trên bờ đá cuội, khỏa tay mình vào dòng nước đỏ ngầu phù sa, mà sao dòng chảy từ suối Lũng Pô vẫn xanh mượt một cách lạ kỳ. Cũng là nơi tôi đã cùng bạn đồng hành ngồi pha ấm càphê trên cỏ tranh. Là nơi, tôi đã bồi hồi nhìn lên vách cát trồi sụt, tìm kiếm một câu chuyện bí mật, khi tình yêu bắt đầu…
Đã vài lần đi về phía Lũng Pô, nhưng lần nào cũng bắt đầu hành trình bằng sương giăng và mưa bụi. Sân ga Lào Cai chìm ngập trong sương mù, Bát Xát mù sương, mi mắt như thể được đính những hạt ngọc bằng nước mưa, gió lạnh buốt xuyên vào sâu trong áo khoác, luồn qua mảnh khăn len quấn chặt để chạm vào da thịt. Hơi thở mù mịt khói sương.

Tôi đi ngược sông Hồng. Qua chợ Trình Tường. Qua Đồn biên phòng Trình Tường - nơi tôi đã cùng mấy người bạn đồng hành năm nào ghé xin dừng chân vì đêm tối và vì muốn được chia sẻ cảm xúc cuộc sống với những người lính nơi biên thùy.

Con đường chạy song song với dòng sông. Phía bên kia bờ là Trung Quốc với những cột điện bề thế. Đường xuyên Á đang đổ trụ, từng đoạn bên đất bạn, còn bên đất mình vẫn rậm rạp cỏ tranh và bụi cuốn mờ trên con đường cấp phối nhọc nhằn.

< Bản định canh định cư của người Dao xã A Lù (Bát Xát) mới hình thành nằm sát đường biên giới Việt - Trung.

Từ Bản Vược, xấp xỉ 30km đường ngược sông Hồng tìm đến ngã ba sông. Qua những cái tên vừa lạ, vừa quen Nậm Trạc, Nậm Mít, Ngải Chồ... nhà cửa đơn sơ, bản làng hoang vắng, hãn hữu mới gặp vài chiếc xe đi ngược chiều. Lối rẽ xuống trạm biên phòng Lũng Pô hơi khuất. Từ xa đã thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc căn nhà nhỏ nằm chênh vênh trên một quả đồi.

Chúng tôi dừng xe bên ngoài bờ rào sắt. Yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gà túc túc đang kiếm ăn sau vườn nhà, mấy chú gà bé liếp chiếp vui tai. Con chó đen nằm im lìm trên bậu cửa, khẽ ngóc đầu lên khi nghe tiếng xe máy, rồi lại rúc đầu vào giữa hai chân, an lành.
Chúng tôi vừa đánh tiếng, vừa bước qua cổng để vào sân trạm biên phòng. Bấy giờ mới thấy mấy con chó cất tiếng và lao ra sân. Cùng lúc, một chiến sĩ biên phòng xuất hiện, tay áo xắn cao, xem chừng anh đang nấu bữa cơm chiều. Anh mời chúng tôi vào phòng khách và pha trà hỏi chuyện. Sau khi biết mục đích của mấy cô cậu thanh niên lên đây là để nhìn tận mắt, sờ tận tay “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, anh chiến sĩ trẻ mỉm cười. Mấy năm gần đây, có nhiều người như chúng tôi là những lữ khách đi bụi, mong khám phá và chinh phục những điểm đến đặc biệt của tổ quốc mình.

< “Nơi con sông Hồng chảy vào Đất Việt” - nơi dòng sông Hồng (màu hồng) và dòng suối Lũng Pô (màu xanh) gặp nhau, đều chảy từ địa phận huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sang địa phận bản Lũng Pô, xã Á Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (Việt Nam).

Và anh dẫn chúng tôi men theo một lối mòn nhỏ trên nương đồi rậm rạp những gốc lau sậy nở bạt ngàn hoa xuyến chi. Con đường không quá khó đi, nhưng cũng không dễ dàng gì. Đó là một lối nhỏ mà cỏ đã chen dầy, chứng tỏ không có nhiều người dạo bước qua đây. Tiếng nhạc bài “Chiều biên giới” phát ra từ chiếc điện thoại di động trầm bổng nhịp nhàng theo từng bước chân và tan ra trong chiều hoang vắng. Cuối con đường, cột mốc số 92 đứng trầm tư cô độc, màu đá hoa cương như làm chùng lại cả không gian, vài bông dã quỳ vàng rực cuối đông cũng không xóa đi được cơn gió lạnh đang thổi tới từ lòng sông.

Tôi men theo bờ cát và đám rễ cây để tụt xuống sát với mặt sông. Gió thốc lên, lạnh buốt. Tôi đứng lặng yên và nhìn về phía đầu nguồn... Tự hỏi, đâu là nơi dòng sông đã bắt đầu?
Nhưng tại ngã ba sông này trong một chiều hoang hoải, nơi dòng sông Hồng bắt đầu chảy vào quê mẹ, tôi biết, một tình yêu đã bắt đầu...

Mộc Hà - Giang Châu