Trong chuyến chinh phục đỉnh Phan Xi Păng đầu tháng 11, anh Long - một khách hàng của Viettel - bị mạng này tính cước roaming đi Trung Quốc dù chưa hề bước chân sang lãnh thổ nước bạn (hic!).

Trước chuyến đi chinh phục đỉnh Phan Xi Păng đầu tháng 11, anh Long rất tự hào vì di động dùng mạng Viettel của mình sẽ vẫn giữ được liên lạc trên đỉnh cao được mệnh danh là “Nóc nhà của Đông Dương”. Nhà mạng đã tốn nhiều công sức và tiền của để đầu tư trạm phát sóng tại vị trí quan trọng này.

Tuy nhiên, trong chuyến hành trình lên đỉnh núi, tại khá nhiều vị trí, sóng di động của nhà mạng nội địa thì chập chờn trong khi của hãng viễn thông ngoại là China Unicom lại rất khỏe. Sóng di động ngoại “đè” sóng di động nội ở không ít địa điểm và máy cầm tay của thành viên nào có mở roaming thì sẽ sử dụng tín hiệu sóng di động của China Unicom chứ không phải của Viettel hay các mạng di động khác ở trong nước.

Mặc dù anh Long và một số người trong đoàn đã phát hiện ra điều này nhưng do nghĩ rằng mình đang ở lãnh thổ Việt Nam thì không bao giờ bị tính cước roaming nên không hề đề phòng. Trong khi đó, máy di động của anh Long đã được mở chế độ roaming tự động.

Sau chuyến đi này, anh Long nhận được tin nhắn của Viettel thông báo cước roaming đi Trung Quốc, số tiền mà nhà mạng tạm tính chỉ hơn 20.000 đồng. Lúc này, anh Long mới té ngửa. Tuy nhiên, do số cước roaming ít nên anh cũng không khiếu nại lên mạng di động. Anh tâm sự: “May là tôi chỉ nhận cuộc gọi ngắn, chứ nếu lúc đó lại còn sĩ diện buôn chuyện về việc đã leo lên gần đỉnh Phan Xi Păng rồi thì chắc bây giờ 'vỡ mặt' với hóa đơn cước di động”.

Mặc dù không quá bức xúc về chuyện bị tính cước roaming nhầm, anh này cho rằng, nhà mạng cũng nên có khuyến cáo để khách hàng biết về khả năng có thể bị tính cước roaming trên lãnh thổ Việt Nam khi dùng di động ở khu vực biên giới. Điều này sẽ tránh được thắc mắc của khách hàng khi nhận thông báo cước từ nhà mạng. “Sóng di động ngoại lại mạnh hơn sóng di động nội ngay trên lãnh thổ Việt Nam cũng có phần lỗi của mạng di động. Các hãng viễn thông trong nước nên nhanh chóng khắc phục tình trạng này”, anh Long nói.

Trao đổi với VnExpress.net, một nguồn tin từ Viettel cũng thừa nhận tình trạng "chờm sóng" (sóng di động nội, ngoại chồng lấn nhau) tại khu vực giáp ranh biên giới. Đại diện của nhà mạng này cho biết, với một số loại máy, sóng di động của nước bạn lại "ăn" hơn là sóng của mạng trong nước. Chính vì thế, với những khách hàng mở roaming và để chế độ tự động chọn sóng thì máy sẽ bắt sóng của mạng di động phát khỏe hơn.

“Tuy nhiên, đối với trường hợp bị tính cước roaming trên lãnh thổ Việt Nam, chúng tôi sẽ rà soát lại, miễn cước roaming cho khách hàng và gửi lời xin lỗi về sự phiền phức này”, nguồn tin từ Viettel cho biết.

Theo VnExpress