“Có khi mất tay lái rơi xuống một cái hố sâu giữa rừng núi mới nhận ra cuộc sống thật mong manh. Giờ đây, tuần nào không vác xe đi là không chịu nổi, có lẽ phượt đã ăn vào máu rồi”, Sơn chia sẻ.

Nhớ lại lần đầu tiên đi du lịch bụi, Việt, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc Gia Hà Nội, vẫn không giấu được sự hứng khởi. “Lần ấy bọn em rủ nhau đi chơi bằng xe máy. Xế chiều, đi mãi mà vẫn quanh quẩn trong rừng, mới biết mình bị lạc, đành quyết định ngủ lại ngoài trời. Rừng đêm, sương xuống, cả 7 đứa co ro bên đống củi. Đêm ấy không ai ngủ, thi nhau buôn chuyện trời chuyện đất cho… đỡ sợ”, Việt kể.
Đêm đó với Việt là một kỷ niệm không bao giờ quên, Việt và một cô gái trong nhóm đã “thành đôi” từ chuyến lần “phượt” ấy. Đến giờ, Việt vẫn thầm cảm ơn chuyến “đi bụi” quý giá.

Niềm đam mê ”bụi”

Kể về “phượt” hiếm thấy ai hứng khởi như Nguyễn Lan Chi, cô sinh viên năm thứ 4, ĐH Ngoại Thương. Chi kể, ngay từ năm thứ nhất cô đã cùng “xế” thong dong qua bao con đường trên dải đất hình chữ S. Và cũng rất nhiều lần cô được nếm trải cảm giác lạ lẫm khi lang thang bên “xứ bạn”.

“Phượt đem lại cho bạn cảm giác tự do, có thể vạch ra lộ trình mình thích với khung thời gian linh hoạt. Bạn có thể dành cả nửa ngày chỉ để ngồi ngắm sông Mã ồn ào chảy siết từ một góc cao của Mường Lát hay đứng lặng hàng giờ trước những tu viện tráng lệ ở Shangrila. Không có hướng dẫn viên du lịch nào hối thúc bạn, cũng không bác tài xế nào phải cáu gắt vì đợi bạn quá lâu. Với phượt, bạn là người viết lên hành trình cho chính mình”, Lan Chi chia sẻ.

Cùng đam mê “phượt”, Phạm Linh Chi, K50, khoa Báo chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, đang háo hức chuẩn bị cho kỳ đi Thái Lan sắp tới. Để có tiền thực hiện chuyến xuất ngoại này, Chi đã phải làm thêm hơn một năm trời. Từ cuối năm ngoái, Chi đã “săn” vé máy bay giá rẻ, tìm kiếm danh sách quán ăn, nhà nghỉ, địa điểm vui chơi giá “mềm” ở Thái Lan. “Dù là lần đầu tiên đi đu lịch nước ngoài nhưng em vẫn muốn chọn đi “phượt”. Nghe mọi người nói về du lịch bụi hay quá, lần này em quyết thử một lần cho biết”, Chi hào hứng.

Niềm đam mê khám phá không chỉ có ở sinh viên như Chi, rất nhiều nhân viên văn phòng vẫn dành thời gian rảnh ít ỏi để được đặt chân lên những vùng đất mới.
Anh Nguyễn Đình Thăng, nhân viên trung tâm ý tế quận Thanh Xuân, hồ hởi: “Ăn nhau là “máu” chứ không phải kinh tế. Cái cảm giác là người tự khám phá, tự mày mò khi lạc đường, rồi òa lên sung sướng khi tìm thấy lối ra thì tiền không thể mua được”.

Nhóm anh Thăng cũng đã sắp xếp thời gian và hoàn thành kế hoạch đi Hồ Nam, Trung Quốc. Anh Thăng cho biết, nhóm sẽ đi ô tô đến Nam Định, sau đó đi tàu hỏa sang Hồ Nam. “Trên mỗi chặng đường sắp tới tôi đều có sự giúp đỡ của những người bạn ngoại quốc, dù chỉ quen nhau trên mạng, vì cùng chung sở thích đi “phượt”. Có anh bạn Trung Quốc đã mua vé cho cả đoàn chúng tôi, họ giúp đỡ rất nhiệt tình, không hề vụ lợi. Những tình cảm như thế rất đáng trân trọng”, anh Thăng bộc bạch.

Anh Thăng chia sẻ thêm, “phượt” giúp cho con người bộc lộ những khả năng tự bảo vệ mình, tự thích nghi khi đối diện với những khó khăn. “Bạn sẽ học được cách nhìn chòm sao xác định phương hướng nếu “lỡ” lạc đường trong rừng, hay khi khó khăn tình cảm mọi người trong nhóm chắc chắn sẽ gắn bó hơn. Những lần lạc đường như thế đảm bảo sẽ là kỷ niệm khó quên với mọi thành viên. Đi tour chắc chắn không có cái “thú” như vậy”, anh Thăng tâm sự.

Trong khi anh Thăng tìm được ở “phượt” cảm giác mới lạ và tình bạn bốn phương thì với chị Phạm Thị Lan, giảng viên khoa Báo Chí, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, “phượt” lại mang cho chị niềm hứng khởi được vượt qua chính mình. “Rời xa văn phòng máy lạnh với bốn bức tường tù túng, tạm “thoát” khỏi lịch trình lên lớp dầy đặc tôi vác ba lô đi du lịch bụi. Bao lo toan, stress và những tính toán đời thường tan biến hết. Chỉ còn lại cảm giác được sống hết mình, vượt lên bản thân, kẻ thù lớn nhất của mỗi con người”, chị bộc bạch.

Không những thế, theo chị Lan, “phượt” còn mang lại cho chị hương vị của sự mạo hiểm. “Đôi khi phải băng qua những con đường đầy sỏi đá, rồi những lần lạc đường chỉ biết ôm nhau đợi trời sáng trong rừng, là đốt quần áo để sưởi ấm. Thậm chí có những lần trượt chân xuống hố sâu tính bằng mét, mất phanh trên con dốc hay đi qua một cây cầu bấp bênh. Mỗi lần đi như thế là mỗi lần tôi tập được cảm giác vượt qua được nỗi sợ hãi. Những cảm giác mới mẻ và hồi hộp ấy khiến người lữ hành càng đi càng say”, chị Lan tâm sự.

Quả thật, qua lời tâm sự của những người mê du lịch bụi mới thấy, cái mà phượt mang lại không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần mà nó đã dạy cho con người cách sống, cách quên và tập cho họ vượt qua nỗi sợ hãi. Thậm chí, có những suy ngẫm và trải nghiệm mà họ chợt nhận ra sau một chuyến đi.

Như Nguyễn Thạc Sơn, ĐH Mỏ, chia sẻ: “ Có khi mất tay lái rơi xuống một cái hố hanh đánh liều đi đường núi trong đêm mới nhận ra cuộc sống thật mong manh. Đứng giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tôi lại cảm thấy trân trọng hơn cuộc sống. Giờ đây, tuần nào không vác xe đi là không chịu nổi, có lẽ phượt đã ăn vào máu rồi”.

“Né chặt chém”

Giống như cái tên dân dã của mình, du lịch bụi được nhiều người đánh giá là hình thức du lịch ít tốn kém hơn, có những tiện ích vượt trội so với đi tour như được tự chọn chỗ ăn, nghỉ… phù hợp với túi tiền của mỗi người. Tuy nhiên không ít người lo ngại, nhiều địa điểm du lịch “chặt chém” khách.
“Nhưng không phải không có cách “lách” giá. Nếu chịu khó một chút vẫn có thể thỏa mãn niềm đam mê “phượt” mà không phải lo lắng quá nhiều đến chuyện tiền bạc”, Lê Thanh Hòa, sinh viên ĐH Bách Khoa, chia sẻ.

Hòa kể, nhóm của Hòa gồm 7 người đã lên kế hoạch cách đây hai tháng đi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa. Vì là sinh viên, nên vấn đề “đầu tiên” (tiền đâu - PV) là mối quan tâm hàng đầu của nhóm. “Bọn em dự định thuê nhà dân, rồi nhờ họ nấu nướng cho cả bọn, thích ăn gì có thể nhờ họ mua và nấu nướng theo ý mình.

Vào khách sạn thời gian này vừa đắt lại không được thoải mái như ở ngoài”, Hòa tâm sự. Nhất là vào những ngày nghỉ, ngày lễ nỗi lo “chặt chém” của dân mê phượt lại càng tăng cao. Để “Chọn địa điểm ít người đến vừa “thỏa” mong muốn khám phá lại tránh được sự nhộn nhạo, cũng không phải lo bị “chặt chém””, anh Trần Minh tư vấn.

Theo anh Minh, du lịch không nhất thiết phải ở khách sạn, nếu những chỗ an toàn có thể thuê sân bãi và mang túi ngủ theo. So với ở khách sạn thì hình thức này rẻ hơn nhiều, lại được nếm trải sự thú vị khi được ngủ dưới “khách sạn nghìn sao”. Thậm chí, anh Minh cho rằng hình thức này còn giúp những người trong đoàn trở nên gắn bó hơn. “Trong khó khăn con người thường có xu hướng xích lại gần nhau, kể cả những con người chưa hề quen, không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội”, anh Minh nói.

Một số vật dụng cần chuẩn bị khi đi “phượt”:

- Trang phục phù hợp với địa hình (biển, núi, đồng bằng) và thời tiết vùng bạn chọn lựa. Có vùng ban ngày nắng nhưng đêm lại rất lạnh, cần theo dõi kỹ thời tiết để mang thêm áo rét.
- Các loại thuốc đau bụng: Thức ăn lạ miệng rất dễ làm bạn đau bụng.
- Kem chống nắng.
- Một ít đồ ăn nhanh và nước uống, phòng khi ngày đầu tiên đến điểm du lịch chưa tìm được quán xá.
- Những nơi có thể thanh toán bằng thẻ ATM thì nên mang thẻ thay vì mang nhiều tiền mặt
- Giấy ăn, giấy thấm mồ hôi.

Trang Lê
Theo Zing.vn