Nước ta có khá nhiều chùa Hang. Ngoài Bắc có chùa Hang ở Tuyên Quang, ngoài Trung có chùa Hang Thạch cốc (hay Thiên Sanh Thạch tự) ở Mỹ Hòa (Phù Mỹ, Bình Định). Trong Nam có chùa Hang Phước Điền tự ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang), chùa Hang Phật Quang tự ở hòn Phụ Tử (Kiên Giang).Đa số các chùa đều thuộc phái Bắc tông và khai thác hang núi làm thành chùa. Có lẽ duy nhất nước ta có ngôi chùa Hang nhưng chẳng có hang hốc nào cả.

Đó là chùa Hang ở khóm 4, thị trấn Châu Thành (Châu Thành, Trà Vinh). Tên gọi như vậy là bởi cổng chùa được xây bằng gạch “dầy” khoảng 5-6 thước, “thăm thẳm” như cái hang. Là ngôi chùa theo hệ phái Nam tông, tên chữ Phạn chính thức của chùa là Kompongnigrodha, được xây dựng hơn 370 năm. Đi “luồn” vừa qua “hang cổng”, không khí mát lạnh bao trùm khắp nơi. Không khí này có được nhờ trên diện tích 10ha của chùa là hàng bao nhiêu cây sao dầu có tuổi thọ hàng trăm năm. Đi trên con đường rợp mát bóng cây và không khí thanh sạch, bao nhiêu bụi trần hầu như tan biến, khiến lòng khách phương xa bâng khuâng cảm khái mùi thiền.

Mùi thiền còn “tỏa” ra từ những ngọn sao dầu và me cổ thụ trong tiếng kêu vang động khắp nơi của lũ chim đậu trên ngọn cây. Theo các sư, trước kia chùa có đàn dơi quạ “đông không kể xiết” cư trú thường xuyên. Nhưng vào năm Mậu Thân (1968), một quả bom rơi trúng chùa khiến đàn dơi bay tản đi đâu biệt tăm đến giờ.

Ngày nay, chùa chỉ còn đàn cò, diệc, cồng cộc cư trú. Mỗi sáng lúc bình minh sắp ló dạng, đàn chim “khổng lồ” này bay tản đi khắp nơi kiếm ăn. Chiều tối sụp ánh mặt trời, chúng sập sận tụ họp về kêu la chíu chít rất vui tai.

Từ thị xã Trà Vinh đến chùa chỉ có 5km, qua cống ngăn mặn Tầm Phương đã thấy rừng sao dầu xanh thẫm bên tay trái. Chùa Hang là một ngôi chùa Khmer nổi tiếng trong số khoảng 141 ngôi chùa của tỉnh Trà Vinh, của đồng bào dân tộc ít người này. Với kiến trúc độc đáo của cổng, với đàn chim hàng chục ngàn con, chùa Hang đã thu hút không biết bao nhiêu khách du lịch những khi họ đặt chân đến thị xã Trà Vinh thăm thú “đô thị trong rừng cây xanh”. Và chùa Hang còn một điểm độc đáo nữa khiến khách phương xa không thể không viếng thăm. Đó là chùa có một xưởng tạo tác gỗ mỹ thuật.

Tiếng là xưởng chứ thật ra đó là một gian nhà mái tôn khá rộng làm nơi các nghệ nhân khắc tạc những gốc cây bỏ đi thành những tác phẩm giá trị bạc triệu. Trà Vinh là “xứ sở” của những cây sao dầu cổ thụ, lại là nơi đang ngày càng chuyển mình, đô thị hóa, nên dù cố gắng giữ gìn các đại thụ hết mức nhưng người ta cũng phải bấm lòng hạ chúng xuống. Từ đó, những gốc cổ thụ trở thành những tác phẩm gỗ bền chắc độc đáo qua bàn tay các nghệ nhân.

Nghề tạo tác gỗ mỹ thuật của chùa Hang khởi phát từ khai thác những gốc cổ thụ bỏ đi nhưng công chính là do sư cả Thạch Xuông, trụ trì đời thứ 23 chùa Hang. Chính sư là người đã lặn lội tới chùa Tòa Sen (Bình Minh, Vĩnh Long) nơi ông Thạch Buôl nổi tiếng với nghề chế tác cây khô thành “con này con nọ” vào năm 2002.

Dưới bàn tay tài hoa của Thạch Buôl những gốc cây vô tri vô giác thành những con chim, con rồng, kỳ lân, sư tử... linh hoạt. Và cũng dưới sự chỉ dẫn tận tình của Thạch Buôl, đã có nhiều thế hệ con sóc (bổn đạo), không chỉ của địa phương mà còn cả những tỉnh khác và sư sãi trong chùa trở thành nghệ nhân điêu khắc gốc rễ cây. Đến nay, chùa đã có hàng trăm tác phẩm tạo hình từ gốc rễ cây, tham dự nhiều triển lãm trong nước và đã có hàng chục tác phẩm được người thưởng ngoạn yêu thích, mua với giá từ 10-100 triệu đồng một tác phẩm.

Ông Thạch Buôl năm nay 45 tuổi, dù rất nổi tiếng, nhưng là người hết sức khiêm nhường. Đến xưởng chế tác chùa Hang, nhìn các nghệ nhân đang lao động nghệ thuật miệt mài, đố ai biết Thạch Buôl là người nào. Bởi, ông áo quần bình thường, nếu không muốn nói xộc xệch, đẫm mồ hôi cặm cụi với đục với giấy nhám.

Thạch Buôl là người có năng khiếu điêu khắc, từ nhỏ ông đã “khai thác” nó bằng cách theo học thầy Mười Giác và thầy Bảy Tăng ở xã Đông Hưng (Bình Minh, Vĩnh Long). Người ta học hàng bao nhiêu năm trời vẫn chưa “thuộc” nghề, riêng ông vừa học vừa làm 3 năm đã là tay thợ giỏi. Đến nay, qua 16 năm làm nghề, Thạch Buôl đã có hàng trăm tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ từ gốc rễ cây cổ thụ, điển hình như: 12 con giáp, bồ câu, đại bàng, long lân quy phụng, muông thú, Phật Di Lặc, rắn thần Nagar...

Những tác phẩm này mang nhiều ý nghĩa triết lý, tôn giáo, chiều sâu văn hóa... Nhưng để có một tác phẩm “sống” từ một gốc rễ cây vô hồn đâu phải dễ, phải là người có cặp mắt nghệ thuật cao siêu. Chính vì vậy mà đến với chùa Hang là đến với sự chiêm ngắm một cách ngoạn mục nhiều mặt. Ngoạn mục nhất là khi thăm hội trường chùa, bạn sẽ có dịp chiêm ngắm hàng bao nhiêu tác phẩm điêu khắc trên gốc cây khô. Trước sân hội trường lại có bốn cặp bánh xe bò xưa cùng cây sa la (long thọ) - một danh mộc gắn liền với Phật tích - trồng từ năm 1994.

Theo Báo Hậu Giang